Chồng được nước làm tới mùa World Cup

Mùa World Cup nào vợ chồng tôi cũng có chuyện để gây. Mệt mỏi khôn xiết mặc dầu chẳng ai muốn. 

Trước khi chưa lấy chồng, tôi không quan tâm tới trò đá banh. Không thích cũng không ghét. Chỉ đơn giản là không để ý đến trò chơi nhàm chán của cánh đàn ông. Nhưng sau khi vớ phải ông chồng nghiện trái banh hơn nghiện vợ thì tôi ghét vô cùng. Nhất là những mùa World Cup, nhìn ông ấy dật dờ như cái bóng bên chiếc tivi thâu đêm tôi lại càng ghét.

Thật ra chuyện chồng tôi thức đêm xem đá banh chẳng liên can gì đến tôi nhưng những hệ lụy sau đó thì rõ ràng có liên quan. Sự thay đổi của ông ấy khiến cho sinh hoạt gia đình bị đảo lộn. Buồn vui của ổng cũng thay đổi theo vòng lăn của quả bóng chẳng thể nào kiểm soát nổi.

Còn nhớ năm đầu tiên về ở với nhau cũng rơi vào mùa World Cup. Trong khi người ta vợ chồng son dính nhau như sam còn tôi với chồng xa cách như mặt trời với mặt trăng. Bởi tối tôi ngủ còn ông ấy thức. Chiều cả hai đi làm về thì ông ấy lăn ra ngủ lấy sức. Tới nửa đêm thức dậy, tỉnh như sáo. Suốt cả ngày hai vợ chồng chẳng nói được với nhau câu nào vì không đi làm thì cũng kẻ ngủ người thức. Nhưng lúc đó vì mới cưới nên cơn giận của tôi cũng tan nhanh sau khi hết mùa bóng đá. Còn chồng tôi cũng biết quan tâm đến cảm xúc của vợ nên chỉ âm thầm xem rồi âm thầm vui không làm phiền đến ai.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nhưng bốn năm sau thì không còn êm ái được như vậy. Triết lý của chồng tôi là xem đá banh thì phải được nghe bình luận, phải được la hét cổ vũ hòa theo khí thế sân cỏ thì mới vui. Chứ xem mà ư ử trong họng không dám la thì thôi…ngủ cho sướng. Sáng thức dậy đọc báo xem kết quả cũng được. Nói xong thì ổng làm nư, chẳng nói chẳng rằng cứ đi đi về về khiến tôi thấy có lỗi mà phải chủ động làm lành: “Muốn xem thì cứ xem. Muốn mở tiếng thì cứ mở nhưng nhỏ thôi cho hàng xóm còn ngủ.” Nói là hàng xóm chứ thật ra là vì tôi. Hỏi xem có ai đang ngon giấc mà bất thình lình nghe tiếng hét “vào” hoặc “không, không” lại không nhảy nhỗm lên vì giật mình. Tuy tôi còn trẻ nhưng một đêm bị thức giấc vài lần như thế thì hỏi ai mà ngủ được.

Được voi đòi tiên, đến mùa sau ông ấy lại giở bài than thở, nào là mấy ông bạn đồng nghiệp thiệt là sướng, tối xem đá banh còn được vợ mua bia, mua mồi về nhắm nữa cơ. Nào là vợ của mấy ông ấy thật chu đáo, còn thức khuy cùng chồng để bàn luận bóng đá. Đến nước này thì tôi không thỏa hiệp nữa. Ông thích thì qua nhà mấy ông bạn mà xem. Tôi làm việc vất vả cả ngày rồi, sáng thì hầu chồng lo con, tối cũng phải cho tôi một giấc ngủ đàng hoàng chứ. Lý đâu lại bày vẽ rồi bắt hầu như con ở thế này.

Nói xong thì cả hai vợ chồng cùng giận. Tôi mặc kệ ông ấy muốn làm gì thì làm. Ông ấy cũng mặc kệ không quan tâm đến tôi. Sáng thì lạnh tanh xem như không quen biết. Tối thì tôi lên gác ôm con ngủ còn ông ấy thì ôm ti vi gào thét suốt đêm.

