Mấy ngày đầu lễ hội xuân Ất Mùi, dư luận bị cuốn hút bởi không ít những chuyện mà ngẫm cho kĩ, bỗng thấy… buồn và lo.
Tết không "cần" đội mũ bảo hiểm
Chín ngày Tết Ất Mùi 2015 (từ 15 đến 23/2), cả nước xảy ra 536 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 317 người, bị thương 509 người. So với Tết Giáp Ngọ 2014, số vụ TNGT giảm nhưng số người chết tăng (trung bình mỗi ngày chết 35 người - Tết năm 2014 trung bình mỗi ngày chết 32 người). Đáng chú ý là số vụ TNGT chủ yếu xảy ra đối với các phương tiện như môtô, xe máy...
Xem phóng sự phát trên ti vi, thấy người dân đi xe máy vừa chở quá số người qui định vừa không đội mũ bảo hiểm rất phổ biến trong dịp tết không chỉ ở nông thôn mà ngay cả ở thành phố. Điều đó lí giải nguyên nhân vì sao số người chết vì TNGT gia tăng. Nhiều người khi được hỏi tại sao đi mô tô, xe máy mà không đội mũ bảo hiểm, tất cả đều chung một câu trả lời: biết là vi phạm nhưng vì là ngày tết nên muốn thoải mái để du xuân, vả lại ngày tết cảnh sát GT cũng nương tay hơn!
Té ra, đội mũ bảo hiểm để bảo vệ tính mạng bản thân chỉ là cách để đối phó với lực lượng chức năng, khi việc giám sát bị buông lỏng, người ta sẵn sàng vi phạm. Xem ra việc chấp hành luật lệ giao thông chưa trở thành ý thức pháp luật “ngấm” vào máu thịt của một bộ phận không nhỏ người dân nhất là giới trẻ.
Hơn 6000 người đánh nhau phải nhập viện
Trong mấy ngày tết, theo thống kê của ngành Y, cả nước có hơn 6000 người đánh nhau phải nhập viện trong đó có 15 người chết. Đây chắc chắn là bản tin “lạ” nhất của năm mới Ất Mùi. Để "có" 6000 ngàn người nhập viện thì con số tham gia ẩu đả phải gấp năm bảy lần? Nghĩ mà thấy sợ.
Ảnh minh họa |
Dường như trong ứng xử xã hội, dân mình bây giờ “ngứa ngáy” tay chân hơn, sẵn sàng động thủ bất cứ lúc nào.
Bỗng nhớ năm kia, báo Tuổi trẻ đăng bài của nhà báo Phạm Xuân Nguyên: Người Việt hung hãn như một lời cảnh báo. Nhưng bây giờ, xem ra cái sự “hung hãn” của dân mình không còn dừng ở mức cảnh báo nữa. Đến như diễn viên, người mẫu được xem là giai tầng “cao” trong xã hội vì vừa đẹp người (hẳn là thế), vừa được coi là có văn hóa, thế mà vẫn thượng cẳng chân, văng tục không kém gì một tay anh chị trong giới giang hồ.
Văn hóa… cướp lộc trong lễ hội
Hội Gióng năm nay, chưa hành lễ xong mà hàng trăm người đã xô đẩy rồi tung chưởng, vung gậy ẩu đả để cướp “lộc” hoa tre. Một hình ảnh có thể nói không thể chấp nhận được bởi nó làm hoen ố một lễ hội truyền thống tốt đẹp. Thế mà các quan chức địa phương cứ một mực bảo đấy “là việc bình thường”.
Những hình ảnh xấu xí, không đáng có ở lễ hội đền Gióng năm nay. |
Than ôi, bình thường mà như thế, ngộ nhỡ “không bình thường” thì đầu rơi máu chảy chắc? Đến khi ấy liệu các vị có còn ung dung tự tại mà bao biện được nữa không? Lễ hội văn hóa đang bị biến tướng một cách trắng trợn. Sự trục lợi và cuồng tín một cách mù quáng đang lấn lướt nét đẹp truyền thống của văn hóa lễ hội mà ông cha đã dày công gây dựng và gìn giữ hàng ngàn năm nay.
Khai bút… tập tô
Người Việt quan niệm rằng, ngày đầu tiên của năm là ngày quan trọng cho một khởi đầu mới. Cho nên trong khoảng thời gian đó, mọi người thường tranh thủ làm nhiều việc lấy may, trong đó có tục khai bút.
