Đến thời điểm này, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang giữ vị trí quán quân trong khối ngân hàng cổ phần với mức lợi nhuận trước thuế lên đến hơn 8.126 tỉ đồng, chỉ xếp sau ba "ông lớn" nhà nước là Vietcombank, Vietinbank và BIDV.
Đóng góp lớn nhất là cho VPBank là "con gà đẻ trứng vàng" FE Credit, chiếm khoảng 52% lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng này.
Trong khi đó Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt hơn 1.488 tỉ đồng, tăng gấp 9,5 lần so với năm 2016.
Thêm nhiều ngân hàng công bố lãi lớn trong năm 2017 - Ảnh: T.L. |
Trong năm 2017 Sacombank cũng đã xử lý được hơn 19.600 tỉ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 15.000 tỉ đồng thuộc đề án tái cơ cấu, dẫn đến tỉ lệ nợ xấu đã giảm từ 6,68% đầu năm 2017 xuống còn 4,28% đến cuối năm ngoái.
Một trong những nguyên nhân giúp lợi nhuận Sacombank khả quan là thu dịch vụ của ngân hàng này tăng rất tốt khi đạt 2.625 tỉ đồng, trong đó thu dịch vụ truyền thống tăng gần 28% so với năm trước.
KienlongBank cũng ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế gần 260 tỉ đồng, hoàn thành 103,8% kế hoạch và tăng 71,2% so với năm 2016, trong đó lãi hoạt động dịch vụ tăng gấp 1,36 lần so với năm 2016.
Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng An Bình cũng tăng 115% so với năm 2016, đạt 619 tỉ đồng.
Trong khi đó báo cáo tài chính Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho thấy lãi trước thuế của ngân hàng này trong năm 2017 là 1.405 tỉ đồng.
Theo đó, mảng ngân hàng bán lẻ tăng trưởng mạnh, lên tới 83% và tỉ trọng phân khúc này cũng tăng từ 38% vào năm ngoái lên 50% đến cuối năm 2017 là nguyên nhân khiến lợi nhuận của VIB tăng mạnh.
Trong giới tài chính, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang dẫn đầu thị trường với mức lợi nhuận trước thuế 11.018 tỉ đồng, tăng 32,9% so với năm trước.
Vietinbank đạt hơn 9.200 tỉ đồng lợi nhuận năm 2017, còn BIDV lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn hệ thống đạt 8.800 tỉ đồng.
Lợi nhuận trước thuế của Agribank cũng tăng 20%, đạt 5.018 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Có nhiều nguyên nhân khiến các ngân hàng đạt kết quả kinh doanh khả quan như tín dụng tăng trưởng cao, quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, qua đó ngân hàng được hoàn nhập dự phòng rủi ro.
Những năm trước các ngân hàng phải ưu tiên dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, cổ đông không không được chia cổ tức thì nay các tổ chức tín dụng xử lý được nợ xấu, hoặc bán tài sản đảm bảo để thu tiền về. Phần đã trích lập được hoàn nhập, tạo nên lợi nhuận bất thường cho các ngân hàng.
Ngoài ra, sau khi có Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, các ngân hàng đã đẩy nhanh phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Chẳng hạn, tại Vietcombank, tính đến cuối năm 2017, dư nợ nhóm 2 đã giảm 3.395 tỉ đồng so với cuối 2016.
Dư nợ xấu nội bảng cũng giảm 705 tỉ đồng và tỉ lệ nợ xấu chung của Vietcombank chỉ còn 1,11%, giảm 0,35% so với 2016.
Sacombank trong năm 2017 cũng đã xử lý được 19.000 tỉ đồng nợ xấu bằng nhiều biện pháp, trong đó chỉ tính riêng việc bán ba tài sản liên quan đến nhóm ông Trầm Bê tại Long An cũng đã thu về 9.200 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, việc thoái vốn theo quy định tại Thông tư 36 cũng đem đến nguồn lợi nhuận lớn cho một số ngân hàng.