Nhưng việc ông ấy mê đá banh cũng không mệt mỏi bằng việc ông ấy tham gia cá độ. Tuy chẳng nhiều gì nhưng chầu ăn trưa cho cả phòng kinh doanh thì tới tháng lãnh lương cũng chẳng còn nhiều nhặn gì. Dĩ nhiên ông ấy thắng thì tôi chẳng được gì còn thua thì thâm hụt tiền chợ. Nói ra thì ông ấy bảo vợ già rồi hay càm ràm. Cũng phải cá độ tí cho có tinh thần hòa đồng với tập thể chứ. Không lẽ cả phòng phụ nữ cũng tham gia còn ông ấy là đàn ông lại không dám? Và thế là gia đình lại căng thẳng, sự tranh chấp hơn thua còn ngùn ngụt hơn khí thế ngoài sân cỏ.

Mùa World Cup nào vợ chồng tôi cũng có chuyện để gây. Mệt mỏi khôn xiết mặc dầu chẳng ai muốn. Mà có phải do tôi cấm đoán gì cho cam chỉ tại bởi ông ấy cứ được nước làm tới. Thôi thì để không ai gây khó chịu cho ai, mùa đá banh này tôi đã tạm về nhà mẹ ruột lánh nạn. Ở nhà cho ổng mặc sức tự do. Vợ như vậy tốt quá còn gì.

“Ly thân” vì… trái bóng

Hơn một tháng diễn ra World Cup là hơn một tháng tôi “có chồng hờ hững cũng như không”.

Ai bảo tôi quê, tôi chịu, nhưng tôi vẫn khẳng định mình không thích bóng đá và thật sự bực bội với World Cup. Từ ngày thấy chồng tháo bức tranh yêu thích của tôi trên tường để dán lịch thi đấu World Cup lên, tôi bực và thấy... khó ở ghê gớm.

Tôi phải chịu đựng chồng ba mùa World Cup và tôi biết lần thứ tư này cũng chẳng có gì sáng sủa. Giải bóng đá này thường diễn ra vào giờ rất oái ăm là giữa đêm. Hơn một tháng diễn ra World Cup là hơn một tháng tôi “có chồng hờ hững cũng như không”. Đã thế, sinh hoạt của hai mẹ con tôi còn bị đảo lộn nghiêm trọng.

Căn nhà cấp 4 của tôi không tách biệt được âm thanh giữa phòng khách và phòng ngủ. Đến mùa World Cup, chồng biết thân biết phận, ôm gối ra phòng khách xem bóng đá và ngủ luôn. Tôi vốn khó ngủ, nên dù chồng có để âm thanh rất nhỏ, tôi vẫn nghe thấy. Cuối cùng, chồng cũng nhượng bộ tắt âm thanh, nhưng “khuyến mãi” thêm câu lầm bầm: “Coi đá banh mà không được nghe tiếng, cứ như ăn thịt chó mà không có mắm tôm”. Dù để ti vi "câm" nhưng mỗi khi gặp tình huống gay cấn chồng tôi lại nhảy cẫng lên, hét to. Dù chỉ hét một tiếng rồi im bặt, nhưng đủ làm cho tôi tỉnh giấc. Có lần, nửa đêm, mệt mỏi lại mất ngủ, “bản tính đàn bà” trong tôi nổi lên. Tôi cằn nhằn, giận dỗi, nhưng chồng tôi cứ như “giả điếc”, vẫn cắm mắt vô màn hình ti vi. Tôi không kiềm chế được, tắt phụp ti vi, ném remote vỡ tan. Rõ ràng là tôi đã quá đáng, vượt qua sức chịu đựng của chồng, nên anh nổi giận, lời qua tiếng lại. Sau trận cãi vã lúc nửa đêm, chồng tôi chốt lại: “Từ mai không coi bóng đá nữa”. Vậy mà, hôm sau anh đi làm về, tay cầm remote mới, đon đả lấy lòng vợ.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cái món bóng đá ấy không chỉ ảnh hưởng đến gia đình trong lúc trận đấu diễn ra, mà còn khiến chồng tôi như người mất hồn, đờ đẫn suốt cả ngày. Buổi tối, cả nhà cùng ăn cơm, mặc cho vợ lụi hụi nấu nướng vất vả, anh cầm đũa hờ hững, mắt dán vào ti vi để xem tin tức World Cup. Con gái thấy vậy, nhắc: “Trong lúc ăn cơm, ba không được xem ti vi, ba dạy con vậy mà”, "quê độ" kèm bực bội (do đội nhà bị thua tan tác) nên anh cứ thế mà quát con. Có lúc nửa đêm, tôi đang ngủ, bị... khều dậy, tưởng gì, hóa ra “anh đói quá, cho anh cái gì ăn tạm”. Tôi phải bò dậy nấu nướng, nấu xong lại càng mất ngủ. Được vài hôm đầu chịu khó chăm sóc chồng, sau đó tôi bỏ mặc, không kham nổi.

