Ảnh minh họa. |
Còn năm nay lại phải lo nộp vào đâu để đỗ được. Đó cũng là một vấn đề khá nan giải. Cô bạn tôi có con thi được 22,5 điểm cho 3 môn xét vào đại học. Vẫn lo, vì con thích vào trường luật, bố mẹ lại sợ trường đấy lấy cao, muốn nộp vào trường nào điểm thấp hơn. Như vậy là người ta lo trượt đại học là chính chứ không lo có được học đúng ngành mình chọn hay không.
Trong khi học đại học thì cũng có dăm bảy đường. Cùng một ngành học, có những trường lấy điểm rất cao 27 - 28 điểm, trong khi có những trường chỉ lấy ở mức điểm sàn. Nói thực là giờ đây nếu nói để mà học được đại học thì chẳng khó. Chưa biết điểm thi tốt nghiệp mà các trường, các học viện ngoài công lập đã gửi giấy báo, giấy mời nhập học đến tơi tới. Thế nên nếu trượt trường công lập thì đã có cả một loạt các hệ liên kết đào tạo, các hình thức chất lượng cao và vô số trường đại học ngoài công lập dang tay ra đón, ra hứng. Còn trượt vào đâu được nữa.
Nhưng vấn đề là học gì, học thế nào và ra trường có tìm được việc làm hay không, có làm được việc hay không... thì lại bị đặt xuống hàng thứ yếu. Điều đó cho thấy việc hướng nghiệp cho các em còn chưa tốt. Học đến lớp 12 mà nhiều em vẫn còn chưa biết mình sẽ học gì, làm gì.
Một người bạn tôi cho con sang Úc học từ lớp 11. Ở nhà cháu rất thích vẽ, bố mẹ cũng đều làm kiến trúc sư, cứ nghĩ cháu sẽ theo nghề ấy. Nhưng sang bên đó tham gia các câu lạc bộ, rồi được hướng nghiệp rất tốt (trường cho đi tham quan các trường đại học, các xưởng, các công ty... để biết được về công việc mà mình định chọn) thế là cháu lại phát hiện ra mình thích làm về môi trường và cũng đã thể hiện nhiều khả năng về ngành này. Vậy là lên đại học, cháu chọn học về môi trường.
Ở Việt Nam cũng có một số gia đình hướng nghiệp cho con rất tốt, hoặc là theo nghề truyền thống của gia đình hoặc theo sở thích của các cháu. Nhưng tiếc rằng, đa số vẫn là nước chảy bèo trôi, chọn học trường nào đỗ được. Để khỏi mang tiếng trượt đại học. Còn sau đó ra trường làm nghề gì lại tính sau.