Cọc đi tìm trâu thì đã sao?

Anh bảo thời buổi này người ta lên tới sao Hỏa rồi, phụ nữ làm tổng thống, thủ tướng thiếu gì, mắc mớ chi tôi yêu mà không dám nói.

Khi đi ăn bún bò Huế với Khang, tôi nghĩ, chắc là mình yêu người con trai này. Đơn giản vì anh cũng tinh tế như cái món đặc sản hút hồn người của quê anh.

Thế nhưng được một thời gian, tôi lại thấy sự tinh tế ấy trở thành áp lực, gò bó mà tôi, một cô gái sinh ra và lớn lên ở đất Sài Gòn khó mà tiếp thu, ghi nhớ và thực hiện được. Tôi bắt đầu sợ những lần Khang rủ tôi về nhà anh, đến thăm bà con, cô bác của anh dù họ cũng ở ngay thành phố này.

Rồi tôi gặp Hùng, chàng trai “cù lần một cây” đến từ xứ sở công tử Bạc Liêu. Anh giản dị như món bún mắm mà anh nấu đãi tôi và bạn bè trong một lần đến chơi nhà anh. Tôi không hình dung trong vòng 1 tiếng đồng hồ, anh đã nấu xong nồi bún mắm cho hơn chục người ăn. “Có gì đâu mà khó? Thịt thà, rau củ, tôm mực… tất cả xào với sả ớt cho thơm rồi đổ vô nồi nước mắm nấu sẵn thôi mà. Bún với rau thì kêu người ta đem tới. Bà già mình hồi còn sống nấu còn nhanh hơn...”- Hùng vừa gạt mồ hôi vừa cười.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Hình như chưa bao giờ tôi ăn tô bún mắm nào ngon như vậy. Nó ngon còn vì ánh mắt biết nói của anh cứ nhìn tôi như muốn nói rằng bữa ăn hôm nay anh nấu cho riêng tôi. Thế là từ sau bữa đó, tôi cứ bị ánh mắt của anh đồng nghiệp mới ám ảnh. Tôi hay tìm cách đi ngang phòng anh, kiếm chuyện gọi điện thoại cho anh. Đặc biệt, tôi rất mong đến cuộc họp công ty chiều thứ bảy hàng tuần để được ngồi cạnh anh trong hội trường công ty. Khi đó cảm giác của tôi rất lạ. Nó cứ bổi hổi, bồi hồi như thể đang yêu…

Điều đáng nói là tôi không còn thích ăn bún bò Huế nữa. Tôi cũng không thích gặp Khang. Mỗi lần anh gọi điện, nhắn tin, tôi cũng lười trả lời. “Em bận lắm” là câu trả lời tôi sử dụng thường xuyên đối với anh. Đến nỗi anh ngạc nhiên: “Em sao vậy? Có giận gì anh không?”. Tôi bảo rằng anh đâu có làm gì để tôi giận, chỉ có điều là tôi muốn có thời gian để nhìn nhận lại một số vấn đề. Có vẻ như Khang đã ngờ ngợ nhận ra. Anh nói: “Hay là em có điều gì giấu anh?”.

Đúng là tôi có điều giấu anh nhưng tôi không dám nói thẳng. Dù gì thì chúng tôi cũng đã có hơn 2 năm gần gũi, gắn bó. Ba mẹ Khang đã mặc nhiên xem tôi là người yêu của con trai họ. Bà con, dòng họ của anh cũng nghĩ như vậy. Trước đây tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng từ khi gặp Hùng, tôi đã nghĩ khác.

Điều khó cho tôi là mối quan hệ giữa tôi với Hùng dường như chẳng tiến triển. Anh vẫn quan tâm đặc biệt đến tôi, vẫn nhìn tôi một cách khác thường mỗi khi có dịp gặp gỡ, vẫn mời tôi và bạn bè trong công ty đi ăn mỗi khi có dịp. Anh còn sẵn sàng làm dùm tôi những việc mà tôi cố tình kêu khó để nhờ vả.

