Đàn bà bé nhỏ

Ôi những người đàn bà quê tôi cả đời lầm lũi, quờ quạng trong bóng tối để hy vọng về một tia sáng mơ hồ…

Mẹ tôi mê bói, nói đúng hơn là tất thảy những người đàn bà ở làng tôi đều ham bói toán. Những lúc nông nhàn họ thường chụm đầu thì thầm kể về một vụ gọi hồn, vài địa chỉ xem bói nghe đồn linh lắm.

Cũng có khi truyền tai nhau mấy câu chuyện nghe ngóng được trong lúc cùng ngồi khấn vái trong một cửa điện nồng mùi hương khói. Những câu chuyện không kết thúc khi họ rời nhau trở về nhà lo cơm nước cho chồng con, mà nỗi ám ảnh còn đeo bám họ vào cả bữa ăn, giấc ngủ, vào những phút giây thẫn thờ hay lo toan bật thành tiếng khóc giữa đêm khuya. Để rồi họ giấu chồng con dành dụm tiền bạc dấm dúi đi cúng bái khắp nơi. Người đi giải hạn, người cắt duyên âm, người cầu con cái, người mong tìm chồng, lại có cả những người phụ nữ ham mê đề đóm xì xụp khấn vái xin lộc khắp nơi. Chỉ cần ngồi quan sát trong cửa điện một vài giờ cũng đủ thấy bi kịch lẫn trong bi kịch. Bởi ở đó họ trở nên nhỏ bé, thấp hèn, van xin và lầm lũi đáng thương hơn bao giờ hết…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Mẹ tôi thường tìm đến những quẻ bói những lúc lòng bà cảm thấy bất an. Ấy là mỗi khi mấy chị em tôi gặp chuyện chẳng lành. Chị lấy chồng xa, thi thoảng lại mang về cho mẹ một vài tin dữ. Chị yếu, năm lần mang thai thì sảy đến ba lần, cơ thể xanh rớt chẳng còn sức sống. Mẹ nhiều lần xót xa bảo chị thôi đừng sinh thêm con nữa, trời cho hai đứa thì nuôi hai cũng đã là vất vả. Nhưng gia đình nhà chồng còn giữ quan niệm lạc hậu trọng nam khinh nữ nên chị cứ cố hết lần này đến lần khác. Anh rể vốn nghiện rượu lại thêm cái tính bồ bịch, thỉnh thoảng đổ lên đầu chị vài trận đòn vì cái tội “không biết sinh con trai”. Chị một mình gánh vác gia đình trong khi hai đứa con nhỏ đau ốm liên miên.

Mẹ nhìn phận mình mà cay đắng phận con. Bất lực không biết làm gì ngoài việc theo mọi người đi cúng lễ nhiều nơi mong cho cửa nhà êm xuôi, con cháu mạnh khỏe thuận hòa. Những ngày bố bị bệnh, anh trai thất bại trong làm ăn nợ nần chồng chất phải rời quê trốn nợ, mẹ đau đớn xoay xở đủ đường vẫn không nắm níu được gia đình. Đêm nào mẹ cũng quay mặt vào tường khóc trộm, tiếng thở dài buồn hiu hắt. Bỗng có ngày mẹ vui cười, nói toàn chuyện tốt đẹp trên đời. Hỏi ra mới biết thày bói bảo “vận hạn sắp qua rồi…”.

Một vài lần tôi cũng theo chân mẹ đến chốn đèn nhang. Nghe thầy bói khấn lùng bùng trong tai mà thương thay những người đàn bà đang quỳ gối khấn vái, mặt mày rầu rĩ. Chỉ cần thấy “thầy” với vẻ mặt nghiêm trọng lắc đầu phán một lời tiên đoán về những vận hạn sắp xảy ra là họ không giấu được nỗi hoang mang sợ hãi. Nào thì nhà có tang, mồ mả không yên, đất đai không thuận… Tôi tự hỏi đằng sau những người đàn bà là lũ trẻ, chúng sẽ sống ra sao với nỗi ám ảnh mà mẹ mình mang về gieo rắc trong nhà?. 

