Dự báo không vui trên được đưa ra giữa lúc các hãng hàng không đang vật lộn với giá nhiên liệu tăng vọt, tình trạng thiếu phi công và các cuộc tranh cãi chính trị đe dọa thương mại toàn cầu.
Đơn cử ở châu Á, nơi sẽ đóng góp hơn phân nửa trong số hành khách tăng thêm, nhiều nhà ga sân bay đã chật cứng. Báo cáo của Tập đoàn Asian Sky về cơ sở hạ tầng năm 2017 cho biết 8/11 nhà ga hàng đầu ở châu Á đã chật ních. Theo đó, Hồng Kông đối mặt sức ép nặng nề nhất trong số 1.017 sân bay khắp khu vực và chỉ trong 2 năm tới, Bắc Kinh, Manila và Singapore cũng chung số phận.
Sân bay quốc tế Hồng Kông đã tăng thêm 7.000 chuyến bay/năm. Ảnh: SCMP |
"Đối với tăng trưởng của các hãng hàng không, cơ sở hạ tầng là mối đe dọa lớn hơn so với giá nhiên liệu" - Giám đốc điều hành Hãng Qatar Airways Akbar Al Baker trả lời kênh Bloomberg hôm 19/6. Chuyên gia giao thông Rico Merkert của Trường ĐH Sydney (Úc) cũng nhận định tình trạng thiếu thốn không chỉ rơi vào đường băng mà còn có khu vực chạy đà, chỗ đậu máy bay.
Tại phiên họp thường niên của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) hồi đầu tháng 6, lãnh đạo các hãng hàng không trên thế giới nhất trí rằng cơ sở hạ tầng thiếu hụt là yếu tố chính kìm hãm kế hoạch phát triển cũng như hoạt động du lịch và thương mại thế giới. Theo IATA, ngành hàng không đóng góp 2.700 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, nhà kinh tế hàng đầu của IATA Brian Pearce nhận định ngành hàng không vẫn có thể hoạt động tốt hơn dù không có thêm cơ sở hạ tầng. Một số giải pháp khả dĩ là sân bay nghiên cứu cách sử dụng đường băng hiệu quả hơn và các hãng hàng không dùng máy bay lớn hơn để tăng tối đa số hành khách vận chuyển.