Những tên trùm lừa đảo, vay nặng lãi cũng xuất thân từ đủ các thành phần trong xã hội, từ dân buôn tới giám đốc, hiệu phó, giáo viên, bác sĩ… Đồng tiền đã làm họ mờ mắt, bán đứng cả người thân, bạn bè, hàng xóm. Báo Kiến Thức xin điểm lại chân dung các “siêu lừa” cũng như những vụ vỡ nợ điển hình nhất trong thời gian qua.
Vay 400 tỷ rồi xù nợ, bỏ trốn
Mới đây, chiều 19/9/2013, cơ quan Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết vừa khởi tố vợ chồng Nguyễn Văn Chung (46 tuổi), Tô Bích Liên (41 tuổi, trú phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, hồi giữa năm 2013, vụ việc vợ chồng tên trùm vay nặng lãi Nguyễn Văn Chung và Tô Bích Liên sau khi huy động tín dụng đen gần 400 tỷ đồng thì xù nợ, bỏ trốn đã gây rúng động toàn tỉnh Lạng Sơn cũng như dư luận cả nước.
Điều khiến người ta tin tưởng vợ chồng tên trùm vay nặng lãi này, cũng như hết sức bất ngợ khi họ xù nợ bỏ trốn, đó là vợ chồng Chung – Liên sống rất mực giản dị, chan hòa với xóm giềng, không ầm ĩ, nói khoác, khoa trương thể hiện, khoe các dự án này nọ như những “siêu lừa” khác.
Bằng chiêu thức trả lãi suất cao (150.000 đồng cho một triệu trong một tháng), trong vòng 3 năm từ năm 2010, vợ chồng Chung – Liên đã vay nợ số tiền lên tới gần 400 tỷ đồng từ 19 hộ gia đình trong khu phố. Người cho vay ít cũng vài chục tới trăm triệu đồng, người nhiều lên tới cả trăm tỷ. Từ lúc vợ chồng tên trùm vay nặng lãi Chung – Liên bỏ trốn (tháng 7/2013) đến nay khi đã bị bắt giam và khởi tố, nhiều người vẫn chưa đòi được tiền, có người ngã bệnh, người thì tay trắng, phải gán hết nhà cửa, đất đai, xe cộ để trả nợ cho những chủ nợ khác, vì họ không chỉ cho vay nặng lãi mà còn huy động tín dụng đen từ các mối quen để hùn tiền cho vợ chồng Chung – Liên.
Bà hiệu phó và vụ vỡ nợ nghìn tỷ
Hồi cuối tháng 8/2013, thông tin bà Trương Thị Hải Yến, chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu phó trường THPT Dân Lập Phương Nam (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị hàng chục chủ nợ treo băng rôn đòi nợ và bao vây tại trường đã khiến dư luận xôn xao. Bà Yến bị 18 cá nhân tố đã vay của họ hơn 268 tỷ đồng và 16 quyển sổ đỏ với tổng trị giá lên tới cả nghìn tỷ. Đến nay, đã quá hạn nhiều năm nhưng bà Yến vẫn không hoàn trả. Trong danh sách chủ nợ của bà Yến, người cho vay tiền thấp nhất là 700 triệu đồng, cao nhất lên tới 140 tỷ đồng, người thì giao tới vài sổ đỏ cho bà Yến mượn.
Những chủ nợ của bà chủ tịch HĐQT trường THPT Dân lập Phương Nam treo băng rôn, vây kín cổng trường để đòi nợ. Ảnh: Người Đưa Tin. |
Sự việc ồn ào này đã khiến chính quyền địa phương và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, phải vào cuộc để không gây xáo trộn việc dạy và học của giáo viên trước năm học mới 2013-2014. Công an phường Định Công phải cử cán bộ xuống yêu cầu các chủ nợ giải tán, ổn định lại trật tự quanh khu vực trường. Hiện bà Yến cũng hai người thân là em gái và con trai liên quan tới vụ này đang bị bắt tạm giam 4 tháng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn những con nợ của bà này thì vẫn như đang ngồi trên đống lửa bởi chưa đòi được tiền, sổ đỏ, chưa biết rồi ai sẽ trả số nợ cả nghìn tỷ cho họ khi bà Yến vay dưới danh nghĩa của trường THPT Dân lập Phương Nam.
Vỡ nợ hàng trăm tỷ vì đổ tiền vào bất động sản
Ngày 30/9/2011, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án, thực hiện bắt khẩn cấp đối tượng Tạ Việt Quang (36 tuổi, ở phố Nguyễn Thái Học – Thị trấn Phùng - huyện Đan Phượng - Hà Nội), là chủ cửa hàng kinh doanh vàng có tên Quang Quyên. Ông Quang bị bắt để điều tra về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trước đó, theo cơn sóng đầu tư bất động sản, vợ chồng chủ tiệm vàng Quang Quyên đã quyết định dấn thân vào lĩnh vực này. Họ thuê 3 đối tượng đi thu gom, vay nợ tiền của nhiều người dân với lãi suất cao rồi cho vay lại để ăn chênh lệch lãi suất.
Tuy nhiên, gần đây, thị trường bất động sản liên tục “đóng băng”, không có khả năng thu hồi vốn nên tiệm vàng Quang Quyên buộc phải đóng cửa, vợ chồng ông chủ vỡ nợ và bỏ trốn. Hàng trăm người dân từ các địa phương lân cận đã kéo về tụ tập để đòi nợ.