Thế nhưng, anh đã không dưới ba lần nói với tôi rằng anh sợ con gái Sài Gòn. Rằng con gái Sài Gòn rất cao sang trong khi anh chỉ là một thằng nông dân quê mùa. Ông bà, cha mẹ anh mấy đời nông dân rặt ròng, quê mùa dốt nát; anh may mắn được ăn học đàng hoàng, được là kỹ sư này nọ nhưng cái cốt nông dân vẫn còn nguyên đó…

Nhiều khi tôi rất bực mình, cứ muốn nói huỵch toẹt ra là tôi thích anh nhưng mà mỗi lần sắp sửa nói, tôi lại thấy có cái gì đó chặn ngang, ngăn tôi lại. Không lẽ mình là con gái mà lại tỏ tình, lại nói yêu người ta? Chưa kể mang tiếng cọc đi tìm trâu, lỡ mai sau mà có thành duyên nợ thì biết đâu anh lại vin vào đó mà coi thường, ăn hiếp tôi?

Trong lúc tôi còn đang loay hoay với Hùng thì Khang lại đến tìm. Anh bảo ba mẹ anh muốn gặp tôi để bàn chuyện của hai đứa. Tôi tìm cách thoái thác thì anh giận dỗi: “Có chuyện gì em cứ nói thẳng với anh đi, đừng úp mở như vậy nữa. Nếu em có người khác thì anh sẽ rút lui cho em tự do”. Thật sự là tôi có người nào đâu? Hùng có nói yêu tôi đâu?

Thế nhưng tôi không dám nói thẳng với Khang, không muốn dứt khoát với anh bởi tôi sợ, nếu lỡ Hùng không yêu tôi thật thì có phải là tôi mất cả chì, lẫn chài không? “Nếu không yêu thì đừng để người ta hi vọng. Cứ lửng lơ như vậy thì chẳng có ai dám nói yêu cô đâu; chưa kể, có đứa con gái khác nhào vô cuỗm mất thì lúc đó chỉ còn chổng mông ngồi khóc”- anh hai tôi nói như vậy khi tôi tâm sự với anh chuyện khó nói của mình. Ý anh là tôi cứ chủ động nói rõ tình cảm với Hùng chứ đừng ngại ngùng, chờ đợi như vậy. Anh bảo thời buổi này người ta lên tới sao Hỏa rồi, phụ nữ làm tổng thống, thủ tướng thiếu gì, mắc mớ chi tôi yêu mà không dám nói, cọc đi tìm trâu thì đã sao?

Hay là tôi cứ nói huỵch toẹt với Hùng là tôi yêu anh?

Món quà từ quá khứ

Hơn 20 năm trôi qua, vật đổi, sao rời. Tình cờ anh tìm thấy em trên FB, cũng từ những kết nối của bạn bè cùng trường phổ thông năm xưa. 

Anh chợt xuất hiện từ đâu đó, trong quá khứ xa xăm, trên con đường đời xao xác đông đúc mỏi mệt của em. Và đúng vào lúc em bơ vơ nhất giữa những ồn ào của cuộc sống, anh dịu dàng nói: anh đã yêu em từ ngày xa xưa.

Em đã nhận ra ngay anh khi anh vừa nhắc lại một đôi chuyện kỷ niệm. Người con trai ngày đó hay lấp ló cửa nhà em, hay lẽo đẽo theo em trên con đường từ trường về nhà. Anh bảo, ngày ấy anh là thằng học trò nghèo, cha sau ngày giải phóng thất nghiệp, mẹ từ một cô giáo phải ra đường buôn thúng bán bưng nuôi đàn con sáu đứa. Thế nên kỷ niệm thời học trò của anh là nỗi tủi hổ của cái quần ngắn lên đến mắt cá chân, là chiếc áo vá víu mấy lần.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Còn em là con gái gia đình tập kết trở về Sài Gòn. Cha mẹ được phân nhà biệt thự, quần áo đi học được ủi phẳng phiu, tóc cột ngày một màu nơ. Anh chỉ dám nhìn em từ xa, lấp ló trước cổng nhà mà yêu thầm và nhớ thầm. Tình yêu đó, em nào có hay biết, chỉ bất ngờ ngỡ ngàng nhận ra khi anh kể về mùi nước bồ kết má gội đầu cho em trước hiên nhà, chậu hoa quỳnh em hay chăm trên ban công, thậm chí con chó trắng em cưng, hay sủa thằng bé si tình nghèo suốt ngày rình trước ngõ. Tình yêu đó, em nào có hay biết khi anh kể cuộc sống vất vả, bao lần anh tính nghỉ học, đi bán vé số hay đánh giày giúp mẹ nuôi các em, nhưng ý nghĩ nghỉ học thì không còn được nhìn thấy em nữa khiến anh cứ cố bám lại, trì lại để mà tiếp tục con đường học vấn, hết cấp hai, rồi leo dốc qua được đến cấp 3.

