Để mỗi ngày trôi qua, cuộc sống thêm ý nghĩa
Mỗi ngày trôi qua là một ngày đầy ý nghĩa với các giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân, TP Hải Phòng). Ngày thường họ đứng trên bục giảng dạy các em học sinh kiến thức, đạo đức làm người.
Thời điểm dịch bệnh bùng phát, học sinh phải tạm nghỉ học để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh, những nữ giáo viên đành phải xếp lại “phấn trắng, bảng đen”. Họ tìm cho mình những việc làm đầy ý nghĩa khác khi tình nguyện tham gia nấu ăn phục vụ những người trong các khu cách ly và các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch.
Các giáo viên chuẩn bị suất ăn cho những người cách ly. |
Hàng ngày các cô giáo vẫn tất tả tới trường, thay vì lên lớp dạy học sinh như trước, họ xắn tay áo, vội vàng tìm đến khu bếp tại tầng 5 trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, cùng các nhân viên khác của tổ bếp nấu ăn phục vụ những người trong khu cách ly với nhiều công việc như nấu cơm, chuẩn bị khay ăn, nhặt rau, rửa thịt như những người làm bếp chuyên nghiệp.
Giống như các nữ giáo viên khác, sáng sớm, vừa đặt chân đến trường, cô Nguyễn Ngọc Ánh vội vàng chạy lên khu bếp. Mỗi ngày, cô và các đồng nghiệp cùng tổ bếp phải chuẩn bị hàng trăm suất ăn phục vụ 3 bữa cho gần 100 người dân đang cách ly cùng hơn 90 người gồm bác sĩ, công an, quân đội, tình nguyện viên làm nhiệm vụ tại khách sạn sinh viên thuộc Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng và tại 2 điểm chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 khác trên địa bàn thành phố.
Vốn tính cần mẫn, cẩn trọng của một người giáo viên, cô Ánh cùng các đồng nghiệp đã thổi tình cảm của mình dành cho những người trên tuyến đầu chống dịch và chia sẻ tình cảm với những người đang bị cách ly bằng cách luôn cố gắng làm ra những suất ăn đảm bảo dinh dưỡng, sạch sẽ và thơm ngon.
Họ chuẩn bị mọi công đoạn từ nhặt rau, rửa thịt... |
Đến đóng thức ăn đã chế biến vào khay. |
“Học sinh của chúng tôi, các con còn nhỏ nên sự cảm nhận của các con chưa nhiều bằng người lớn. Người lớn có giác quan sự cảm nhận nhiều hơn. Cho nên khi nấu ăn cho người lớn phải đảm bảo thực phẩm, gia vị làm sao cho phù hợp, hòa quyện lẫn nhau để được món ăn ngon. Nhất là trong giai đoạn này, những người cách ly phải có dinh dưỡng để có đầy đủ năng lượng để chống lại bệnh tật, những người trên tuyến đầu chống dịch phải được đảm bảo sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các chốt trực”, Cô Nguyễn Ngọc Bích, phụ trách bếp ăn tại trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ nói.
Những nữ giáo viên luôn cố gắng để mang lại những bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng, mang lại sức khỏe và tinh thần cho những người tuyến đầu. Họ luôn thường xuyên thay đổi thực đơn trong mỗi khẩu phần cho các bữa sáng, trưa, tối. Suất cơm nào cũng đầy đủ rau, thịt, cá, gà… đảm bảo dinh dưỡng theo quy định. Thậm chí cố gắng cẩn trọng từng khâu từ chế biến đến bày biện để khi nhận được phần cơm, đồ ăn vẫn còn nóng hổi, thơm ngon.
Thực đơn liên tục thay đổi để mang lại những suất cơm ngon. |
Bởi theo các nữ giáo viên, mỗi hộp cơm đến với tay người dân tại nơi cách ly, hay các cán bộ, y bác sĩ, chiến sỹ nơi tuyến đầu đều chứa đựng những tình cảm, sự sẻ chia của tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường.
“Điều này khiến chị em chúng tôi không quản ngại khó khăn vẫn quyết tâm chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho từng bữa ăn. Nhiều khi có người mới về khu cách ly trong buổi tối, chúng tôi vẫn sẵn sàng bổ sung những suất cơm nóng để họ có thể ấm bụng sau một ngày dài vất vả”, cô Dương Thúy Bình, Phó hiệu trưởng trường Nguyễn Công Trứ vừa phục vụ bếp ăn vừa tâm sự với phóng viên.
Món ngon nhớ lâu, tình sâu nhớ mãi
Như lời cô Dương Thúy Bình tâm sự, các cô sẽ làm đến khi nào không còn người dân phải cách ly nữa. Các giáo viên mong muốn qua những bữa ăn những người cách ly có đủ sức khỏe để có thể vượt qua được dịch bệnh.
Tấm bảng ghi danh lớp học được trưng dụng để ghi danh sách những người được phục vụ những suất ăn, bếp ăn của học sinh được trưng dụng làm nơi nấu ăn cho những người cách ly. Điều đặc biệt nhất là những giáo viên đã tình nguyện trở thành những đầu bếp, ngày ngày phục vụ hàng trăm người cách ly với những tấm lòng nhân văn cao đẹp, những tình cảm sâu nặng vốn có của người giáo viên nhân dân.
Nước canh được đóng hộp cẩn thận, sạch sẽ. |
Không phụ tấm lòng của “đầu bếp” đặc biệt, những người tại khu cách ly tập trung đều trân trọng, nâng niu từng suất cơm, từng phần thức ăn. Chị Bùi Thị Minh (SN1976 ở khu Hồ Sen, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) người vừa hoàn thành 14 ngày cách ly và trở về với gia đình nhưng khi nói đến những bữa ăn được phục vụ tận tình tại khu cách ly đã không giấu nổi sự xúc động.
Với chị, những ngày tại khu cách ly là những ngày giúp chị hiểu hơn về giá trị của cuộc sống, về tình yêu thương giữa con người với con người. Điều đặc biệt hơn cả là chị và tất cả mọi người cảm nhận được là sự quan tâm, lo lắng của toàn thể cộng đồng, trong đó có tình cảm của các cô giáo tại trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ.
Không chỉ chị Minh, nhiều người cách ly đã gửi đến các cô giáo qua mạng Zalo, Facebook những lời động viên thật ngộ nghĩnh, dễ thương, thể hiện sự biết ơn với tấm chân tình của các nữ giáo viên. Đó là động lực để giúp các cô giáo thêm sức mạnh và lòng nhiệt thành để nấu nhiều hơn nữa những bữa cơm ngon, ấm áp tình thương, thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm của người dân đất Cảng cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Mỗi một suất ăn đến tay người cách ly, thành viên tổ chốt kiểm soát dịch bệnh đều chứa đựng tình cảm của những nữ giáo viên. |
Tạm rời xa trường tiểu học Nguyễn Công Trứ khi các cô giáo đang tất bật chuẩn bị cho bữa tối, tiếp tục lan tỏa những giá trị ý nghĩa, những tình cảm giữa con người với con người trong xã hội, tôi tin rằng, khi dịch bệnh đi qua, các cô sẽ là tấm gương sáng nhân lên sự nhân ái, tình yêu thương đến hàng trăm, hàng nghìn lớp lớp thế hệ học sinh, đồng thời lan tỏa một thông điệp ra toàn xã hội, khi mọi người dù bất cứ ngành nghề gì đều chung ta với một tấm lòng, một tinh thần đoàn kết, ngày chiến thắng dịch bệnh sẽ không còn xa.