Khuyến nghị mua PVS với giá mục tiêu 30.600 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Nâng khuyến nghị từ KHẢ QUAN lên MUA và điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm khoảng 46% lên 30.600 đồng/cổ phiếu cho Tổng CTCP Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PVS).
Giá mục tiêu cao hơn là do VCSC dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo giai đoạn 2023- 2027 tăng khoảng 34% do dự phóng tổng doanh thu mảng Cơ khí dầu khí (M&C) giai đoạn 2023-2027 tăng khoảng 56% khi đưa tiềm năng lớn từ các dự án điện gió ngoài khơi vào trong dự báo.
VCSC dự báo LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo gần như đi ngang YoY trong năm 2023 do kỳ vọng lợi nhuận mảng M&C tăng sẽ bù đắp cho lợi nhuận giảm từ mảng kho nổi (cụ thể là FPSO Ruby II).
VCSC có quan điểm tích cực đối với triển vọng của PVS với các cơ hội việc làm lớn trong ngắn hạn từ các dự án điện gió ngoài khơi nước ngoài. Trong khi đó, các dự án điện gió ngoài khơi trong nước sẽ là động lực dẫn dắt tăng trưởng dài hạn của PVS.
CTCK khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 6/2? |
VCSC dự phóng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) EPS giai đoạn 2022-2025 khoảng 20%, được hỗ trợ bởi backlog mảng M&C cuối năm 2022 dự phóng đạt khoảng 4,8 tỷ USD và lợi nhuận ổn định từ FSO/FPSO.
VCSC cho rằng PVS có định giá hấp dẫn với PEG 3 năm là 0,9. Yếu tố hỗ trợ: Chốt giá thuê ngày dài hạn cho FPSO Ruby II và Lam Sơn; tiến độ dự án Lô B nhanh hơn dự kiến. Rủi ro: Tiến độ/công bố các dự án M&C chậm hơn dự kiến.
Khuyến nghị phù hợp VJC với giá mục tiêu 114.300 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Hàng không Viet Jet (VJC) công bố doanh thu năm 2022 đạt 39,3 nghìn tỷ đồng (+3,1x YoY) và lỗ ròng 2,2 nghìn tỷ đồng so với lợi nhuận ròng 74,6 tỷ đồng trong năm 2021.
Doanh thu năm 2022 của VJC hoàn thành 96,1% dự báo cho năm 2022, nhưng khoản lỗ của hãng hàng không này trong năm 2022 đi ngược lại kỳ vọng rằng VJC sẽ có lợi nhuận ròng dương trong năm.
Trong quý 4/2022, doanh thu của VJC tăng 4,2 lần YoY ngoái đạt 11,8 nghìn tỷ đồng nhưng LNST sau lợi ích CĐTS ghi nhận âm 2,4 nghìn tỷ đồng so với LNST sau lợi ích CĐTS là âm 102 tỷ đồng và 40,6 tỷ đồng lần lượt trong quý 3/2022 và quý 4/2021.
Trong quý 4/2022, khoản lỗ từ HĐKD (EBIT) ở cấp độ công ty riêng (chủ yếu đại diện cho mảng vận tải của hãng hàng không) là 4 nghìn tỷ đồng so với mức lỗ của quý 2/2022 là 857 tỷ đồng.
Theo VCSC, khoản lỗ EBIT lớn của VJC trong quý 4/2022 có thể là do (1) giá vé máy bay giảm do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong nước hạ nhiệt cùng với chi phí nhiên liệu cao và (2) đòn bẩy hoạt động. Thu nhập tài chính của VJC tăng 16,8 lần YoY và 9,9 lần so với quý trước đạt 2,1 nghìn tỷ đồng trong quý 4/2022 nhưng vẫn không thể bù đắp cho khoản lỗ EBIT.
Dòng tiền hoạt động của hãng hàng không lần đầu tiên dương kể từ năm 2018 với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO) đạt 2,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 so với -5,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2021.
Khuyến nghị mua HPG với giá mục tiêu 20.500 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố KQKD quý 4/2022 chính thức phù hợp với KQKD sơ bộ được công bố vào ngày 19/1, bao gồm doanh thu đạt 25,8 nghìn tỷ đồng (-42% YoY & 24% QoQ) và lỗ ròng 2,1 nghìn tỷ đồng, so với LNST sau lợi ích CĐTS 7,4 ghìn tỷ đồng trong quý 4/2021 và lỗ ròng 1,8 nghìn tỷ đồng trong quý 3/2022.
Mặc dù sản lượng thép tiêu thụ tăng trưởng tích cực trong suốt năm 2022, VCSC chủ yếu cho rằng KQKD quý 4/2022 yếu là do chi phí tồn kho cao trong nửa cuối năm 2022 do xu hướng bất lợi của cả giá nguyên liệu đầu vào và giá bán đầu ra.
Trong cả năm 2022, HPG báo cáo doanh thu đạt 141,4 nghìn tỷ đồng (-6% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 8,5 nghìn tỷ đồng (-75% YoY), hoàn thành 109% và 92% dự báo cả năm trong năm 2022, như đã nêu trong Báo cáo cập nhật gần nhất ngày 22/11/2022.
Do lợi nhuận năm 2022 của HPG thấp hơn dự báo, VCSC cho rằng có khả năng điều chỉnh giảm đối với dự báo lợi nhuận cả năm 2023, dù cần thêm đánh giá chi tiết.