Vậy là nhờ có em mà anh đã học được đến thế. Cho đến năm lớp 11 thì anh buộc lòng phải vào học trường nghề, nhưng chiều nào cúp được là anh chạy về trường cũ đứng nhìn em dắt chiếc xe đạp màu tím điệu đà ra cổng…Rồi có lần trong lúc đang hàn đồ cho khách, nghe thằng bạn kể em đã tốt nghiệp loại giỏi, thi đại học xuất sắc và đi nước ngoài rồi, nước mắt anh chảy trong chiếc kính bảo hộ không ai hay, anh biết, con đường chúng ta rẽ về hai phía ngày càng xa nhau… xa nhau tít tắp… Thế nhưng, anh vẫn chưa bao giờ được nói với em một lời.

Hơn 20 năm trôi qua, vật đổi, sao rời. Tình cờ anh tìm thấy em trên FB, cũng từ những kết nối của bạn bè cùng trường phổ thông năm xưa. Tấm hình em tuổi 40 vẫn những nét quen thuộc ngày xưa. Đọc FB em, biết em đang một mình một con đường, biết em đã từng đớn đau, biết em đang dần bình yên, lòng anh xốn xang như chợt lạc mất đường đi. Anh nhắn tin xin kết bạn với em mà run rẩy hết cả chân tay, cả trái tim. Anh quên mất mình đã là một doanh nhân thành đạt. Anh quên mất mình là bố của hai đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn, là chồng của một người vợ hiền hậu, đảm đang. Anh trở lại là thằng bé đứng lấp ló trước cửa nhà em, chỉ mong được nhìn thấy một nụ cười nhẹ kiêu sa, một cái vuốt tóc thanh nhã, dịu dàng.

Chỉ một lần tâm sự thôi, anh đã trút hết cho em tất cả những chất chứa chồng chất của mấy chục năm trước anh giấu trong lòng. Giọng anh trầm và ấm. Giọng em nhẹ và buồn. Em đã sững sờ khi nghe câu chuyện anh kể về tình yêu anh dành cho em suốt nhiều năm thơ ấu. Em chợt có cảm giác như mình vừa được tặng một món quà quý giá. Anh thì cứ miên man kể mãi, kể mãi những điều anh đã trải qua một mình. Và anh hạnh phúc biết nhường nào khi em bảo: Em nhớ ra anh rồi, có phải anh là một cậu bé có đôi mắt rất to và những lọn tóc dợn sóng tự nhiên trước trán. Ngày đó, em đã nhận ra anh, nhận ra những gì anh nhắn gửi trong ánh mắt dõi theo tội nghiệp ấy. Nhưng em hồn nhiên vô tư nên chẳng nghĩ gì. Giọng anh chợt thảng thốt, bàng hoàng: Vậy là em có biết đến anh?

Ngày hôm qua, nghe em kể chuyện về anh, cô bạn gái thân sốt ruột hỏi: Rồi sao nữa, sao nữa? Có hẹn hò, có gặp nhau không? Em cười nhẹ nhàng bảo: Gặp nhau làm gì? Anh ấy đã nói được điều hơn 20 năm trước không thể nói, thế là anh ấy đã hạnh phúc rồi. Còn em, em đã có thêm một hành trang quý giá cho con đường dài khó khăn trước mắt. Chúng ta biết rằng niềm vui này là vừa đủ, món quà mà chúng ta trao nhau là vừa đủ, đừng quá tham lam phải không anh?

