Copy hạnh phúc

Trong tất cả các môn, các bà thích nhất là môn giữ chồng, đó cũng là môn khó nhất. Vậy là các bà âm thầm "đi học"...

Phụ nữ rất thích học hỏi những vấn đề liên quan đến hôn nhân gia đình. Bằng chứng, các buổi nói chuyện của các chuyên gia tâm lý luôn đông nghẹt phụ nữ; các sô truyền hình thực tế có hình ảnh vợ chồng, con cái chiếm cảm tình của các bà vợ ngay. Còn chương trình nấu ăn (dù không có thời gian nấu) các bà vẫn nhiệt tình xem. Sách, báo viết về các bí quyết giữ tìn tình yêu luôn được các bà đặt để dưới gối.

Trong tất cả các môn, các bà thích nhất là môn giữ chồng, đó cũng là môn khó nhất. Sao phải giữ, mất đi đâu, mà sợ. Các bà bảo, không phải lo ai lấy mất, mà sợ nhất là sống cứ nhàn nhạt, chán chán, chả còn cảm hứng gì hết! Sợ tình phai. Vậy là các bà âm thầm, âm ỉ nổ lực, chiến đấu với kẻ thù nhàm chán. Trở thành một người đàn bà luôn mới lạ, quyến rũ đối với chồng luôn là một gian nan.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Trong đêm, bà Lê Thị Thúy Ngần, một nhân viên kế toán, thường hay nén một tiếng thở dài, dài hơn một kẻ độc thân. Chồng bà chưa có dấu hiệu ngoại tình, nói thẳng ra cũng chẳng có điều kiện để cặp kè với em này, em kia, nhưng ông cũng chẳng còn nhìn vợ say sưa như hồi nào run rẩy đeo nhẫn vào ngón tay của bà. Mỗi lần nói chuyện với vợ, ông toàn nhìn vào điện thoại, máy tính, tivi, xe máy…thì vẫn là những thứ ông nhìn hàng ngày, sao không chán, mà lại chán nhìn vợ. Một hôm, bà dừng lại ở một trang Facebook của một người phụ nữ có ba đứa con, chồng vẫn mê như điên.

Cái hay cần học hỏi, vậy là bà nhắn tin cho chồng hẹn ông chiều nay gặp nhau ở khách sạn. Ông chồng vội vã gọi lại cho bà vợ: “Bà bị sao vậy, cháy nhà rồi à”. Bà chưng hửng, không giải thích gì thêm, khiến cho ông chồng nửa đùa, nửa thật nói với đứa con gái trong buổi cơm tối: “Má bây có bồ đó nghen, nhắn tin nhầm qua máy của ba…hehe”. Bà tức điên.

Đôi khi chuyện khó nói giữa vợ chồng chẳng liên quan gì đến gối chăn, mà bà vợ cũng không mở lời được. Là vầy, bà thấy bà vợ 3 con hạnh phúc tiết lộ trên FB một trong những bí kíp làm mới tình cảm vợ chồng là bất ngờ hẹn hò nhau ở khách sạn. Vợ chồng nhà đó, hơn 10 năm rồi mà cứ như tình nhân, nhờ lâu lâu trốn con cái đi hẹn hò gặp gỡ riêng tư với nhau. Thế là bà học theo, dè đâu, lão chồng bà nhìn bà như người bị tự kỷ. Đã thế, thì bà để cho tình nhạt luôn.

Bà Đào Thị Túy Quyên, quyết tâm đòi quà trong ngày 8/3 vừa qua. Điều đó, làm ông chồng suýt ngất. Lấy nhau đã hơn 7 năm, tự nhiên, năm nay bà nghiêm giọng nói một hơn với ông: “Em muốn có quà, vì em là phụ nữ, em đẹp hay em xấu, em ngoan hay em hư, em hiền hay em dữ không quan trọng, em muốn anh tặng quà vì em là của anh, là vợ anh”.

