Quý 4/2022: “Giữ lại” một phần lợi nhuận
LNTT Q4 đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, +19% YoY được thúc đẩy bởi cả thu nhập lãi (35% YoY), thu nhập ngoài lãi (+24% YoY) và sự sụt giảm trong chi phí dự phòng (-52% YoY).
Tuy nhiên, trên cơ sở so sánh theo quý, LNTT giảm 20% do chi phí hoạt động tăng 61% QoQ. CIR tăng lên 40,3% trong Q4/22, chủ yếu do khoản trích lập 1.000 tỷ đồng cho quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Thu nhập lãi tăng 35% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng cao hơn và biên NIM mở rộng so với năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt 14,3% YTD, trong đó tín dụng của NH mẹ tăng trưởng 15,2%, gần như toàn dụng hạn mức được cấp trong khi dư nợ cho vay từ ACBS giảm làm tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt 14,3%. Tăng trưởng tín dụng của ACB chỉ đến từ tăng trưởng cho vay khách hàng do ngân hàng không nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp.
Về phía nguồn vốn, tăng trưởng tiền gửi và giấy tờ có giá lần lượt đạt 9% và 45% so với đầu năm, dẫn đến tăng trưởng huy động đạt 11,6%. Tiền gửi khách hàng tăng mạnh hơn so với Q3 (3,2% YTD).
Các chỉ số tài chính của ACB. |
CASA đạt 22,3%, giảm từ mức 24,1% của Q3 và mức cao nhất là 27% trong Q1/22. NIM tăng 16 điểm cơ bản lên mức 4,26%, trên cơ sở quý, NIM Q4 cao hơn 6 điểm cơ bản so với Q3.
Chất lượng tài sản được cải thiện trên cả cơ sở quý và năm. Tỷ lệ nợ xấu là 0,74% trong Q4/22, giảm từ mức 1,01% trong Q3 và 0,8% vào cuối năm 2021.
Theo Ngân hàng, con số này chủ yếu đến từ việc điều chỉnh CIC do nợ xấu trước điều chỉnh là 0,62%. Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 159,3% so với Q3/22 (137,8%) nhưng giảm từ mức 209,4% vào cuối năm 2021.
Chi phí dự phòng ròng trong Q4 là 251 tỷ đồng, -52% YoY và lũy kế cả năm 2022 là 70 tỷ đồng (-98% YoY). Từ chia sẻ của ngân hàng, VDSC cho rằng chi phí dự phòng thấp trong năm 2022 chủ yếu là do hoàn nhập từ các khoản nợ cơ cấu liên quan đến Covid. Nếu loại trừ khoản hoàn nhập, VDSC ước tính ACB đã trích khoảng 2.070 tỷ đồng dự phòng cho danh mục cho vay hiện tại.
Cùng với việc thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi lần lượt tăng 24% YoY và 14% YoY, LNTT đạt 17.114 tỷ đồng vào năm 2022, +43% YoY, phù hợp với kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm nay.
2023 – Tăng trưởng bền vững từ nền cao
VDSC duy trì quan điểm tích cực về chất lượng tài sản và dự phòng rủi ro của ngân hàng bất chấp một số bất ổn của nền kinh tế, đặc biệt khi rủi ro của lĩnh vực bất động sản leo thang.
ACB là một trong số ít ngân hàng trong danh mục theo dõi sẽ ít bị ảnh hưởng nhất bởi xu hướng đi xuống của lĩnh vực bất động sản và các điều kiện kinh tế vĩ mô khắc nghiệt, do mức độ phơi nhiễm vào lĩnh vực này thấp và cách tiếp cận thận trọng của ngân hàng trong nhiều năm qua.
Dự báo ACB trong năm 2023. |
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, mức độ phơi nhiễm với lĩnh vực liên quan đến bất động sản chiếm khoảng 24% tổng dư nợ tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2022, trong đó cho vay cá nhân mua nhà và cho vay nhà phát triển BĐS lần lượt là 81 nghìn tỷ đồng và 18 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, ACB không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Trong năm 2023, VDSC kỳ vọng tín dụng và huy động sẽ tăng trưởng lần lượt 13,5% và 11,4%. Chi phí huy động có thể tiếp tục ở mức cao trong những quý đầu, tuy nhiên dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm phần lớn trong tổng dư nợ, tạo điều kiện cho việc điều chỉnh lãi suất trong bối cảnh lãi suất huy động tăng.
Cùng với việc tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động, VDSC kỳ vọng NIM sẽ tăng thêm 15 điểm cơ bản. Tổng thu nhập hoạt động dự kiến sẽ tăng 15,8% lên 33,3 nghìn tỷ đồng và chi phí hoạt động giảm nhẹ 7%, dẫn đến LNTT tăng 19% YoY.
Dự phóng LNTT cho năm 2023-2024 lần lượt là 20.431 tỷ đồng (+19%) và 24.314 tỷ đồng (+19%). Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu tương ứng ước tính là 18.453 đồng và 22.253 đồng.
Giá mục tiêu mới nhất của VDSC là 30.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức sinh lời 21% so với giá đóng cửa ngày 22/02/2023 và khuyến nghị MUA.