Bị cười khi tỏ tình

(Kiến Thức) - Một người con gái nghe mình tỏ tình mà cười thì có phải mình chẳng còn hy vọng gì đúng không Tri Giao?

Em là một chàng trai khá nhút nhát trong chuyện yêu đương, lấy hết can đảm em mới dám ngỏ lòng mình với cô ấy. Thế mà vừa mới nghe em thổ lộ được vài câu, cô ấy đã cười toe cười toét khiến em bấn loạn, á khẩu luôn, chỉ muốn độn thổ ngay lập tức.
Một người con gái nghe mình tỏ tình mà cười thì có phải mình chẳng còn hy vọng gì đúng không Tri Giao? Em là một chàng trai khá nhút nhát trong chuyện yêu đương, lấy hết can đảm em mới dám ngỏ lòng mình với cô ấy. Thế mà vừa mới nghe em thổ lộ được vài câu, cô ấy đã cười toe cười toét khiến em bấn loạn, á khẩu luôn, chỉ muốn độn thổ ngay lập tức. Từ hôm đó, em chưa gặp lại cô ấy lần nào. Em có cảm giác bị cô ấy coi thường, cứ thấy nhục nhục sao đó. 

Đàn ông nông nổi giếng khơi...

“Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Trước tình yêu của anh, chị thấy mình còn bé nhỏ và nông nổi lắm…

Quê anh chị đều ở miền Bắc nhưng gia đình chị đã chuyển vào Sài Gòn sống nhiều năm. Chị và anh quen nhau khá lâu mới tiến đến hôn nhân, hiểu nhau đến từng cái nheo mày.

Anh làm thầu xây dựng, thường vắng nhà cả tuần, chỉ ngày nghỉ mới về thăm chị được một đêm rồi lại đi. Sức khỏe chị không tốt, thỉnh thoảng lại bị một cơn rối loạn tiền đình hành hạ. Thời tiết nóng nực, lại thêm áp lực công việc của nghề biên kịch khiến nhiều hôm chị ngất xỉu nằm sõng soài dưới nền nhà, may mà hàng xóm phát hiện. Tình hình càng tệ hơn khi chị mang bầu, những ngày tháng thai nghén không ăn ngủ được càng làm chị ốm yếu. Lo cho sức khỏe của vợ, anh gửi chị về nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Khoảng thời gian đó gia đình chị lại xảy ra bao nhiêu chuyện không vui. Chị chỉ mong đến cuối tuần anh về để than thở cho vơi bớt nỗi lòng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Ba má chị buôn bán cũng thuận lợi, tiền nong không thiếu nhưng luôn phiền muộn. Em trai chị lớn mà không khôn, lấy vợ sinh con rồi vẫn rượu chè cờ bạc. Lại thêm cô em dâu quen cách ăn nói chỏn lỏn, cư xử không khéo léo. Vì thế, cứ dăm bữa nửa tháng nhà lại ầm ĩ, không vì chuyện tiền thua cờ bạc của cậu út cũng là chuyện mẹ chồng nàng dâu. Chị đứng giữa thu dọn bãi chiến trường sau mỗi cuộc cãi vã cũng đủ mệt nhoài. Cuối tuần anh về, cùng ngồi ăn bữa cơm với bố mẹ vợ trong bầu không khí nặng nề. Chị luôn miệng trách móc các em không biết cách ăn ở, sướng không biết hưởng còn hỗn láo. Anh ra hiệu cho vợ im lặng, quay sang động viên mẹ. Anh bảo: “Các em còn nhỏ lại không được học hành đến nơi đến chốn nên khó tránh nông nổi, bồng bột. Mẹ cứ từ từ bảo ban các em làm ăn, con tin là mọi chuyện sẽ khác”.