Trời! Ông chồng sờ trán bà vợ: “Cũng đâu có nóng lắm”. Đợi bà vợ bình thân, ông chồng mới phát biểu: “Tiền lương tui nộp cho bà hết rồi, bà thích gì thì cứ mua, tui biết gì, còn không thì bà đưa tui mấy trăm, tui đi mua..”. Bà vợ tẻn tò, thấy câu “thần chú” bà copy từ một bài báo trên mạng, không hiệu quả. Tác giả của bài báo cho biết, cô ấy luôn đòi hỏi quà vào các dịp sinh nhật, ngày cưới, 8/3…nhờ thế mà ông chồng rất tiến bộ trong việc thể hiện sự quan tâm đối với vợ. Bà tâm đắc với ý tưởng: Vợ không có quà không thể đổ lỗi hết cho chồng vô tư, mà bà vợ phải có nhiệm vụ tạo ra một ông chồng luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu vợ mình”. Thế nhưng, sao khi áp dụng lý thuyết đó vào thực tế, bà vợ thấy mình biến thành một người đàn bà coi trọng vật chất, đòi hỏi. Ông chồng thì bảo con gái: “Theo dõi má nghen con, hổm rày, má hơi lạ, chắc do làm việc căng thẳng”.

Bà Nguyễn Thái Chinh, sau một hồi nhỏ to tâm sự qua điện thoại với người bạn thân là Việt kiều, đã được bạn truyền cảm hứng để làm cuộc cách mạng trong hôn nhân. Theo lời chỉ dẫn của bạn, bà đã đầu tư mạnh vào phòng ngủ vợ chồng, thay ra, đổi nệm, ánh sáng thay vì tối thui, áo mỏng thay cho đồ bộ, nến thơm…Thấy bà vợ yểu điệu, lướt qua, lướt lại, ông chồng trợn mắt lên (chứ không hề say đắm như trong kịch bản), rồi ông phán: “Bà làm ơn tắt giùm cái nến, có ngày chết cháy như heo quay, tối thui tôi mới ngủ được, mà bà cũng ngủ đi chứ, đứng trong góc chi vậy…”. Bà vợ ê chề cảm thấy không thể cải tạo lão chồng vừa quê, vừa bảo thủ. Vợ chồng thì cứ ngày càng như bạn bè, chẳng còn một chút lãng mạn, hồi hộp, toàn bực bội.

Sao y bản chính trong việc làm tươi mới quan hệ vợ chồng, nhưng sao các bản photo lại không thành công rực rỡ? Có lẻ, vì mỗi người đều có cá tính, văn hóa, lối sống khác nhau…nên cách của người này khó thành cách của người kia. Vì thế, khi copy và thực hiện, cần xem xét đến yếu tố phù hợp với gia cảnh của mình.

Tiền bạc là kẻ phá bĩnh hạnh phúc

Khi chỉ còn mình anh cáng đáng với trăm thứ tiền phải trả vào đầu tháng thì niềm vui hôn nhân chẳng còn.

Bước vào nhà, anh mạnh tay ném chiếc cặp lên ghế rồi đi thẳng xuống nhà dưới. Thậm chí, con gái thấy ba đi làm về vội cuống quýt chạy theo mừng, anh cũng xem như không thấy, đi một mạch xuống nhà tắm rồi đóng sập cửa lại. Đã quen với thái độ cáu bẳn, gắt gỏng của anh suốt nhiều tháng nay nên em tự hiểu anh đang phát ra tín hiệu – “đừng làm phiền tôi”. Em ôm con bước ra khỏi nhà, hy vọng làm nhẹ bớt không khí nặng nề đang bao trùm.

Tưởng rằng khi em và con quay về, anh sẽ dịu lại và vui vẻ với vợ con như mọi khi. Nhưng không, nét mặt anh vẫn cau có, khó chịu: “Bộ ngoài chợ hết đồ ăn rồi hay sao mà cứ cho tui ăn cá hoài vậy? Đi làm đã mệt, về nhà thấy cá chiên là nuốt không trôi”. Em nhỏ giọng: “Thì hôm qua anh nói ngán thịt kho nên hôm nay em mới chiên cá”. Anh gằn giọng: “Vậy ngoài cá chiên cô không biết làm món gì khác hay sao?”. Vừa nói anh vừa lấn tới, thái độ hung dữ như muốn đánh. Theo phản xạ, em đưa tay đỡ, người co rụt lại phòng thủ.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Lúc đó, em đã nhìn thấy trong mắt anh bùng lên ngọn lửa hung bạo. Ngọn lửa ấy chực chờ thiêu rụi cả hai mẹ con em. Bất giác, em muốn bỏ hết, bỏ chạy thật xa khỏi con người đang dần trở nên ích kỷ và vô tâm đến tàn nhẫn.

