Mua đồ của chính mình
Dọc các con đường nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh như Hùng Vương (quận 5), Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), 3-2 (quận10)... từ nhiều năm nay đã trở thành địa chỉ quen thuộc bán buôn tất cả những mặt hàng secondhand (đồ cũ).
Nhiều đại gia mê đồ cổ đã thường xuyên tới đây săn lùng, bởi họ biết những món hàng được bọc trong bao ni lông hoặc chiếc túi xách rách nát là hàng hiệu, đồ cổ rất giá trị. Anh Lê Duy Hòa (quận 8, TP Hồ Chí Minh), một người chuyên đi sưu tầm đồ cổ là bạn hàng thân thiết ở các khu chợ này.
Pho tượng Phật bằng đồng cổ giá trị được mua ở chợ trời. |
Anh Hòa vừa tậu được pho tượng Phật bằng đồng nguyên khối, có tuổi đời không dưới trăm năm với giá rẻ không tưởng. Anh Hòa nhận định, pho tượng này nếu bán trong các cửa hàng đồ đồng sẽ không dưới 50 triệu đồng, nhưng anh mua ở đây chỉ bằng một phần ba số tiền ấy.
Sở dĩ có giá bèo như vậy vì người bán mua vào với giá "cân đường hộp sữa" nên bán ra chỉ cần lời gấp 10 lần là họ vui cười đắc ý ngay. Họ cũng không có trình độ và kinh nghiệm thẩm định giá trị cổ vật nên cuộc giao dịch diễn ra suôi sẻ, thuận tình.
Lần theo sự chỉ dẫn của anh Hòa, chúng tôi tới đường Nguyễn Kiệm để mua hàng. Tại đây, cả một đoạn vỉa hè hàng trăm mét giáp với giao lộ vòng xoay Phạm Văn Đồng bày bán dày đặc các mặt hàng cũ kỹ, cổ xưa hoặc mới toanh nhưng "xịn".
Họ đổ hàng ra tấm bạt, người mua lăn lê bò trườn chọn lựa. "Cửa hàng" nào khiêm tốn diện tích thì để gọn trong chiếc vali kéo, nhưng ai cần thứ gì cứ việc hỏi, lúc nào cũng có. Họ bán tất cả mọi thứ, từ giày dép, quần áo, tô chén, tivi, máy tính cho đến con dao, cái kéo...
Cùng đi mua hàng với chúng tôi là Hoài Thương, cô sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh. Thương vẻ mặt hớt hải đi tới từng cửa hàng hỏi về chiếc laptop ASUS đời 2015, phía sau máy có khắc chữ "chân trời tự do" bằng bột đá, màu đỏ. Hiểu ngay sự việc của Thương, T.Q, một đầu nậu đang ngồi bán hỏi ngay: "Bị trộm rồi đúng không? Mất khi nào? Ở đâu?".
Thương luống cuống trả lời: "Mất ở phòng trọ gần chợ Tân Sơn Nhất, vào khoàng 6 giờ tối hôm qua". Vừa nghe xong, T.Q lắc đầu: "Vậy chỗ này không có đâu, nó tẩu tán tận quận12 rồi". Khuôn mặt Hoài Thương thất thần, như không tin vào những gì vừa xảy ra. Cô bé quay đi khóc thút thít.
Vừa tiếp chuyện cô sinh viên bị mất đồ, T.Q lại gặp một bà nội trợ chưa kịp cởi khẩu trang ra đã chửi như xối nước: "Cái lũ khốn nạn xì ke chích choác lại chôm của tôi chiếc xe đẩy của thằng cháu nội. Tôi để phơi nắng ngoài ban công được mười phút đi vô nhà ra đã không còn xe nữa.
Đủ loại hàng hóa được bày bán trên vỉa hè. |
Từ sáng giờ ông có thấy thằng nào mang xe ra bán không?". Lần này T.Q tỏ ra sành đời, nói: "Mới sáng giờ thì chưa ra tới đây đâu. Nó còn ngã giá chán chê mới đưa tới chợ. Nếu mất gần đây có thể chúng sẽ mang qua Hùng Vương tẩu tán cho an toàn".
Ở những khu chợ trời, khách đến tìm mua vì ham giá rẻ, đồ bán lại chất lượng. Nhưng cũng không ít khách biết nơi này là "thủ phủ" làm ăn của bọn trộm cắp nên đến mong tìm được món đồ đã bị mất. T.Q kể, cách đây vài ngày anh ta vừa cho một cậu sinh viên mua lại cái laptop của mình bị trộm. Những trường hợp bán cho chính chủ thì T.Q chỉ ăn lời 100 đến 200 nghìn tùy giá trị đồ vật.
Bên cạnh cửa hàng của T.Q là ông Ba Rỗ (60 tuổi), chuyên bán giày dép quần áo, bảo hiểm. Hàng hóa của Ba Rỗ nhàu nhĩ, xây xước như chính khuôn mặt của lão. Đúng phong cách "bụi đời", mặt dày, râu rậm, chân tay thô ráp như củ sắn củ khoai, Ba Rỗ ngồi bán hàng chẳng khác nào một gã ăn mày chợ đêm.
Trong gian hàng của Ba Rỗ, có mấy đôi guốc hiệu Japan, Italia giá hàng triệu đồng nếu mua trong shop. Bán ở đây, ông chỉ lấy 200 đến 300 ngàn. Để khách khỏi trả giá, Ba Rỗ sổ toẹt: "Cái này chúng nó chôm được ở chùa của mấy bà đầm đó. Mỗi lần mang ra bán cả bao mới có giá rẻ như vậy".