Về phòng riêng, anh nhẹ nhàng bảo chị: “Mẹ đã khổ tâm rồi, em nói mấy lời đó chỉ càng làm cho mẹ đau lòng chứ có thay đổi được gì đâu. Em mình đã vậy thì mình cũng phải nghĩ khác đi”. Chị lặng lẽ cúi đầu khi nhớ tới hình ảnh mẹ nhiều lần khóc nghẹn trong mâm cơm. Những lời cay nghiệt chị đay nghiến các em như xát muối vào lòng mẹ. Chị thầm cảm ơn những bữa cơm có anh, bởi ít ra mẹ còn cười được trước những câu chuyện hài hước anh vui vẻ kể.

Chị mang bầu những tháng cuối cũng là lúc anh nhận công trình ở gần nhà nên sang ngoại đón chị về, nhưng công việc bận quá, anh cũng không có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc chị. Sáng nào anh cũng đi rất sớm, trở về nhà lúc tối muộn. Bao công việc lặt vặt trong nhà vẫn một mình chị quán xuyến. Có đêm nằm cạnh chồng, chị than thở đủ điều, anh không nói gì, chỉ giục vợ đi ngủ sớm cho đỡ mệt. Chị tấm tức trong lòng, tự trách bản thân đã đâm đầu vào chỗ khổ. Ngay từ khi yêu anh, gia đình và bạn bè ai cũng khuyên chị đừng lấy chồng làm xây dựng cực trăm đường, nhưng chị bỏ ngoài tai. Đã vất vả thì chớ, lại còn không có lấy một lời động viên an ủi. Thời kỳ chị bầu bí, cực nhọc mà anh còn vậy thì trông đợi gì ở những năm tháng về sau?

Ý nghĩ đó giày vò tâm can chị suốt đêm, trằn trọc mãi gần sáng mệt quá chị mới thiếp đi. Tỉnh dậy, chị nhìn quanh thấy nhà cửa gọn gàng tinh tươm, quần áo đã giặt phơi, mở tủ lạnh thấy đồ ăn tươi ngon đã sẵn, cơm bữa sáng cũng chín rồi. Chị rơm rớm nước mắt, ân hận vì đã trách nhầm anh.

Nghề thầu xây dựng thời buổi này cũng bấp bênh. Bao nhiêu vốn liếng trong nhà đều mang ra xoay xở. Vất vả mãi chỉ mong xong công trình để được chủ đầu tư nghiệm thu, quyết toán. May ra thì kiếm được chút ít coi như tiền công mấy tháng trời, nhưng nhiều khi lỗ vốn, công sức bỏ ra chẳng nhận lại được gì. Chị ở nhà không thấu hiểu được những khó khăn ấy, cuối công trình vẫn thấy anh mang tiền về đưa vợ. Chị ngồi nhẩm tính, gói ghém tiền nong dành dụm, thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ đến những khoản cần chi tiêu cho ngày sinh sắp đến.

Một hôm, bạn làm ăn của anh đến chơi nhà, vô tình kể chuyện gói thầu bị lỗ nặng do công nhân gặp tai nạn, máy móc hay hỏng hóc, vật tư thất thoát. Chị ngồi nghe, nghĩ đến món tiền anh đưa tự nhiên thấy nhói lòng. Đêm về chị hỏi chồng, anh cười bảo: “Ừ thì… có lỗ thật, nhưng mà sau đó anh tranh thủ làm thêm với các anh em khác. Số tiền đó chồng em được trả công đàng hoàng chứ không phải tiền vay mượn, em cứ yên tâm mà chi dùng”. Chị nghẹn ngào trách anh gặp khó khăn mà không nói, sao cứ phải chịu đựng và gánh vác một mình? Sao còn để chị đổ lên đầu anh bao nhiêu lời than vãn? Anh ôm chị vào lòng: “Vì anh không muốn vợ con anh lo lắng. Em cũng vất vả nhiều rồi. Anh hiểu mà. Đừng khóc!”. Nhưng chị vẫn không thôi thổn thức trên vai anh, phần vì thương chồng, phần vì chị thấy mình thật may mắn khi có anh trong đời. Các cụ nói không sai:“Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Trước tình yêu của anh, chị thấy mình còn bé nhỏ và nông nổi lắm…

Đọc nhiều nhất

Tin mới