Tôi cũng đã từng sống trong tâm trạng lo âu ấy một thời gian dài. Khi ấy tôi còn nhỏ, mẹ đi xem bói chỉ tay về kể với dì rằng mình không còn sống được bao lâu. Tôi tình cờ nghe được câu chuyện đó, từng sợ hãi đến mức ngay cả trong giấc ngủ chỉ sợ tỉnh dậy quờ bên cạnh không còn thấy mẹ đâu nữa. Đêm nào tôi cũng gặp ác mộng nên chẳng có giấc ngủ nào đủ sâu, người ngày càng gầy rộc đi trông thấy. Tôi cũng không còn nhớ đã thoát ra khỏi quãng thời gian trầm cảm ấy như thế nào, nhưng thực sự những lời bói toán vẫn còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Ơn trời mẹ tôi vẫn mạnh khỏe nhưng không hiểu sao bà vẫn còn tin vào bói toán.

Dì Xuân cũng vậy, chắt bóp từng đồng tiền lẻ từ tiền bán vài nải chuối, mấy mớ rau, vài bà thúng ngô để sắm lễ hàng tháng đi làm lễ. Dì không nhờ “thầy” xem sức khỏe, cũng chẳng xin tài lộc. Lúc nào dì cũng chờ “thầy” khấn vái xin xấp ngửa đồng tiền để xem chồng mình bao giờ thì mới biết đường tìm về với mẹ con dì. Dì làm không biết bao nhiêu lễ, đốt không biết bao hình nhân, thấm đẫm không biết bao nước mắt trong sự xót xa và cả giễu cợt của người đời. Cậu tôi theo nhân tình, bỏ nhà đi biền biệt đã ba năm. Nhưng nơi cậu đến cũng vẫn cùng một làng quê, cách nhau con sông người bên lở kẻ bên bồi. Tôi chua xót bảo dì: “Cậu đâu có đi xa mà dì cứ sợ cậu không biết đường về. Dì đừng mất công đi cúng bái chi cho khổ. Nếu người muốn về thì người đã về rồi…”. Dì không nói gì chỉ khóc, mỗi ngày mỗi héo hon đi. Mẹ tôi than giá cứ để dì trông đợi vẫn hơn… Ôi những người đàn bà quê tôi cả đời lầm lũi, quờ quạng trong bóng tối để hy vọng về một tia sáng mơ hồ…

Muôn vàn tấm bi kịch cúi đầu trong những cửa điện đèn hương nhấp nháy. Họ tìm đến “thầy” như một sự cứu cánh. Đến mức tôi từng nghĩ họ nghiện bói toán như một căn bệnh cố hữu và khó chữa. Cũng bởi họ nhỏ bé từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Dưới những biến cố ập đến họ không biết làm gì hơn ngoài chịu đựng, có muốn thay đổi cũng vô cùng khó khăn trong những lề thói cũ. Không gian làng quê không có nhiều thú vui lành mạnh giúp họ quên đi phiền muộn, cũng không có nhiều cơ hội để giúp họ đổi thay. Chính vì không biết cách vượt qua được chính nỗi sợ hãi trong mình nên họ đã trở thành những con hương đệ tử cứ xuân thu nhị kỳ lại đến tìm thầy bói. Họ loan truyền nhau về tài đặc biệt của “thầy”, cứ người này mách người kia khiến không ít người rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Ấy là chưa kể có không ít cửa nhà tan vỡ cũng chỉ vì đàn ông trong gia đình không thể nào chịu đựng nổi những nỗi ám ảnh, bi lụy mà người phụ nữ ham bói mang về rải khắp trong nhà.

Nhỏ nhen như… đàn bà

Các thứ gia vị nhà bếp nếu mua thì sẽ có, còn gia vị của hạnh phúc, chị làm sao mua được?

Anh đang lúi húi đun đun nấu nấu, hai người bạn lanh canh chén đũa thì bất chợt… chị về! Không nói không rằng, chị cởi áo khoác quất túi bụi vào người anh: “Ăn nhậu nè! Tụ tập nè! Hao tốn nè!”.

Vừa quất chị vừa hét, chẳng nể nang gì các bạn anh - cũng là hàng xóm của chị. Chiếc miệng xinh xắn ngày nào giờ cong lên như đôi quai xách, lúc dãn chiều dài, lúc dãn chiều ngang, mắt chị thì long lên sòng sọc, đủ để anh nhận rõ tình hình. Hai người hàng xóm lục tục ra về, món rắn bằm xúc bánh tráng thành thừa thãi.

