Thế là chị về với anh đã được một năm. Năm trước, dịp này, chị chộn rộn về thăm nội ngoại của con, rồi bận bịu tính chuyện tổ chức cuộc sống mới với anh và đứa con trai của anh, lớn hơn con chị một tuổi. Vèo một năm qua, lại đến Tết, chị giật mình nghe con hỏi “Tết này mình có về quê ăn Tết với ngoại nữa không mẹ?”.
Vậy là bắt đầu phải tính một cuộc “đèn kéo quân”, với bao nhiêu thứ phải chuẩn bị. Vợ chồng, con cái chung riêng phải về thăm ông bà bên nội mới, bên ngoại mới. Rồi mỗi một nửa gia đình lại phải về thăm ông bà bên nội cũ, bên ngoại cũ. Bao nhiêu tâm tình thức dậy, bao nhiêu ý tứ phải giữ gìn, sao cho không ai chạnh lòng… Không đi không được, bởi đó cũng là gia đình, là gốc rễ sâu bền của chị, của anh, và của cả lũ trẻ.
Ảnh minh họa.
Đã quyết định dấn thân vào cuộc hôn nhân thứ hai, chị biết phải quý trọng những gì có được sau bao đớn đau, đổ vỡ, mất mát. Nhưng, trước những câu chuyện rất cụ thể mà cũng rất trừu tượng như thế, nhiều khi chị cũng chẳng biết giải quyết sao cho trọn vẹn mọi đường.
Chị viết thư, nói quá tải trước bao nhiêu cái săm soi, xét nét của người đời, có khi chị chỉ muốn rũ bỏ hết mọi chuyện cho khỏe. Tự nhiên lại rước vào mình bao nhiêu gánh nặng. Lấy chồng lần một hay lấy chồng lần hai cũng là để mong một hạnh phúc, mà sao thấy giống một cuộc lao động triền miên. Nhưng giờ biết tính sao? Lấy chồng lần hai coi vậy mà dễ, bỏ chồng lần hai khó ngàn vạn lần. Mấy lần tính, rốt lại cũng đành tặc lưỡi cam chịu cho qua. Chẳng lẽ lại ly hôn? Bao nhiêu miệng tiếng người đời. Dở dang một lần, người ta còn thông cảm, dở dang lần nữa, người ta nghĩ bà này chắc là làm sao…
Thư của chị khiến Hạnh Dung nghĩ về cái kết cục ly hôn đang trở thành giải pháp cho nhiều cuộc hôn nhân. Đa phần người ta nghĩ ly hôn là kết cục, ít ai nghĩ ly hôn là một khởi đầu. Cuộc ly hôn buộc mỗi người phải khởi hành trên những hướng khác nhau. Thời gian eo hẹp hơn lúc còn trẻ nên ít ai muốn mình cứ phải mãi khởi hành hết lần này đến lần khác, nhất là đàn bà. Thường thì chị em mình cam phận, nếu được làm lại một lần, tròn méo gì cũng cố gắng chấp nhận cho xong. Như thư chị viết: người ta sao cứ ưa cái “mới”, mà mình thì chỉ mong sao được “cũ” đi, cũ càng nhanh càng tốt, sao cho những “sau”, “mới” không còn dính dấp, vướng víu khi mỗi lần được giới thiệu và thấy trong mắt người đối diện chớp lên nhận thức: “À, đây là cô vợ sau…”.
Thôi thì cứ coi như mình được cuộc đời tặng một “dấu son”: người mãi mãi là “người mới”, cho dù bao nhiêu năm tháng cũ càng. Đừng cố “làm cũ” mình đi, hay chính xác hơn, đừng cố tạo nên những “dấu cũ” giả tạo. Hãy lật một trang mới trong cuộc đời của mình và của bạn đời, dù ở trang mới này mình buộc phải đọc nhiều hơn, viết nhiều hơn, lao động vất vả hơn. Không có cuộc hôn nhân nào giống cuộc hôn nhân nào. Thì cứ nhìn năm tháng đấy thôi, vẫn cuốn lịch trên tường nhưng bao nhiêu ngày tháng sẽ là bấy nhiêu ngày tháng khác. Nếu mình cứ chăm chăm chờ đón một gương mặt hạnh phúc theo hình dung của mình, mà ngày mai hạnh phúc - mang một gương mặt mới lắm, khác lắm - sẽ đến, thì biết đâu có khi mình lại lỡ mất…