Chuyển công tác Giám đốc Eximbank TP.HCM sau vụ mất 245 tỷ đồng

Sau khi vướng sự cố khách hàng Chu Thị Bình khiếu nại mất 245 tỷ đồng gửi tiết kiệm, Giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM có thể phải thuyên chuyển công tác.

Lãnh đạo Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết có thể thuyên chuyển Giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM - bà Bùi Thị Thiện Tâm và bà Châu Thị Huyền Chi - Phó giám đốc chi nhánh này, về công tác tại hội sở.
Đại diện lãnh đạo ngân hàng cho rằng thay đổi lãnh đạo Eximbank chi nhánh TP.HCM chỉ là một hoạt động nhân sự nội bộ, nhằm ổn định tình hình hoạt động. Trong vài ngày tới, HĐQT sẽ có thông báo chính thức.
Trước đó có thông tin hai cán bộ trên đã bị ban lãnh đạo Eximbank đình chỉ công tác để làm rõ những sai phạm liên quan việc nguyên Phó giám đốc chi nhánh Lê Nguyễn Hưng lừa đảo, chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách rồi bỏ trốn.
Eximbank chi nhánh TP.HCM đang vướng khiếu nại của khách hàng vì mất 245 tỷ đồng gửi tiết kiệm tại nhà băng này.
 Eximbank chi nhánh TP.HCM đang vướng khiếu nại của khách hàng vì mất 245 tỷ đồng gửi tiết kiệm tại nhà băng này.
Chia sẻ về thông tin này, bà Bùi Thị Thiện Tâm, Giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM, cho biết vẫn chưa có quyết định chính thức, nhưng việc này tùy thuộc vào quyết định của hội sở và bà không phát ngôn vấn đề liên quan đến mình.
Vụ khiếu nại mất hơn 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng Chu Thị Bình được phát hiện từ đầu năm 2017. Bà Bình cho biết từ năm 2012, bà đã giao dịch gửi tiết kiệm tại Eximbank TP.HCM. Do số tiền gửi tại ngân hàng này rất lớn nên được chăm sóc theo chế độ khách hàng VIP. Toàn bộ các giao dịch với bà Bình từ trước đến đầu tháng 2/2017 đều do ông Lê Nguyễn Hưng, Phó giám đốc Eximbank TP.HCM tại thời điểm đó, trực tiếp thực hiện, theo dõi, liên hệ khách hàng cũng như phê duyệt trên chứng từ giấy và trên hệ thống Corebanking của Eximbank.
Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng nhiều lần cùng nhân viên ngân hàng đến nhà riêng của bà để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi. Tuy nhiên, trên thực tế ông Hưng đã chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán.
Tháng 2/2017, khi đến hạn tất toán các sổ tiết kiệm, bà Bình phát hiện số dư trên sổ tiết kiệm không trùng khớp với số dư thể hiện trên bản gốc các sổ. Nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ đồng trong các tài khoản đã bốc hơi nên khiếu nại.
Qua nhiều buổi làm việc, giữa ngân hàng và khách hàng không tìm được tiếng nói chung. Vụ việc được trình báo với cơ quan cảnh sát điều tra phía Nam.
Đến nay, ngân hàng và bà Bình cũng đã nhiều lần làm việc với nhau, đưa ra những phương án giải quyết, song vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Đọc nhiều nhất

Tin mới