Công ty Shark Vương lỗ lớn, cổ phiếu bị hủy niêm yết

Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã có đề nghị TH1 của Shark Vương báo cáo giải trình nguyên nhân tình trạng bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ 3 năm liên tục, lỗ lũy kế gần 277 tỷ vượt quá vốn điều lệ.

Cách đây không lâu, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam - Generalexim (TH1) nơi ông Trần Anh Vương (hay Shark Vương) làm Chủ tịch HĐQT đã bị VietinBank rao bán khoản nợ 74 tỷ đồng có tài sản đảm bảo tại đây.
3 tháng sau, công ty của ông Trần Anh Vương tiếp tục đón nhận một "tin buồn" khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa qua đã chính thức hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu TH1.
Cụ thể, ngày 23/2 vừa qua, Sở GDCK Hà Nội đã nhận được báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 của TH1. Sau khi xem xét, Sở nhận thấy kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị bị lỗ trong 3 năm liên tiếp từ 2015, 2016 và 2017 với khoản lỗ lũy kế và lỗ lũy kế gần 277 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ công ty.
 
Như vậy, cổ phiếu TH1 sẽ bị hủy niêm yết theo quy định và HNX đề nghị TH1 giải trình nguyên nhân dẫn tới tình trạng bị hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tục, lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.
Trong khi đó, tài liệu ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào ngày 9/3 tới đây Ban lãnh đạo TH1 cho biết công ty thua lỗ do có những khoản nợ đọng khó đòi trong thời gian dài. Khả năng thanh toán các khoản nợ vay đến hạn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc huy động vốn để kinh doanh không thuận lợi khiến doanh thu giảm sút.
Bên cạnh đó, do đặc thù của công ty là hoạt động thương mại không gắn liền với sản xuất nên chưa chủ động nguồn hàng cung cấp, biến động của thị trường, chính sách cũng ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của TH1. Với nguồn lực hạn chế, TH1 gần như ngừng kinh doanh xuất khẩu một số mặt hàng do nhu cầu vốn lớn, lợi nhuận thấp và nhiều rủi ro như gạo, hạt điều, sắn lát...
Cổ phiếu TH1 hiện có thanh khoản tương đối thấp.
 Cổ phiếu TH1 hiện có thanh khoản tương đối thấp.
Ban lãnh đạo TH1 nhấn mạnh lợi nhuận âm không phải do hoạt động kinh doanh chính mà do trích lập toàn bộ khoản nợ khó đòi trong năm qua trị giá 175 tỷ đồng và phần lãi vay vốn ngân hàng của các khoản nợ chưa có khả năng thanh toán là gần 25 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2017 của TH1, năm qua, công ty ghi nhận khoản doanh thu thuần 154 tỷ đồng, chỉ bằng 1/2 so với năm trước và khoản lợi nhuận ròng sau thuế báo số âm 142 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản nợ vay tài chính của công ty đã bị kiểm toán viên nhấn mạnh. Theo đó, kiểm toán viên cho biết tại ngày 31/12/2017, TH1 có nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 220 tỷ đồng, lỗ lũy kế 276 tỷ và âm vốn chủ sở hữu gần 93 tỷ đồng, cùng toàn bộ các khoản vay vốn ngân hàng đã quá hạn thanh toán, các khoản nợ quá hạn không có khả năng thu hồi tăng lên (vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền gốc gần 641 tỷ đồng và các khoản lãi vay phải trả tương ứng gần 152 tỷ đồng)...
Qua đó, kiểm toán viên nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của TH1.
 
Tính tới cuối năm 2017, TH1 có hơn 331 tỷ đồng nợ xấu, chủ yếu đến từ Công ty Xuất nhập khẩu Phước Tiếng (36 tỷ), Thanh Phát HQ (81 tỷ), Thanh Phát (30 tỷ), Trung Thành (55 tỷ), Thực phẩm C.M.T (36 tỷ)...
Công ty cũng đang có khoản nợ vay ngắn hạn gần 651 tỷ đồng, bao gồm 282 tỷ tại VietABank; 131 tỷ đồng tại SHB (vay bằng USD); gần 65 tỷ đồng tại Vietinbank...
Tuy nhiên, trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên tổ chức tới đây, ban lãnh đạo TH1 cho biết đã xây dựng kế hoạch tài chính để thanh toán các khoản nợ đến hạn thông qua việc tái cơ cấu nợ với ngân hàng, thu hồi nợ, và thanh lý một số khoản đầu tư, tài sản của công ty. Do vậy báo cáo tài chính của Công ty được lập trên cơ sở hoạt động liên tục.
Đồng thời, TH1 cũng đặt kế hoạch doanh thu năm 2018 đạt 369 tỷ đồng và hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi gần 31 tỷ đồng, báo lãi ròng sau thuế 11,5 tỷ đồng.

Đọc nhiều nhất

Tin mới