Cả nhà đi chung một chiếc xe nhưng vào mùa World Cup, con gái trễ giờ học, vợ trễ giờ làm vì chồng tôi dậy không nổi, ngáp lên ngáp xuống. Có hôm anh ấy còn đòi nghỉ làm để ở nhà… ngủ! Tôi chưa từng có ý nghĩ, một người vốn chăm chỉ, nghiêm túc trong công việc như chồng tôi lại có thể xin nghỉ phép để ngủ! Tôi nhất quyết không đồng ý, bắt chồng phải đi làm. Có hôm, anh ấy kể, vì quá buồn ngủ nên đã ngủ gục một giấc dài trong nhà vệ sinh cơ quan. Không thể tưởng được!

Tôi không hiểu về bóng đá, nên không biết bóng đá hấp dẫn đến mức nào, nhưng theo cách nghĩ kiểu “đàn bà bé mọn” như tôi, đó cũng chỉ là một môn giải trí, như tôi ghiền phim Hàn là cùng chứ gì! Tôi ghiền phim Hàn nhưng nếu phim chiếu quá trễ, tôi có thể bỏ phim để bảo đảm giấc ngủ; cớ sao chồng tôi bỏ một trận bóng đá mà vật vã như thế?

Tôi biết World Cup bốn năm mới có một lần, nhiều người mong chờ để được thưởng thức. Nhưng, tại sao chỉ vì môn giải trí, mà một người đàn ông vốn sống tình cảm, có trách nhiệm với vợ con lại trở thành một người hoàn toàn khác như vậy? Những giận hờn, khúc mắc thường ngày của hai vợ chồng, những căng thẳng trong công việc của vợ cứ chất chồng ngày nọ qua ngày kia, chẳng có dịp chia sẻ, tháo gỡ. Mỗi khi tôi tỏ ý khó chịu và muốn chồng dành thời gian để trò chuyện, anh ấy vẫn không rời mắt khỏi màn hình ti vi, còn tỏ vẻ khó chịu. Tôi phát hiện, World Cup còn khiến chồng tôi bẳn tính ra.

Chán nản, tôi chẳng buồn trò chuyện, hỏi han, chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho chồng nữa. Chồng tôi cũng vậy, chỉ quan tâm đến thông tin cầu thủ, kết quả trận đấu hơn là việc hôm nay vợ buồn hay vui. Hai vợ chồng chẳng khác nào đang ly thân.

Có lẽ, tôi sẽ không bao giờ hiểu được vì sao đàn ông mê xem bóng đá đến vậy. Tôi chịu đựng hết mùa World Cup này đến mùa World Cup khác, chỉ còn biết ngồi đếm cho một tháng World Cup trôi qua thật nhanh. Giờ thì nó chỉ mới bắt đầu. Có cách nào để giúp chồng tôi vừa xem bóng đá vừa để mắt đến vợ con không nhỉ?

