“Đại dịch” đái tháo đường mạnh như siêu bão đã rất gần
Tại Việt Nam,với 3.160.720 người mắc bệnh, chúng ta đang phải chi hằng năm khoảng 7.837 tỉ đồng điều trị các biến chứng của bệnh.
Đái tháo đường được xem là “kẻ giết người thầm lặng”, “đại dịch” của thế kỷ 21. “Giết người thầm lặng” vì bệnh không có triệu chứng đặc hiệu để người bệnh cảnh giác, nên khi biểu hiện là các biến chứng nguy hiểm rầm rộ xuất hiện.
Còn gọi “đại dịch” là do sự phát triển rất nhanh cả về số người mắc bệnh lẫn vùng địa lý của bệnh.
Tác hại như sóng thần, siêu bão
Tốc độ gia tăng bệnh đái tháo đường tại Việt Nam nhanh chóng không kém thế giới, đặc biệt tại các TP lớn. Sau 10 năm, từ 2002-2012, bệnh đái tháo đường ở Việt Nam tăng 211%. Riêng tại TP.HCM, theo điều tra dịch tễ học do Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM tiến hành năm 2012 trên những người trưởng thành từ 30-69 tuổi thì tỉ lệ đái tháo đường là 11,4%. Tỉ lệ gia tăng người bệnh rối loạn chuyển hóa đường (tiền đái tháo đường) là 31,1%. Nếu so sánh với các năm 2004 và 2008 thì bệnh đái tháo đường đã tăng 300% sau tám năm và 162% sau bốn năm. Tốc độ gia tăng của người bệnh tiền đái tháo đường tại TP.HCM cũng nhanh đến chóng mặt, 114% sau bốn năm.
|
Nhiều trẻ em được tổ chức sinh nhật bằng các bữa tiệc thức ăn nhanh - Ảnh: N.C.T. |
Do mãn tính, bệnh đái tháo đường sẽ theo bệnh nhân suốt đời. Các biến chứng của bệnh đều rất nặng nề, như hôn mê dẫn đến tử vong nhanh chóng (cấp tính), bệnh lý võng mạc gây mù lòa, suy thận, suy động mạch vành, tai biến mạch máu não, hẹp và viêm tắc động mạch chi dưới, các biến chứng nhiễm trùng ở da (mạn tính)...
Xét về mặt kinh tế - xã hội thì tác hại của bệnh đái tháo đường không kém gì thiệt hại do các tai họa thiên nhiên lớn như sóng thần, siêu bão. Hầu hết các quốc gia phải dành một phần ngân sách đáng kể để phòng và điều trị bệnh đái tháo đường. Hiện phần lớn chi phí này dành cho việc điều trị các biến chứng của bệnh, như thế giới đang phải chi phí cho căn bệnh này 471 tỉ USD/năm. Tại Việt Nam với 3.160.720 người mắc bệnh, chúng ta đang phải chi hằng năm khoảng 7.837 tỉ đồng.
Có ngăn chặn được không?
Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng ngừa, hạn chế được thông qua các giải pháp không quá phức tạp, tốn kém nhưng đòi hỏi sự kiên trì, đồng bộ cả cộng đồng và từng cá nhân. Cụ thể là:
- Đầu tư nguồn lực để hướng dẫn người dân từ khi còn nhỏ tuổi đã nhận thức được các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường, từ đó hình thành và duy trì lối sống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý, kiểm soát tốt cân nặng sẽ góp phần rất lớn kiểm soát sự gia tăng bệnh đái tháo đường.
- Với người trưởng thành: cần hiểu rõ và có chế độ dinh dưỡng đúng, vận động tối thiểu 30 phút/ngày, không lạm dụng bia rượu, thuốc lá, duy trì cân nặng hợp lý. Còn với bệnh nhân đái tháo đường, lối sống lành mạnh này sẽ giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn và giảm các biến chứng nặng nề của bệnh.
- Từ 40 tuổi, mọi người cần kiểm soát cân nặng, vòng bụng, huyết áp. Nếu các chỉ số này tăng phải kịp thời giải quyết. Muốn vậy, mọi người cần khám sức khỏe định kỳ, thử đường huyết mỗi sáu tháng nhằm phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường để được hướng dẫn điều trị kịp thời.
BSCK2 ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP
(Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
Ngày 14/11 hằng năm được Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF) chọn là Ngày quốc tế đái tháo đường. Chủ đề của Ngày quốc tế đái tháo đường năm 2013 là “Bệnh đái tháo đường: hãy bảo vệ tương lai của chúng ta”.
Năm 2003, IDF dự báo đến năm 2025 sẽ có 300 triệu người bệnh đái tháo đường. Dự báo trên đã lạc hậu với sự gia tăng bệnh này trên toàn thế giới, đến nay đã có 371 triệu người mắc và trong vòng 20 năm nữa con số này sẽ tăng lên nửa tỉ người.
“Tiến bộ ngăn chặn dịch đái tháo đường còn rất khiêm tốn”
Việt Nam không nằm trong nhóm quốc gia có tỉ lệ bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới, nhưng là một trong 10 quốc gia có tỉ lệ mắc đái tháo đường cao nhất châu Á và nằm trong 10 quốc gia có tỉ lệ gia tăng bệnh đái tháo đường cao nhất thế giới. Ông Tạ Văn Bình, viện trưởng Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa (Bộ Y tế), cho hay.
Theo đánh giá của ông Bình, một trong những lý do dẫn đến tỉ lệ mắc đái tháo đường ở Việt Nam trong những năm qua vẫn tăng nhanh là do những tiến bộ đã đạt được trong ngăn chặn dịch đái tháo đường còn rất khiêm tốn. “Muốn giải quyết nhanh vấn đề này cần một chiến lược toàn diện, chứ không chỉ trông vào chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm” - ông Bình nói.