Bực dọc anh em cọc chèo

Với mối quan hệ anh em cọc chèo, đặc biệt vấn đề tiền bạc cần phải rõ ràng, không nhập nhèm. 

Ngày làm đám giỗ ông cố nội của mấy sắp nhỏ, 2 ông anh rể lớn trong nhà tới trước, lui hui nấu nướng. Tới khi việc cúng bái xong xuôi, mọi người alo mãi mới thấy ông em rể út chạy ghé qua để… ăn. Sự việc cứ lặp lại riết như vậy, là bắt đầu xảy ra chuyện…

“Bực dọc anh em cọc chèo”

Gia đình chị hàng xóm dưới quê đúng là điển hình của việc “bực dọc anh em cọc chèo”. Ba má chị sinh 5 người con, 1 con trai và 4 con gái. Lần lượt các con lấy vợ, lấy chồng rời xa khỏi nhà. Nhưng rất hay là gia đình có nề nếp tụ tập nhau ăn uống mỗi khi rảnh rỗi để các cụ thân sinh có thời gian vui vầy cùng con cháu. Bữa thì cùng nhau mổ heo, gói bánh tét vào dịp lễ tết; bữa thì cùng nhau nướng thịt kiểu Texas ăn với bánh mỳ giống ngoài tiệm; bữa lại đổ bánh xèo nhộn nhịp từ trưa đến tối. 5 người con cùng với chồng, vợ và thế hệ F2 đông đúc, chỉ cần nghe tiếng lao xao ngoài cổng, đã đủ ông bà già cười tươi chẳng thiết gì ăn uống.

Nhưng trong chuyện vui cũng xen những chuyện chẳng vui chút nào. Trong 4 anh em cọc chèo thì 2 anh lớn rất chăm lo cho gia đình vợ. Bất cứ việc gì trong gia đình bên vợ họ đều không thể vắng mặt. Từ việc lớn như xây nhà, chống dột, chống thấm mỗi khi mùa mưa đến, tới việc nhỏ như phụ giúp bên nhà ngoại nấu nướng đồ ăn vào các dịp sum họp gia đình. Không quá khéo tay, tuy nhiên sự góp mặt của 2 anh em này khiến không khí xôm tụ hẳn. Họ làm cùng nhau, trêu đùa nhau và chẳng nề hà “việc của nhà ông bà ngoại”. Trái ngược với họ, 2 ông em vai vế nhỏ hơn thì rất ít khi tham gia. 

Người em út ở xa, có thể châm chước vì không có điều kiện tham gia các hoạt động chung trong gia đình. Còn cậu em cọc chèo thứ 3 thì nhà rất gần bên ngoại nhưng chẳng khi nào ghé qua phụ giúp việc gì. Đặc biệt trong những dịp giỗ chạp mời mọc đông khách rất cần con cháu tới lo việc cho ông bà, nhưng ông con rể này cũng không để tâm. Chỉ khi nào mọi người đã nấu nướng xong, anh này chạy xe tàng tàng tới. Có rất nhiều lần đại gia đình phải ngồi chờ, thậm chí điện thoại vài lần mới thấy “nhân vật VIP” này bỏ chút thời gian vàng ngọc ghé ăn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Một bữa, cô bạn hàng xóm hớt hải qua nhà ba mẹ tôi, nhờ can thiệp. 2 ông anh cọc chèo lớn vì không chịu nổi tính cách trớt quớt của ông em cọc chèo thứ 3, nên đang rất to tiếng, có khả năng thượng cẳng tay, hạ cẳng chân. Ông bà ngoại đang đi thăm người bà con cách đó khá xa nên nhà không có ai can ngăn được “đám cháy” này. Ba mẹ tôi qua khuyên nhủ, cả đám dịu giọng đành giải tán. Nhưng từ bữa ấy, tình cảm của mấy chị em gái trong nhà bị sứt mẻ ít nhiều.

Chung một nhà, xa … khoảng cách

Anh Hoàng Công Tâm, cây viết báo xông xáo ở Ninh Thuận đã rất tếu táo khi nói về chuyện tình cảm anh em cọc chèo. Anh nói: “Đã gọi là cọc chèo mà, đâu có thể ăn nhập được gì với nhau. Các cô có thấy, mấy ông lái đò phải lấy mái chèo để đẩy cái cọc ra xa không! Vướng víu nhau lắm!”. Theo định nghĩa rất cắc cớ ấy của anh, đã “chẳng thể ăn nhậu được thì cứ coi như hơn người dưng chút đỉnh là được”. Ở giữa họ, gạch nối là 2 người đàn bà, thì sợi dây liên hệ vô cùng mỏng manh và dễ đứt. Người ta rất dễ hoặc vì chồng hoặc vì chị em mà khiến người còn lại tổn thương. Do vậy, người xưa thâm thúy lắm mới gọi những người đàn ông ấy là anh em cọc chèo!