Nếu lúc con gái tròn 25 tháng, em không bị mất việc, có lẽ chúng ta sẽ vẫn giữ nguyên cái nhìn ngọt ngào về nhau. Tình cảm sẽ vẫn nguyên vẹn như ngày đầu mới yêu chứ không bị chệch hướng như bây giờ. Tiền bạc chưa bao giờ là kẻ phá bĩnh hạnh phúc khi cả hai vợ chồng còn chung tay làm việc. Nhưng khi chỉ còn mình anh cáng đáng với trăm thứ tiền phải trả vào đầu tháng thì niềm vui hôn nhân chẳng còn. Thứ còn sót lại chỉ là sự mệt mỏi và những trận cãi vã kéo dài không dứt.

Mỗi chiều đi làm về, anh chỉ biết than ngắn thở dài, rồi mệt mỏi nằm xem ti vi chờ cơm, chờ tắm, chờ ngủ. Ban đầu anh còn phụ em dỗ con để vợ lau nhà, rửa chén. Nhưng sau đó thì không: “Tui quần quật suốt ngày ở ngoài đường rồi, về đến nhà cho tui yên thân một chút được không? Việc gì cũng bắt tui phải đụng tay vào thì cô mới vui hay sao?”. Đó cũng là lần đầu tiên anh lớn tiếng với em. Nhưng em không đáp trả mà chỉ im lặng. Em tự thấy trong chuyện này mỗi mình em có lỗi. Lỗi là do bản thân em quá vô dụng, đẩy gia đình vào tình thế cơ cực thế này.

Công ty anh tổ chức tiệc, anh gọi điện về kêu hai mẹ con chuẩn bị lát nữa anh sẽ về chở theo cùng. Em vui lắm vì lâu rồi cả nhà mới có dịp cùng nhau ra ngoài cho thoải mái. Đúng như em nghĩ, buổi tiệc rất vui, đồ ăn rất ngon. 20h30, mọi người lần lượt ra về. 21h, anh vẫn hăng hái cụng ly với mấy ông bạn đồng nghiệp ở bàn kế bên. 21h30, con gái gắt ngủ bắt đầu quấy khóc. Đợi thêm chút nữa vẫn chưa thấy anh có ý định dừng cuộc vui, em lại gần anh nói khẽ, gần 22h rồi, về cho con ngủ đi anh. Anh không nói gì, hầm hầm đứng lên đi thẳng ra cửa trong sự ngơ ngác của mọi người.

Vừa dắt xe vào nhà, anh bất ngờ hét to: “Mày có coi tao là chồng mày không? Sao mày dám làm tao mất mặt trước sếp?”. Con gái nghe tiếng bố hét thì giật mình khóc lớn. Anh mặc kệ, vẫn cứ gào thét, chửi rủa em không tiếc lời. Đêm đó, con gái dù ngủ say vẫn ôm chặt lấy mẹ, thỉnh thoảng lại nấc lên trong giấc mơ.

Đến mức này thì em không thể chịu đựng hơn nữa. Tuy rằng trong khoảng thời gian này em không kiếm ra tiền nhưng em vẫn làm tròn trách nhiệm người vợ, người mẹ. Anh không thể cứ bắt em phải gồng mình hứng chịu những cơn thịnh nộ vô lý của anh. Có phải trong mắt anh giờ đây em chỉ còn là gánh nặng? Để cứu mình và cứu hôn nhân đang chết dần, em phải nói chuyện thẳng thắn với anh một lần. Có thể sau đó ta sẽ lại như xưa hoặc anh sẽ quẳng được gánh nặng đã đeo mang quá lâu. Dù kết quả thế nào thì hai ta cũng tìm được giải pháp.

Nỗi nhọc sắm vai hạnh phúc

Dù không phải là diễn viên nhưng họ đã gồng mình diễn vai những người hạnh phúc.

Đang đi ngoài đường, tôi phải dừng lại vì tiếng điện thoại reo liên tục. Giọng Hằng, em họ tôi, hét toáng lên trong điện thoại: “Em vừa thấy ông Thanh, chồng chị Loan, vào khách sạn với cô nào đó. Nhìn ông ấy hiền lành thế mà...”. Hằng định nói thêm nữa nhưng tôi tắt máy và gọi ngay cho chị Loan. Tưởng đâu Loan sẽ gào khóc, hỏi ngay địa chỉ khách sạn để đến bắt tận tay, day tận mặt nhưng giọng chị yếu xìu: “Chị biết rồi”.