Nhiều sinh viên cũng rủ nhau tới các khu chợ này để tìm kiếm những món đồ phù hợp, hữu ích với túi tiền. Hoài Thương sau khi tuyệt vọng với tài sản bị đánh cắp đã quyết định mua một chiếc laptop ở đây với giá 3 triệu đồng. Thương tâm sự: "Biết là đồ ăn cắp nhưng vì giá rẻ em vẫn mua".
Tuy nhiên, các "cửa hàng" không hoàn toàn bán đồ cũ "xịn" mà thường trà trộn với hàng của Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia. Ông Ba Rỗ tiết lộ: "Lấy đâu ra đồ "chôm chỉa" nhiều thế, chúng nó bán đồ siđa ngoài chợ nữa. Ai tinh mắt, sành chơi đi chọn được hàng tốt. Còn lại mấy người lao động, vé số, phụ hồ, ba gác vẫn tới đây mua quần áo giày dép chỉ vài ngàn đồng một cái thôi. Đây là chợ "cái bang" mà".
Đồ "siđa" hàng hiệu
Càng về chiều, các gian hàng càng đông đúc và nhộn nhịp. Người mua kẻ bán và cả các cuộc giao dịch ngầm đều diễn ra dọc con đường này. Theo một đầu nậu sừng sỏ lâu năm, thì mỗi gian hàng được ngồi bán ở đây đều phải trải qua quá trình sát hạch khắc nghiệt về lịch sử bản thân. Ai lọt qua "vòng lý lịch" sẽ phải tuân thủ "luật" bất thành văn của các đấng "anh chị".
Có những "gian hàng" chỉ mấy bộ quần áo và vài cái dây sạc điện thoại. |
Cánh đầu nậu biết rõ bản chất của những cuộc giao thương này nên rất cẩn thận. Họ luôn có "tai mắt" để ý người lạ hoặc đối tượng có khả năng gây nguy hiểm cho việc buôn bán. Để đối phó với cơ quan chức năng, mỗi "cửa hàng" đều trang bị đồ nghề rất khoa học, đó là những chiếc vali hoặc cặp táp nhỏ gọn, hễ gặp xe "bốc hốt", họ bấm nút va li rồi giả bộ đường hoàng ngồi chơi xơi nước như những vị khách đường xa.
Đường Hùng Vương, đoạn gần chợ An Đông quận 5 cũng nhộn nhịp không kém đường Nguyễn Kiệm là bao. Một vài năm trở lại đây, mọc thêm nhiều "cửa hàng" với những "ông bà chủ" mới toanh thuộc tầng lớp "phía dưới".
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều người lượm ve chai, ông xích lô cũng sở hữu cho mình một tấm ni lông ngồi bán. Họ có gì bán đó hay nói cách khác là lượm được gì, "chôm" được gì thì mang về gốc cây ngồi bán luôn. Trong bộ sưu tập của anh Hòa có chiếc đồng hồ chính hãng Thụy Sĩ mua của người chạy xích lô. Anh Hòa cố gặng hỏi về lịch sử "ra đường" của chiếc đồng hồ nhưng người bán nhất định không trả lời.
Anh Hòa có người bạn thân là Nguyễn Công Tiến, "ông trùm" nổi danh với những chiếc đồng hồ hiệu. Tiến là một trong những người "ra đường" từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ngày ấy, Tiến bắt đầu sự nghiệp buôn bán đồ cổ chỉ với mục đích mưu sinh, nhưng rồi cái thú đam mê "thời gian" cứ bám riết lấy anh.
Mới sáng sớm nhưng việc trao đổi mua bán diễn ra nhộn nhịp. |
Không ai biết bằng cách nào mà Tiến kiếm được những chiếc đồng hồ "cổ lai hy" làm mê đắm dân chơi. Những đại gia sẵn sàng đổ tiền để sở hữu món đồ cổ và cứ thế, Tiến phất lên như diều gặp gió. "Lãnh địa" của Tiến ở đường 3-2, tại các gốc cây cổ thụ. Việc trao đổi buôn bán chỉ diễn ra trên chiếc cặp nhỏ, nhưng nó được ví như "cặp Thạch Sanh" không bao giờ hết hàng.
Bỗng nhiên một ngày, Tiến mất tích không một lời nhắn nhủ. Các bạn hàng nháo nhác kiếm tìm, mối làm ăn cũng chơi vơi, hụt hẫng. Tiến quyết định "gác kiếm" bỏ hẳn nghề vì cảm thấy đã đủ trải nghiệm cho một đời "giang hồ", nếu tham lam ắt sẽ "dính chàm".
Hơn ai hết, Tiến hiểu được mánh khóe của dân buôn đồ cũ trên các con đường trọng điểm kể trên. Anh cho biết: "Buôn kiểu này lời ít nhất là 10 lần. Bây giờ mánh khóe tinh vi hơn ngày xưa nhiều, họ có thể "luộc" hết "chất" bên trong, chỉ để lại vỏ để lòe và lừa bịp thiên hạ. Tôi bỏ nghề vì nhận ra sự gian trá ngày một khủng khiếp của dân buôn".
Thị trường chợ trời sôi động nhất vào dịp cuối năm. Theo nhìn nhận của đầu nậu, càng gần Tết, phường trộm cắp hoạt động rôm rả nhất, liều lĩnh nhất nhằm "vét" mẻ cuối lấy tiền ăn chơi. Chúng sẽ nhắm vào các phòng trọ sinh viên, người lao động hoặc trà trộn vào các ngôi chùa trộm mũ nón, dép guốc... của Phật tử. Chúng sử dụng trăm phương ngàn kế thực hiện kế hoạch, nên ai cũng có thể là nạn nhân nếu không cảnh giác.