Vụ vỡ nợ lên đến 400 tỷ đồng của vợ chồng Quang - Quyên là cú sốc đầu tiên với người dân Hà Nội về tín dụng đen. Ảnh: Dân trí. |
Cô gái hiền lành thành con nợ 600 tỷ
Chủ nợ là Phạm Thị Chinh (36 tuổi) cùng chồng là Nguyễn Ngọc Chúc (42 tuổi, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Chiều 14/10, tổng số nợ được trình báo là 25,460 tỷ đồng, 100 cây vàng, 6.000 Euro và 151.400 USD. Nhìn khuôn mặt Phạm Thị Chinh, không ai nghĩ Chinh lại có thể là người to gan đến thế. Hầu hết những người cho Chinh vay tiền đều khẳng định, trước khi ôm tiền bỏ trốn, Chinh là cô gái hiền dịu, nhẹ nhàng, lễ phép. Sau khi kết hôn, vợ chồng Chinh sống cùng bố mẹ đẻ,, đến nay có hai con và không hề có điều tiếng gì.
Thủ đoạn gom tiền của vợ chồng Chinh - Chúc là vay tiền để mở cửa hàng vàng bạc riêng, lãi suất 9% tháng (tương đương 108%/năm), có người Chinh hứa hẹn trả 14-15%/tháng. Những người cho Chinh vay tiền chỉ có giấy tờ viết tay, thậm chí chỉ ghi sổ và Chinh ký nhận vay tiền mỗi lần với một chữ ký khác nhau.
Đến đêm 6/10/2011, gia đình Phạm Thị Chinh gồm bố mẹ đẻ của Chinh là ông Phạm Hùng Chính, bà Nguyễn Thị Xuyến; Nguyễn Ngọc Chúc (chồng Chinh) cùng 2 đứa con nhỏ đã bỏ trốn.
Đại gia, giám đốc cũng đi lừa đảo
Ngày 9/8/2011, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Thái Bình đã thi hành lệnh khởi tố, bắt tạm giam thời hạn 4 tháng ông Vũ Văn Điệp (tức Vũ Văn Phong) vì “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả” theo điều 181 Bộ luật Hình sự.
Ông Điệp vốn là Giám đốc Công ty TNHH cơ khí, xây dựng, thương mại dịch vụ Trường Phong và nổi lên ở TP. Thái Bình như một đại gia có mối quan hệ làm ăn rất rộng. Ấn tượng nhất ở Điệp là thay xe như thay áo, với các loại xe đời mới đắt tiền. Ở Thái Bình, sự nổi tiếng của Điệp có từ rất lâu, cách đây cả chục năm. Vũ Văn Điệp sinh năm 1970, tuổi Canh Tuất, tại xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Điệp khởi nghiệp bằng nghề sắt thép, sau đó thuê đất xây dựng nhà xưởng cơ khí tại khu công nghiệp Tiền Phong. Giai đoạn này, sự nghiệp kinh doanh của Điệp bình thường nhưng Điệp lại có tiếng về độ ăn chơi, làm liều. Điệp từng ngang nhiên tụt quần đứng giữa đường chửi cả làng Tiền Phong vì dân ở đây phản đối việc xây dựng khu công nghiệp, trong đó có nhà xưởng của Điệp.
Công ty bề thế của tên trùm Điệp tại Thái Bình. Ảnh: VTC News. |
Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận ở vùng quê lúa hết sức quan tâm lại là số nợ khổng lồ không có khả năng chi trả của công ty Trường Phong và cá nhân giám đốc Điệp.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, số nợ của công ty Trường Phong lên tới vài trăm tỷ đồng. Công an Thái Bình nhận định, đây là vụ vỡ nợ lớn nhất từ trước đến nay ở địa phương, có liên quan đến nhiều cá nhân tổ chức. Cơ quan công an cũng điều tra để làm rõ việc các ngân hàng có sai phạm hay không trong quá trình giải ngân cho công ty Trường Phong đồng thời tiếp tục điều tra để làm rõ có hay không đường dây “tín dụng đen” ở Thái Bình xung quanh vụ Trường Phong.
Quê nghèo cũng rúng động vì tín dụng đen
Ngày 2/11/2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam có thời hạn 4 tháng đối với bị can Lê Thị Tương là dược sĩ khoa Dược của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong thời gian từ cuối năm 2009 đến tháng 10/2011, Lê Thị Tương dưới vỏ bọc của một đại gia kinh doanh bất bất động sản làm ăn phát đạt và có khả năng chạy các dự án xây dựng nhờ có chồng làm trong nghề xây dựng, đã làm quen và lừa hàng chục người góp vốn cùng kinh doanh chia lãi.
Nhiều người dân trên địa bàn vì ham lãi cao đã cho Lê Thị Tương vay với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng bằng tiền mặt hoặc tài sản thế chấp. Ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh có tới 20 người sập bẫy và bị Tương chiếm đoạt với tổng tài sản hơn 34,5 tỷ đồng. Cũng trong thời gian đó, đối tượng Tương đã lấy tiền của các bị hại này trả cho bị hại khác và tổng số tiền đối tượng Tương chiếm của các bị hại là 27,2 tỷ đồng.