Chồng nổ

Thật sự là khi nghe anh Minh nói, chúng tôi cũng phần nào tin vào việc anh và gia đình sống vậy là do máu nghệ sĩ của anh.

Anh Minh bất ngờ qua đời sau một tai nạn không biết nên gọi là tai nạn do rượu hay giao thông: anh đi nhậu đêm, bạn chở về. Ngồi sau xe bạn, anh tự dưng ngã ập xuống đường, chấn thương sọ não và chết sau ba ngày hôn mê.

Cái chết bất ngờ ở vào tuổi 45 của anh khiến tất cả mọi người từ gia đình tới bạn bè đếu bàng hoàng, nhưng bàng hoàng nhất có lẽ là người vợ và ba đứa con nhỏ. Bởi trong gia đình anh Minh là lao động duy nhất. Chị Hiền từ sau ngày cưới chồng đã phải theo lệnh của anh mà bỏ nghề dạy học, về nhà đẻ và nuôi con. Anh thường hay huênh hoang với bạn bè: “Vợ của thằng Minh này sao lại phải đi làm. Đàn bà thì ở nhà làm cho tốt việc đàn bà là được. Chuyện kiếm tiền thì cứ để đàn ông”.

Quả thật là với ba đứa con ra đời trong vòng 10 năm thì dù có muốn, chị Hiền cũng chẳng thể nào đi làm được. Thế nên bạn bè đều khâm phục anh Minh, rằng thời buổi khó khăn đến thế mà anh vẫn chu toàn được cho cả gia đình, thật đáng ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ hơn cả là anh luôn khoe khả năng làm ăn, khả năng nhìn xa trông rộng, khả năng làm chủ gia đình của mình. Lần được anh dẫn về thăm nhà, anh em trong cơ quan chúng tôi hơi bất ngờ khi thấy căn nhà của anh nằm giữa một cánh đồng, đúng cảnh “đồng không mông quạnh”. Nơi ở của vợ chồng, con cái là một căn nhà tự anh xây nên bằng gạch và vôi vữa, méo mó xẹo xọ rất… nghệ sĩ. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Thấy vẻ ái ngại của chúng tôi, anh cười lớn, khoát tay một vòng xung quanh về phía cánh đồng và bảo: “Nơi này chỉ vài ba năm nữa sẽ thành khu du lịch sinh thái. Lúc đó thì tiền đổ vào nhà anh như nước”. Ngồi chĩnh chệm trong cái phản gỗ giữa sân, dưới bóng mấy cây dừa cao, anh say sưa nói về tương lai của mảnh đất nhỏ này, khi mà các chủ đầu tư du lịch xung quanh đây sẽ phải van xin anh mua lại ngôi nhà gạch để mở mang kinh doanh. Chúng tôi nghe anh, nửa tin, nửa ngờ, chỉ thấy thương nhất là cảnh bốn mẹ con đều gầy giơ xương, đi ra đi vào cái nhà cứ phải cúi khom lưng. Anh cười bảo: “Nhà thế mới thiên nhiên, mới hoang dã. Để tụi trẻ lớn lên biết hòa mình vào cây cỏ, chứ như anh muốn nhà phố, to cao… thì mấy hồi”.

Thật sự là khi nghe anh Minh nói, chúng tôi cũng phần nào tin vào việc anh và gia đình sống vậy là do máu nghệ sĩ của anh. Chứ suốt ngày, chúng tôi đã được anh khoe dự án này, dự án kia rất hoành tráng. Anh kể anh mở mấy công ty làm ăn rồi giao cho các đàn em điều hành, anh chỉ góp vốn, tư vấn, chỉ đạo từ xa. Nói chuyện tiền bạc, nhà cửa, đất đai, lúc nào anh cũng úp úp mở mở như là đại gia không tiện khoe khoang. Cả cơ quan chúng tôi ai cũng nghĩ rằng anh chơi chứng khoán và thắng rất lớn, rằng anh đang buôn bán nhà đất rất có lời. Hồi đó, đang rộ lên phong trào mua bảo hiểm Prudential, anh khoe với chúng tôi là đã mua hết cho cả ba đứa con, lo cho chúng một tương lai ổn định tới tận khi vào đại học. Thế cho nên anh luôn là hình ảnh đáng ganh tỵ của cánh đàn ông, đáng ngưỡng mộ của cánh đàn bà.

