Dân Việt ngày càng chơi sang: Chê bia cỏ, nhậu bia cao cấp

Có ưu thế về chất lượng, nếu các thương hiệu bia cao cấp cạnh tranh, chỉ cần hạ giá, bán rẻ gần bằng bia nội thì người tiêu dùng sẵn sàng móc hầu bao. Khi đó, nguy cơ các DN sẽ khó giữ được thị phần như hiện nay.

“Mất sân” vì bia cao cấp
Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, tăng trưởng sản xuất bia đang trên đà giảm dần. Nếu trước năm 2010, bình quân tăng trưởng ở mức hai con số thì đến nay đã giảm xuống, chỉ còn từ 5-8%.
Tuy nhiên, riêng phân khúc bia cao cấp lại có sự bứt phá mạnh mẽ, với mức tăng trưởng khoảng 15%/năm so với mức 4,8%/năm của phân khúc bia giá rẻ.
Cũng theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát, phân khúc bia cao cấp hiện chiếm hơn 30% thị phần bia cả nước, tăng gấp đôi so với thời điểm 2014. Trong phân khúc này có các tên tuổi như Heineken, Tiger, Sapporo, Budwweiser, Carlsberg,... cùng một số sản phẩm của các thương hiệu nội như Trúc Bạch, Hanoi Premium, Saigon Special, Saigon Large, Saigon Gold,... Tuy nhiên, Heineken vẫn là thương hiệu thống lĩnh thị trường.
Các thương hiệu bia ngoại ngày càng chiếm lĩnh thị trường Việt
 Các thương hiệu bia ngoại ngày càng chiếm lĩnh thị trường Việt
Tại thị trường Việt Nam, Heineken dù định vị ở phân khúc cao cấp nhưng có sản lượng lớn, chỉ đứng sau Sabeco. Khoảng cách giữa Heineken với thương hiệu bia lớn nhất Việt Nam ngày càng được thu hẹp lại. Năm 2017, cả nước đạt sản lượng 4 tỷ lít bia thì Sabeco dẫn đầu với hơn 1,7 tỷ lít, chiếm 40% thị phần; Heineken thứ 2 với hơn 1,1 tỷ lít, chiếm 28% thị phần.
Trung tâm Nghiên cứu Người tiêu dùng và Khách hàng thuộc Công ty Tư vấn Boston Consulting Group (Mỹ) mới đây công bố một khảo sát cho thấy, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang tăng lên mạnh mẽ, nhanh hơn so với bất cứ nơi nào ở khu vực Đông Nam Á. Những người có thu nhập từ 714 USD/tháng trở lên được xếp vào tầng lớp này. Dự kiến, Việt Nam sẽ có 33 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, chiếm khoảng 1/3 dân số vào năm 2020.
Theo các DN, đây là yếu tố cốt lõi giúp phân khúc bia cao cấp sẽ ngày càng lớn mạnh. Đời sống người dân tăng lên sẽ tỷ lệ thuận với tiêu thụ bia cao cấp.
Chính vì vậy, nhiều hãng bia đang không ngừng đầu tư phát triển dòng bia cao cấp tại Việt Nam. Hãng AB Inbev (Mỹ) hiện đã có 2 nhà máy bia tại Việt nhưng mới đây có ý định đầu tư thêm 7 riệu USD để nâng công suất. Sapporo (Nhật Bản) đã đầu tư vào Việt Nam với sản lượng 100 triệu lít/năm,... Heineken cho biết Việt Nam là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai thế giới của thương hiệu này sau Mexico, tương lai sẽ trở thành thị trường số một nên tiếp tục nâng công suất để đáp ứng nhu cầu.
