Cứu bệnh nhân vỡ tĩnh mạch thực quản
(Kiến Thức) - Bệnh viện 354 thường xuyên phải cấp cứu cho các bệnh nhân bị nôn ra máu, đi ngoài phân đen do xơ gan gây giãn tĩnh mạch thực quản (TMTQ)...
Gần 2 năm 7 lần cấp cứu
Mới 52 tuổi, nhưng anh Phùng Văn N. (52 tuổi ở Cầu Diễn, Hà Nội) đã bị xơ gan. Anh liên tục phải đi cấp cứu vì nôn ra máu tươi, đi ngoài phân đen do giãn, vỡ TMTQ. Tính tổng gần 2 năm năm nay anh đã phải nhập viện 7 lần, thắt vòng cao su TMTQ 2 lần. BSCK II Vũ Đức Chung, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354 cho biết, trường hợp như của anh H. không phải là cá biệt, gần như tháng nào khoa cũng gặp vài ca, thậm chí có ngày có tới 2 - 3 bệnh nhân.
Theo BSCK II Vũ Đức Chung, xơ gan là một trong những bệnh lý rất phổ biến hiện nay với các biến chứng thường gặp như vỡ giãn TMTQ, cổ trướng, nhiễm khuẩn màng bụng tiên phát, hội chứng gan thận, bệnh não gan... Với giãn TMTQ, có nhiều mức độ tổn thương, thường được phát hiện khi có chảy máu đường tiêu hóa, hoặc qua nội soi dạ dày ống mềm. Phần lớn bệnh nhân đến viện trong tình trạng chảy máu đường tiêu hóa nặng, thậm chí đe dọa sinh mạng người bệnh nếu không được xử lý kịp thời.
Nguyên nhân xơ gan gây vỡ, giãn TMTQ là do gan là cơ quan trữ máu, điều hòa hoạt động của tim, làm giảm áp trong tĩnh mạch chủ dưới mỗi khi áp lực đó lên cao. Nhưng mao mạch gan lại gây một trở lực lớn cho tuần hoàn gan, cho nên áp lực tĩnh mạch cửa bình thường cao hơn áp lực ở tất cả các tĩnh mạch khác. Nguyên nhân gây tăng áp lực tĩnh mạch do xơ gan là vì hệ thống tĩnh mạch cửa bị tắc ở một đoạn nào đó trước xoang hay sau xoang, do luồng máu đến nhiều hoặc tăng áp tĩnh mạch cửa không rõ nguyên nhân...
|
BSCK II Vũ Đức Chung thăm khám bệnh nhân xơ gan bị giãn TMTQ. |
Dễ tái phát và tỷ lệ tử vong cao
Theo BSCK II Vũ Đức Chung, có đến 50% người mắc bệnh xơ gan bị giãn TMTQ. Mỗi năm, số người bị giãn TMTQ tăng khoảng 5 - 15%. Đặc biệt, khi giãn TMTQ chuyển sang biến chứng nặng, TMTQ sẽ bị vỡ. Nếu không đi kèm xơ gan, mức độ tử vong từ 5 - 10%. Nếu kèm theo xơ gan, tỷ lệ tử vong lên tới 40 - 70%. Vì vậy, khi bệnh nhân nôn ra máu nghĩa là TMTQ bị vỡ, phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
Có nhiều phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thực quản, việc chỉ định phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cơ bản là nguyên nhân gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa, mức độ đáp ứng của người bệnh... Chiến lược điều trị cần ưu tiên phòng ngừa vỡ, giãn TMTQ và phòng chảy máu trở lại bằng việc điều trị làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa và dùng các biện pháp tác động trực tiếp lên tĩnh mạch như tiêm xơ, thắt TMTQ bằng vòng cao su...