Tục khai bút xưa thường chỉ dành cho giới học giả như thầy đồ, học sĩ, ngày nay thì có thêm học sinh, văn sĩ, trí thức. Nghi lễ khai bút mang tính chất tượng trưng, khởi đầu cho sự học, sự viết lách, nghiên cứu của một năm mới với hi vọng tốt đẹp hơn, thành công hơn. Nội dung khai bút không bắt buộc. Có thể là một sáng tác mới như thơ ca, câu đối, có thể là một điều cầu nguyện mong ước hoặc đôi ba chữ hàm ý sâu sắc, cũng có khi chỉ là ghi dấu ngày giờ khai bút. Tóm lại, khai bút là để mong điều tốt lành, tôn trọng chữ nghĩa, đề cao sự học. Và đã gọi là khai bút thì người khai phải tự viết lên con chữ thể hiện tư tưởng của mình.
Chẳng ai lại đi tô chữ có sẵn như 5 vị quan chức Hà Nội khi tham gia khai bút sáng 23/2 tại đình thờ Nhà giáo Chu Văn An vừa qua. Mục đích tổ chức lễ khai bút này là tốt đẹp nhưng cách làm thì hình thức, “diễn” không phải lối nên khiến dư luận phản ứng.
Tết trồng cây… cổ thụ
Từ những năm 60 của thế kỉ trước, Cụ Hồ đã phát động nhân dân ta trồng cây vào dịp năm mới, sau khi nhà nhà đã ăn tết xong với mục đích, ý nghĩa rất rõ ràng:
Mùa xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân
Mấy chục năm qua, tết trồng cây trở thành một tục lệ đẹp trong đời sống xã hội vào dịp đầu năm mới. Sẽ không có gì đáng bàn nếu việc trồng cây được con cháu bây giờ thực hiện theo đúng nghĩa của cụm từ này. Nghĩa là trồng cây con vừa ươm hoặc vừa bứng lên để chăm sóc cho nó phát triển, góp phần cải tạo môi trường sinh thái, đem lại lợi ích kinh tế lâu dài.
Tôi còn nhớ những tết trồng cây xưa, ở địa phương thì nhân dân, ở cơ quan, trường học thì cán bộ viên chức, học sinh tham gia rất sôi nổi. Cây trồng đã được ươm sẵn, mỗi người tùy lượng cây cung cấp nhiều hay ít mà tự đào hố trồng một vài cây dọc đường lộ, trên sườn đồi hay ngoài bãi sông… Đó là lao động thực sự mà người tham gia cảm nhận được ý nghĩa và niềm vui của việc mình làm.
Còn bây giờ, tết trồng cây dường như đã khác. Người ta phát lễ rất rầm rộ nhưng việc tổ chức trồng cây lại thường mang tính chất tượng trưng và chỉ diễn ra ở một vài cơ quan, đơn vị. Cây trồng thì khỏi phải nói, nhìn ảnh mà báo chí đưa tin, toàn là “cổ thụ” mới đốn ở nơi khác về, đã được chôn trước nơi khuôn viên công sở hay công viên công cộng. Người tham gia trồng cây thì mặc trang phục đại lễ: com-lê cà-vạt, dày bóng loáng; tay cầm xẻng quấn dây xanh đỏ dứ dứ vài động tác vào đất quanh gốc cây, rồi giơ roa té nước, rồi gắn biển ghi tên... Phóng viên thi nhau bấm máy. “Màn diễn” trồng cây kết thúc thật hoành tráng. Nước mình hiện giờ trên 2/3 dân số là nông dân. Họ thừa biết muốn trồng cây thì phải làm như thế nào. Giá có “diễn” thì cũng nên cố gắng cho thật một chút, nếu không sẽ gây phản cảm kiểu như chuyện khai bút đã nói ở trên kia.
Điểm sơ sơ một vài chuyện “nóng” xảy ra trong mấy ngày tết vừa qua. Người vô tâm vô tư thì nghĩ chẳng có gì, chuyện thường ngày mà. Nhưng mà ngẫm cho kĩ, chao ôi, không thể không buồn lòng và lo lắng. Bởi đó là văn hóa ứng xử của xã hội, của con người với con người. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, nó sẽ gặm nhấm, bào mòn những giá trị đạo đức văn hóa của dân tộc. Một xã hội mà sự giả dối, cuồng tín và bạo lực lên ngôi thì liệu có thể phát triển được không. Tương lai đất nước sẽ ra sao nếu những cảnh như trên cứ tiếp diễn trong đời sống xã hội mà ta vẫn nghĩ đó là chuyện bình thường?
Hãy sống thật, nói thật, làm thật để cho cuộc sống vui tươi, xã hội lành mạnh và “”Đất nước càng ngày càng xuân” như Hồ Chí Minh đã dạy!