Các thương hiệu bia nội như Tổng công ty CP Bia Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty CP Bia Rượu và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thời gian qua cũng đẩy mạnh đầu tư sản xuất các dòng bia cao cấp. Với Sabeco là Saigon Special, Saigon Large, Saigon Gold,... Habeco là Hanoi Premium và Trúc Bạch, trong đó Saigon Special và Hanoi Premium có mức tăng trưởng khoảng 15%/năm trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, tiêu thụ bia bình dân đang có xu hướng giảm ở một số sản phẩm. Chẳng hạn, bia chai Hà Nội 450ml đỏ, vốn rất quen thuộc với người tiêu dùng miền Bắc từ hàng chục năm qua. Thời kỳ đỉnh cao, loại bia này chiếm đến 70% tổng sản lượng các sản phẩm của Habeco, song hiện đang bị sụt giảm mạnh. Tiêu thụ năm 2017 của sản phẩm này đã giảm 60 triệu lít. Nguyên nhân, theo Habeco, là do những người có thu nhập khá trở lên, có xu hướng dịch chuyển sang những sản phẩm cao cấp hơn.
Không thay đổi nhiều, chất lượng không cao là những điểm yếu của bia nội (ảnh minh họa)
 Không thay đổi nhiều, chất lượng không cao là những điểm yếu của bia nội (ảnh minh họa)
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cũng cho biết, từ 2015 đến nay sản lượng bia hơi đã giảm nhẹ, nhất là bia của các các thương hiệu ít tên tuổi, vẫn đi kèm với từ “bia cỏ”. Khách hàng giờ theo xu hướng chuộng bia chai và bia lon hơn.
Bia nội chật vật
Thị trường bia Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt. Các công ty phải giành giật nhau thị phần từng tháng, từng quý, từng vùng. Bia nội hiện vẫn chiếm giữ gần 70% thị phần, nhưng thị hiếu thay đổi, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm bia cao cấp. Bởi vậy, đa dạng sản phẩm, đặc biệt là dòng sản phẩm cao cấp, nhằm bắt kịp theo xu hướng phát triển của thị trường là điều không dễ dàng.
Hiện tại, hầu hết các thương hiệu bia nội đều nằm ở phân khúc bình dân, phù hợp với túi tiền của đa phần người dân Việt Nam. Xu hướng chuyển sang dùng bia cao cấp đang gây bất lợi cho bia nội. Với thương hiệu bình dân, khi phát triển những sản phẩm cao cấp, cạnh tranh rất chật vật.
Không những thế, sản phẩm của các DN bia nội lại không thay đổi nhiều, chất lượng không được nâng cao. Đây là những điểm yếu của bia nội khi cạnh tranh trong thị trường mở cửa hoàn toàn.
Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, mới đây nhất là CPTPP, sẽ có hiệu lực từ năm 2019. Theo lộ trình, thuế nhập khẩu bia sẽ về mức 0%. Trong số các thành viên CPTPP, nhiều quốc gia rất mạnh về xuất khẩu rượu bia, nước giải khát như Nhật, Canada, Mexico, Chilê,... Dự báo bia ngoại sẽ tràn vào Việt Nam thời gian tới.
Nếu những thương hiệu bia cao cấp cạnh tranh, chỉ cần hạ giá, bán rẻ gần bằng bia nội thì người tiêu dùng sẵn sàng móc hầu bao, nhờ ưu thế về chất lượng. Khi đó, nguy cơ các DN sẽ khó giữ được thị phần như hiện nay.
Năm 2017, sản xuất bia đạt 4 tỷ lít, tăng 6% so với 2016, nhưng ở một số DN bia nội lại giảm từ 5-10%. Trong đó, đáng chú ý nhất là Habeco giảm 6,5% so với 2016, chỉ đạt 657 triệu lít. Ngay tại Hà Nội, khu vực hoạt động chính của Habeco DN này cũng không còn nắm thế độc tôn. Thay vào đó, ngày càng nhiều người tiêu dùng ưa thích sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh khác như: Saigon Special, Heineken, Tiger.

Đọc nhiều nhất

Tin mới