Vì con?

Chị Loan làm phó giám đốc chi nhánh ngân hàng tại quận 1, TP HCM; còn anh Thanh, chồng chị, làm trưởng phòng của một công ty chứng khoán. Họ có nhà lầu, xe hơi và 2 cô con gái đang du học ở Singapore. Nhìn họ, ai cũng ngưỡng mộ vì sự thành đạt, hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, học giỏi. Khi biết anh Thanh có người khác, không chỉ Hằng mà tôi cũng sốc nặng. Chị Loan xinh đẹp, giỏi giang thế kia thì anh Thanh còn đòi hỏi gì nữa?

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
“Anh chị tuy sống chung nhà nhưng đã ly thân mấy năm nay rồi. Vợ chồng chị giao ước với nhau việc ai người đó làm, có người mới thì người kia không được ghen tuông nhưng phải khéo để mọi người không biết, kể cả 2 đứa con” - giọng chị Loan nghèn nghẹn. “Sống như vậy mà chị chịu được sao? Chia tay là điều không ai muốn nhưng em tin 2 con chị sẽ hiểu, thông cảm” - tôi phản đối. Chị cười buồn: “Chia tay vào lúc này không được đâu, nhất là khi bé Thi còn nhỏ quá. Nếu anh chị chia tay, con bé sẽ bỏ học về nước ngay. Rồi việc vợ chồng gãy đổ sẽ ảnh hưởng đến gia đình hai bên, công việc làm ăn của anh chị...”. Chị còn nói thêm nhiều lý do nữa nhưng tôi chẳng nhớ hết.

Vậy mà mới hôm qua, tôi lại thấy vợ chồng chị tay trong tay đến tham dự đám cưới của một người bà con. Trong mắt mọi người, họ vẫn là cặp đôi rất hạnh phúc.

Sợ bị cười chê

Nhiều cặp vợ chồng cố gắng diễn cảnh hạnh phúc dù gia đình họ đã đứng bên bờ vực tan vỡ. Chỉ có người trong cuộc mới biết mình “gồng” được bao lâu nữa, như trường hợp của Hoa - ngụ đường Dương Bá Trạc, quận 8, TP HCM.

Ngày Hoa lên xe hoa, bà con và bạn bè ai cũng mừng vì cô lấy được chồng giàu có. Nhưng về nhà chồng, Hoa mới té ngửa khi tất cả những gì cô và mọi người nghĩ đều không thật. Ngay trong đêm tân hôn, mẹ chồng Hoa ngọt nhạt: “Bên ngoài bây giờ đầy cướp giật, đeo trang sức nguy hiểm lắm, con đưa đây mẹ giữ cho”.

Điều đó không làm Hoa buồn bằng việc chồng cô hằng ngày phát tiền đi chợ và bắt kê khai mua món gì, bao nhiêu tiền và còn dư bao nhiêu phải trả lại. Thuộc loại người “đo lọ muối, đếm củ hành” nhưng chồng Hoa ra ngoài lại khoe khoang tặng vợ quần áo đẹp, xe xịn, son phấn đắt tiền... “Sao em không vạch mặt anh ta cho mọi người biết?” - tôi thắc mắc. Hoa giải thích: “Xấu chàng hổ thiếp chị ạ. Quan trọng hơn, em sợ ba má ở quê biết được, lo nghĩ thì tội lắm. Cứ để mọi người nghĩ em đang rất hạnh phúc”.

Cũng như Hoa, Bích - bạn tôi - cố gắng tạo một vỏ bọc hạnh phúc hoàn hảo cho mình dù cuộc hôn nhân của cô chỉ tồn tại trên giấy tờ. Mỗi khi có ai hỏi đến Bích, bà Năm - mẹ cô- lại khoe: “Vợ chồng nó hạnh phúc lắm. Mới tháng trước, vợ chồng nó còn gửi tiền về cho thím sửa lại nhà”.

Bà Năm hay khoe con gái lấy chồng giàu, đi xuất ngoại, thường xuyên gửi tiền về... Song, chỉ ai thân thiết mới biết được Bích đang phải cày ngày cày đêm ở xứ người để trả nợ cho hợp đồng kết hôn giả, thỏa mãn ước mơ được ra nước ngoài của cô và gia đình.

Đọc nhiều nhất

Tin mới