Anh đổ xuống, hôn mê ba ngày, rồi mất. Chị Hiền đứng sõng tay trước thi thể của anh không còn khóc được. Mọi người xúm vào hỏi han chuyện tiền bạc, chị ngơ ngác, lận lưng lấy ra vài trăm nghìn anh phát tiền chợ của tuần xài chưa hết. Hỏi tới nữa, chị nghẹn ngào nói có biết công ty lớn công ty nhỏ, nhà đất chứng khoán này kia nào của anh đâu. Gấp nhất lúc này là tìm cho ra hợp đồng bảo hiểm của anh để xem khả năng được bồi thường. Chị em cả cơ quan náo loạn cùng chị bới tung cái nhà, phá tung cả két sắt anh để trong góc phòng ngủ, nạy hết các ngăn bàn làm việc cơ quan. Chẳng có gì, chẳng có một đồng tiền hay một hợp đồng làm ăn nào. Truy tìm tới tận công ty bảo hiểm, chúng tôi cũng chẳng tìm ra cái gì anh để lại. Mò tìm càng sâu, chị Hiền càng đau đớn khi phát hiện ra những bằng chứng ngoại tình linh tinh của anh, những thơ văn, thư tay bay bướm của những cuộc chơi rất nghệ sĩ, với những lời nổ vang như sấm của anh về tài năng của mình. Không còn nước mắt để khóc, hay tức giận để trách móc, chúng tôi xúm vào cùng chị lo lắng ma chay cho anh.

Giận thì giận anh, mà thương thì thương mẹ con chị, cơ quan chúng tôi cùng bạn bè anh chị bàn bạc, lo toan. Chị bán mảnh đất có cái nhà gạch, về thành phố thuê nhà, buôn bán hàng tạp hóa nuôi ba đứa con ăn học. Hình như quá ngán ngẩm hình ảnh “một tấc tời trời” của cha, thằng con lớn anh càng lớn càng thâm trầm, kín đáo, mạnh mẽ, xốc vác. Nó vừa học, vừa kiếm đủ việc làm thêm phụ giúp mẹ.

Nhiều năm trôi qua, mỗi lần đám giỗ anh, chúng tôi lại tụ họp về thăm chị. Người phụ nữ yếu đuối, run rẩy trước thi hài chồng và cậu con trai gầy nhẳng gầy nhơ như cái dãi khoai ngày đó bây giờ đã là một chủ doanh nghiệp nhỏ, làm ăn khá phát đạt. Những điều anh khoe khoang ngày xưa mà không có, giờ đây chị và cậu con trai lớn đã phần nào gầy dựng, làm nên. Còn anh, trên cái bàn thờ cao cao giữa nhà, vẫn giữ một nụ cười rất… nghệ sĩ. Có lần hỏi chị: “Có trách anh không?”. Chị bảo: “Trách gì? Cũng là nhờ hoàn cảnh tận cùng ấy mà mẹ con chị mới vươn lên tới ngày hôm nay đó thôi. Nhờ anh ấy mà chị biết làm… đàn ông đích thực đó thôi”. Rồi chị chợt cười vui: “Mà em biết không, mảnh đất ngày xưa của anh ấy, bây giờ thành khu du lịch sinh thái thật rồi đó. Vậy là… ảnh cũng không đến nỗi nổ không căn cứ đâu. Biết đâu, còn sống đến bây giờ, anh cũng đã làm được những điều anh đã nói”. Nghe giọng chị đầy thứ tha, dịu dàng, yêu thương mà chúng tôi đứa nào cũng cay mắt.

Đọc nhiều nhất

Tin mới