Chuyện ngược đời ở Long An: Bán mía nhận… đường

Nhà máy nợ trên 100 tỷ đồng không còn khả năng chi trả, cực chẳng đã nông dân bán mía phải nhận đường. Trong khi đó, nhiều diện tích mía đang chết khô ngoài đồng do giá rẻ. Thực tế này đang xảy ra tại huyện Bến Lức (Long An).

Mía khô, người héo
Nhà máy đường Nivl mất khả năng chi trả, không còn cách nào khác, anh Trần Minh Trí, một thương lái tại xã Lương Hòa (Bến Lức, Long An) đành phải thuê công nhân vận chuyển hơn 30 tấn đường từ nhà máy vào kho mới thuê… để trừ nợ.
Anh Trí cho biết, trong 20 năm làm nghề thu mua mía, chưa bao giờ anh lâm vào cảnh này. Những năm trước, nhà máy có thiếu tiền nhưng họ vẫn trả dần bằng tiền mặt. “Năm nay, họ bảo hết tiền nên chúng tôi phải lấy đường trừ nợ với giá quy đổi 12.000-13.000 đồng/kg", anh Trí cho biết.
Hiện nhà máy còn nợ anh khoảng 8 tỷ đồng, nếu quy ra đường, anh phải nhận hàng trăm tấn và số đường này anh không biết tiêu thụ ở đâu.
Nông dân đành lấy đường từ nhà máy của Nivl để trừ nợ. Ảnh: BLA.
Nông dân đành lấy đường từ nhà máy của Nivl để trừ nợ. Ảnh: BLA. 
Ông Nguyễn Huệ, người trồng hơn 10ha mía cũng cho biết, vụ này, sau khi bán, nhà máy giao lại cho ông hơn 300 tấn đường để trừ nợ. Do lượng đường lớn, không thể nhận một lần, nên ông và các nông dân khác phải thuê kho, người giữ và cả người "canh" nhà máy, để họ không tẩu tán đường ra ngoài, tốn thêm hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
“Nông dân yêu cầu nhận đường loại tốt nhưng nhà máy lại đưa loại đường chất lượng kém hơn” - ông Huệ nói.
Với lượng đường khổng lồ nhận được, họ phải đem bán lẻ cho quán ăn, tiệm tạp hóa với giá bèo bọt, 9.000-10.000 đồng/kg vì không có hóa đơn, do nhà máy còn nợ tiền thuế.
Ông Cao Văn Tạo - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Long An thông tin, nhà máy đường Nivl nhiều năm nợ tiền thuế, đến nay đã hơn 110 tỷ đồng. "Do họ không có khả năng chi trả nên chúng tôi phải yêu cầu ngừng cung cấp hóa đơn biên lai, ngừng hoạt động", ông Tạo nói.
Trong khi đó, những nông dân trồng mía cũng đang lao đao. Đứng thất thần bên ruộng mía chết khô hơn 10ha tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, nông dân Huỳnh Văn Hiền buồn bã nói: “Vụ này, tôi thua lỗ gần 100 triệu đồng do nhà máy không có tiền trả nợ cho nông dân. Nhà máy mua mía khoảng 650.000 đồng/tấn, trong đó, nông dân mất một nửa tiền thuê nhân công và vận chuyển. Mấy tháng nay, do nhà máy không có tiền trả, nông dân không có tiền thuê nhân công nên đành bỏ mía chết khô”.
Nông dân Huỳnh Văn Hiền bên ruộng mía khô cháy. Ảnh: BLA.
Nông dân Huỳnh Văn Hiền bên ruộng mía khô cháy. Ảnh: BLA. 
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Công ty CP Nivl nợ tiền mua mía của dân. Vào tháng 5.2016, hơn 20 nông dân, thương lái tập hợp tại Công ty Cổ phần Nivl (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) giăng các băng rôn với dòng chữ “ Đề nghị Công ty mía đường Nivl thanh toán tiền mía vụ 2013-2016” để đòi tiền nợ. Được biết, tổng số tiền thu mua mía mà Cty nợ của hơn 20 nông dân, thương lái từ năm 2013 đến thời điểm đó lên đến trên 95 tỉ đồng.
Tính phương án chuyển đổi cây trồng khác
Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết, năm nay, toàn tỉnh có hơn 8.000ha mía, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bến Lức (5.900ha), Thủ Thừa (1.400ha), Đức Hòa, Đức Huệ (trên 650ha). Hiện tại, có trên 7.400ha thu hoạch. Tình hình sản xuất mía gặp khó khăn vì: Giá thấp; nhà máy nợ tiền nông dân; khan hiếm nhân công, nhất là khi thu hoạch; chi phí vận chuyển, đầu tư sản xuất tăng cao; lượng đường tồn kho lớn.
Hiện nay, tại huyện Bến Lức và Thủ Thừa có 5 đơn vị thu mua mía gồm: Công ty (Cty) Cổ phần Thành Thành Công (Tây Ninh), Nhà máy Đường Bến Tre, Cty Mía đường Phụng Hiệp, Cty Mía đường Sóc Trăng và Cty Cổ phần Nivl. Tính đến giữa tháng 4-2018, các Cty thu mua trên 400.000 tấn mía, trong đó, Cty Cổ phần Nivl thu mua hơn một nửa. Hàng ngày, Cty Cổ phần Nivl thu mua 3.000-3.200 tấn.
Ông Hiền và nhiều nông dân trồng mía đã có một mùa mía đắng. Ảnh: IT.
Ông Hiền và nhiều nông dân trồng mía đã có một mùa mía đắng. Ảnh: IT. 
“Tính đến thời điểm này, Nhà máy Đường Nivl nợ nông dân trên 100 tỉ đồng. Chúng tôi mong ngành chức năng tạo điều kiện giải quyết hóa đơn để công ty bán đường tồn kho, thanh toán các khoản nợ cho nông dân” - bà Đinh Thị Phương Khanh nói. Sở NNPTNT đang đề xuất tỉnh quy hoạch lại vùng nguyên liệu mía, chuyển đổi một số diện tích trồng mía sang các loại cây trồng khác: Chanh, thanh long, mãng cầu, ổi, khóm.
Theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh - Cao Văn Tạo, đơn vị vừa có văn bản yêu cầu ngừng hoạt động đối với Nhà máy Đường Nivl. “Nivl hiện còn nợ tiền thuế hơn 110 tỉ đồng. Thời gian qua, chúng tôi tạo điều kiện nhiều lần, tuy nhiên, đơn vị này vẫn không chi trả nên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định. Trong đó có việc ngừng cung cấp hóa đơn đối với nhà máy này” - ông Tạo nói.
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND Long An cho biết, hiện giám đốc Công ty Cổ phần Nivl người Ấn Độ không còn ở Việt Nam. Từ đầu vụ đến nay, tỉnh cũng đã tính đến phương án hỗ trợ người dân bán đường. Tuy nhiên, do giao dịch giữa người dân hiện nay không có giấy tờ rõ ràng, dễ xảy ra tranh chấp, nên phương án này rất khó khả thi.
"Về lâu dài, ngành nông nghiệp và người dân nên ngồi lại tìm phương án lâu dài như chuyển đổi cây trồng, chứ không thể cứ làm ra sản phẩm rồi trông chờ giải cứu mãi", ông Cảnh nhìn nhận.

Đọc nhiều nhất

Tin mới