Nhà anh nào có nghèo khó gì đâu. Anh cũng là người đàn ông sắp 60, một tai nạn lao động đã khiến anh bị mất thính lực từ hơn 10 năm trước. Tuy vậy, anh vẫn lo được nhà cửa khang trang cho vợ con, hai đứa trẻ đã có chốn riêng tư, nhà còn vợ chồng già với 5ha đất xoay vòng thu hoạch mãng cầu và nhãn. Trong nhà, anh còn “linh động” nuôi chục con rắn. Anh gần 60 mà tối tối phải “thể dục” một vòng chừng hơn tiếng đồng hồ quanh các khu đất gần nhà để kiếm tí mồi tươi về cho lũ rắn. Rắn cao giá thì bán “phụ” chị tiền chợ, rắn rớt giá thì lâu lâu bằm một con lai rai chuyện trên trời dưới đất cùng hai ông hàng xóm. Ngày anh ra đồng từ sáng sớm, làm hết việc này tới việc khác. Bón phân, tỉa lá, xịt bông mãng cầu, tưới tắm đám nhãn... Mùa trái chín, chị kêu lái tới, cân kéo đến, chị đếm tiền bỏ vào tủ, anh không hỏi đến. Ngày ngày với anh, được sống khỏe mạnh và lao động là quý nhất rồi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chỉ cái tật mỗi tuần mỗi lai rai một cữ với hai ông bạn và hũ rượu thuốc là anh không bỏ được. Nhà người ta chưa khá giả bằng anh, nhưng mỗi khi chồng chịu “gầy mâm” ở nhà là vợ con cuống cuồng phục vụ, còn nói như vậy là quý rồi, để ổng ra quán, hết tăng một, tới tăng hai, tăng ba là xem như… nhà bay đất bán. Nhưng, chị luôn kêu… hao. Riết rồi niềm vui duy nhất của anh cũng bị bào mòn theo lời kêu than của chị.

Hôm qua chị nói, hôm nay chị đi chùa, cúng kiếng một chút, cầu gia đình hạnh phúc. Anh nhắn tin rủ hai ông bạn, hứa hẹn một bữa rắn cuốn bánh tráng hoành tráng! Vậy mà…

Có thể vì chị là đàn bà nên có kiểu tính của đàn bà: không muốn hao tốn cho những bữa nhậu. Nhưng, người biết chuyện lại nói chị nhỏ nhen, đời ai sống được hai lần. Anh đã cho chị viên mãn một đời làm vợ, sao với niềm vui nho nhỏ của chồng, chị lại không nới tay chấp nhận? Đĩa “mồi” giờ thành bữa tiệc của lũ ruồi, anh đã ra đồng tự lúc nào. Chị trong bếp vẫn quang quác la: nước mắm, bột nêm, dầu ăn, tiêu, tỏi… thứ gì cũng phải mua mà tối ngày nhậu, nhậu. Các thứ gia vị nhà bếp nếu mua thì sẽ có, còn gia vị của hạnh phúc, chị làm sao mua được?

“Ém” đồng nào hay đồng nấy

Cuộc sống hôn nhân xuất hiện những vết rạn nứt, người trong cuộc thường tìm cách thu vén, lập “quỹ đen” để đỡ thiệt thòi khi đường ai nấy đi.

Khi ly hôn, việc phân chia tài sản thường được nhiều cặp vợ chồng thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì nhờ tòa án giải quyết. Nghe có vẻ đơn giản, tuy nhiên trên thực tế có nhiều vụ rất phức tạp, kéo dài. Khó ngay từ khâu đầu tiên - kê khai tài sản. Là tài sản chung của vợ chồng nhưng mỗi người lại kê khai theo cách riêng, cốt sao mình có lợi nhất.

“Ém” đồng nào hay đồng nấy

Trong một buổi trợ giúp pháp lý cho phụ nữ ở huyện Hóc Môn (TP.HCM), lúc chương trình vừa kết thúc, chị Thanh Hà (*) rón rén theo chân các luật sư thuộc Văn phòng Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ số 6 khi đoàn chuẩn bị ra về. Níu vai một nữ luật sư, chị ngượng ngùng kể: Vợ chồng chị đang làm thủ tục ly hôn, nhờ tòa chia tài sản. Biết chị có gửi tiết kiệm, chồng đòi chia phần. Cho đó là khoản tiền tích cóp riêng, chị không chấp nhận. Chồng lục tung cả nhà, lấy sổ tiết kiệm, giấy chứng minh nhân dân của chị và chứng nhận kết hôn, ra ngân hàng rút tiền, nhưng không được vì không phải là chủ tài khoản. Sau đó, chồng giấu giấy tờ của chị và lên tòa án bổ sung số tiền trong sổ tiết kiệm vào danh sách tài sản đã kê khai.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chị nài nỉ: “Luật sư làm ơn chỉ tôi cách để giữ nguyên số tiền tiết kiệm gần hai trăm triệu này”. Luật sư giải thích, khoản tiền đó có được nhờ thu nhập hợp pháp của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nên phải kê khai đầy đủ vào khối tài sản chung. Chị đổi giọng: “Nhưng chia cho anh ta có đáng không? Anh ta kiếm tiền nhiều hơn tôi nhưng là người vô trách nhiệm với gia đình, suốt ngày ăn chơi đàn đúm, bạo hành vợ con. Nếu tôi không quản chặt hầu bao thì giờ này làm gì còn tài sản để mà chia với chác. Chia nhà đất đã là may phước với anh ta rồi. Tôi không tham lam, không muốn tranh giành, cả đời nhịn ăn nhịn mặc chỉ mong để dành chút gì cho con. Có tiền, anh ta sẽ nướng hết vào những cuộc chơi chứ làm gì đến phần các con mình. Với người đàn ông như thế, tôi ém lại được đồng nào hay đồng nấy mà không sợ tiếng xấu”. Phải mất khá nhiều thời gian, chị mới có thể tiếp nhận lời tư vấn của luật sư, thừa nhận công sức đóng góp của chồng vào khối tài sản chung, trong đó có tài khoản ngân hàng.