Ở góc nhìn khác, anh Phạm Thanh Long, Giám đốc công ty Sài Gòn sách cho biết, cuộc sống tình cảm của con người vô cùng phức tạp. Khi có gia đình riêng, lại càng phải biết mình biết người mới mong mọi chuyện tốt đẹp. Với mối quan hệ anh em cọc chèo, đặc biệt vấn đề tiền bạc cần phải rõ ràng, không nhập nhèm. Đồng tiền khiến người ta gần sát bên nhau nhưng cũng là chất xúc tác để đẩy nhau ra xa. Thậm chí gia đình tan nát bởi tranh giành nhau quyền lợi. Anh Long nói: “Nếu xã hội quá quan trọng giáo dục truyền thống dân tộc (về nguồn) mà ít quan tâm tới truyền thống gia đình dòng họ, thì chắc chắn sẽ phải trả giá không hề rẻ về bài học đạo đức tình anh em, ruột thịt”.

Anh Đỗ Xuân Lâm, kỹ sư điện tử thì khẳng định: “Tình cảm anh em cọc chèo giữa những người đàn ông vô tư thì rất thoải mái. Chúng tôi có thể trà dư tửu hậu cùng nhau rất nhiều câu chuyện. Thậm chí, chia sẻ với nhau cả khi khó khăn cũng như lúc thuận lợi. Nhưng thực sự, đôi khi cũng phức tạp và khó nói lắm. Nếu tránh được bất cứ va chạm gì thì nên tránh. Bởi tôi cho rằng, mối quan hệ anh em cọc chèo nó rất .. chồng chéo và loằng ngoằng!”

“Nhà điều phối” cần chuyên nghiệp

Ông bà Năm, nhà hàng xóm có đông con rể từ bữa có chuyện to tiếng, đã tìm nhiều cách để các con hòa thuận như trước. Ba mẹ tôi kể, ông Năm tự tay làm các đôi đũa dừa gửi tặng cho từng gia đình nhỏ của các con gái. Mỗi khi nhà có đám giỗ chạp, ông bà đều dặn dò các con gái đưa chồng con về vào khoảng thời gian chính xác. Nếu ai có công việc riêng chưa về được, hoặc vắng mặt, thì cần thông báo cho cả nhà.

Không chỉ tụ tập các con nấu nướng ăn uống tại nhà, mỗi năm ông bà Năm đều chọn mua tour du lịch trọn gói vào thời điểm các cháu nghỉ hè, để tình cảm cả gia đình thêm gắn bó. Ông Năm nói, ông không chỉ muốn các chàng rể gắn bó và có trách nhiệm với bên gia đình vợ, mà còn là tấm gương để các cháu nội, ngoại soi vào. Thế hệ nhí này cũng rất cần khoảng thời gian chia sẻ vui buồn cùng nhau trong mọi sinh hoạt để tới khi ông bà trăm tuổi, thì sẽ biết gắn bó và tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.

“Dù rằng sự xích mích của mấy anh em cọc chèo chúng nó có làm chút buồn phiền đến mọi người trong gia đình, nhưng tui chẳng nói năng thêm cho nặng chuyện. Tui chỉ dạy đám con gái tui về nói nhẹ nhàng với chồng mình, vậy là êm cửa êm nhà!”, ông Năm chia sẻ bí quyết của mình với bà con láng giềng.

Đất hương hỏa

Mảnh đất hương hỏa bỗng trở nên có giá. Ấy vậy mà chẳng ai vui, bởi lẽ mảnh đất này khiến tình cảm anh em trở nên sứt mẻ.

Gia đình bác cả Trạc đang sống yên ổn ở quê nhà thì bỗng dưng có chuyện… Số là, mảnh đất mà vợ chồng, con cái bác cả đang ở vốn là đất hương hỏa, có nghĩa là đất của các cụ lâu đời trong dòng họ Vũ nhà bác để lại, trên đất đó có khu thờ tự của dòng họ, do vợ chồng bác trông coi, hương khói. Khu đất rộng trên một ngàn mét vuông này tọa ở phía đầu làng của một vùng quê ngoại ô yên tĩnh.