Thâu tóm

Chị Kim Hồng (ngụ Q.7, TP.HCM) ít quan tâm đến công việc làm ăn của chồng. Giỏi giang, năng động, quan hệ rộng, anh Nguyễn Hải, chồng chị kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, khi thì hùn hạp mở quán ăn, khi thì góp vốn vào dịch vụ mát xa, karaoke, khi lại “đánh” sang mảng tập thể hình… Anh chị sống ở nhà ba mẹ chồng, hai căn nhà mua được thì cho thuê, anh thu tiền hàng tháng. Khi cần vốn đầu tư, anh Hải đề nghị ký giấy bán nhà, chị Hồng không mảy may nghĩ ngợi.

12 năm chung sống, không có con, tình cảm vợ chồng phai nhạt dần. Anh có vợ bé, con rơi. Từ chỗ lén lút, anh dần “chơi bài ngửa”: “Đàn ông phải năm thê bảy thiếp. Cô vô sinh, không biết thân biết phận còn đòi hỏi. Cô muốn sống êm ấm, sướng thân thì phải chấp nhận, còn không thì cứ tay trắng ra đi”. Không chịu nổi, chị Hồng nộp đơn ly hôn và nhờ tòa giải quyết vấn đề tài sản.

Của cải khá nhiều nhưng hiện chị Hồng chỉ “nắm” được mỗi cái nhà mua bốn năm sau ngày cưới. Nhà đang ở là của ba mẹ chồng, chị chỉ có thể chứng minh đã góp ít tiền sửa chữa. Chị phỏng đoán tiền vốn trong tay chồng không dưới hai tỷ đồng nhưng chẳng biết làm sao để chồng kê khai đầy đủ. Hỏi đến, chồng chị trả lời nhát gừng: “Làm ăn thua lỗ hết rồi. Bây giờ chỉ làm công ăn lương cho mấy thằng bạn”. Nhìn cách tiêu xài và thái độ của chồng, chị biết chồng đang giấu.

Suốt thời gian dài, chị Hồng loay hoay khổ sở thu thập manh mối tài sản. Chị quyết định kê khai tất cả những công ty, cơ sở, dịch vụ mà trước đây chồng từng nói có hùn vốn, gồm 11 nơi, “thà nhầm hơn bỏ sót”.

So với “của nổi” thì “của chìm” dễ tẩu tán hơn, nhất là khi mối quan tâm, hiểu biết về vợ/chồng đã lỏng lẻo trong giai đoạn tiền ly hôn. Cuộc sống hôn nhân xuất hiện những vết rạn nứt, người trong cuộc thường tìm cách thu vén, lập “quỹ đen” để đỡ thiệt thòi khi đường ai nấy đi. Kéo nhau ra tòa, nhiều người mới hối hận vì trước đây đã quá vô tư, không biết bạn đời đã lấy phần tài sản, thu nhập của gia đình để cho người khác mượn, gửi hoặc đầu tư nơi nào. Dù đó là tài sản chung của vợ chồng nhưng khi gửi tiết kiệm ngân hàng, mua cổ phần… không cần khai báo tình trạng hôn nhân như khi mua bất động sản, dẫn đến chuyện một người toàn quyền giao dịch. Trường hợp đối phương không khách quan, trung thực khi kê khai tài sản, người còn lại phải chịu thiệt hay vẫn có cách để bắt những “hộp đen” mở miệng?

Đọc nhiều nhất

Tin mới