Hai năm trước, do có chủ trương qui hoạch thành phố mở rộng, cái xã ngoại thành nhiều sỏi đá và cát bụi nhà bác được sát nhập vào thành phố. Rồi xã nghiễm nhiên trở thành một phường, nghe cứ thấy oách thật lực. Tiếp theo là một loạt dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường sá được thành phố rót vốn xuống cái phường mới này, ào ạt cứ như một đại công trường.

Người thành phố nhiều tiền lắm của, chẳng biết để đâu sinh lời cao, nay thấy đất ở phường mới này còn rẻ, dễ có khả năng lãi lớn nên nhiều kẻ săn đón, tìm kiếm. Đội ngũ cò đất cùng các cơ sở kinh doanh nhà đất mọc lên nhan nhản trong thời gian ngắn như thể nấm rơm gặp mưa rào.

Khu đất nhà bác cả Trạc ở đầu làng Hạ quả là có vị trí đắc địa nhất nhì. Này nhé, nhà bác đất thì rộng rãi, vuông vắn, lại đủ cả mấy tiêu chí “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” nghĩa là gần cả chợ, cả sông lại sát bên đường cái dẫn vào trụ sở phường mới, sắp được mở to mấy làn xe thênh thang.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Hàng ngày xe cộ ra vào nhà bác để hỏi về lô đất cứ đông nườm nượp như mắc cửi. Có lái đất đã “thổi” giá lên đến mười mấy triệu một mét vuông. Nhẩm tính qua, đã thấy bác cả nằm trên núi tiền nhưng bác một mực từ chối tất cả: Đây là đất hương hỏa, tôi chỉ được ở chứ không được bán.

Về gia đình lớn của bác cả Trạc, anh em họ hàng bấy lâu sống với nhau cũng gần gũi, đoàn kết. Vợ chồng cụ đồ Tảo, sinh được bốn người con, gồm hai trai là bác cả Trạc và chú út Cường cùng hai gái ở giữa là cô Hoa và cô Nụ.

Sinh thời, vợ chồng cụ đồ tần tảo làm lụng, dành dụm nên con cái khi ra ở riêng ai cũng được các cụ bù phụ cho ít nhiều lấy vốn làm ăn. Họ lại được thừa kế tính tình chịu thương, chịu khó và ăn tiêu dè sẻn của cha mẹ, nên tuy chẳng giàu có hơn người nhưng ai cũng có bát ăn bát để.

Cả ba người em của bác cả Trạc đều có nhà riêng ở thành phố. Hàng năm tới ngày Tết hay ngày giỗ các cụ, họ chỉ tập trung về nhà bác cả thắp nén hương cho tổ tiên, ăn với nhau bữa cỗ rồi đi, chẳng ai muốn về ở hay mảy may có ý định chia bôi mảnh đất quê nhà với bác.

Trong số các người em của bác cả, thì nhà chú út Cường mấy năm gần đây phất lên nhanh nhất nhờ chú kinh doanh sắt thép và buôn bất động sản. Dạo trước, nghe nói chú có cả mấy biệt thự và nhà chung cư cao cấp cho Tây thuê ở ngoài thành phố, riêng tiền thu được hàng tháng đã vài chục triệu. Có tiền, chú cũng không bo bo một mình, mà về làng giúp đỡ họ hàng khó khăn, rồi bỏ chi phí trùng tu nhà thờ họ.

Nhưng rồi như ai đó nói, cái câu “lên voi, xuống chó” nó vận vào chú út Cường rất nhanh. Cùng với cái bong bóng bất động sản nổ cái “bụp”, số tiền đầu tư của chú vào các dự án mới cũng tiêu tan.

Mà “sông to thì sóng lớn”, chú Cường giàu có đấy nhưng để đầu tư làm ăn lớn, chú cũng phải vay nhiều. Thế là giờ đây, khi chú sa cơ lỡ vận, ngân hàng và chủ nợ đến xiết hàng ngày. Tài sản chìm, nổi của chú phải “đội nón ra đi” hết mà chưa đủ trả nợ.

Đường cùng, chú út phải dẫn vợ con về quê, xin bác cả xắn cho một miếng đất, dựng cái nhà cấp bốn làm nơi tá túc. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, huống hồ là anh em ruột lúc hoạn nạn, đương nhiên là vợ chồng bác cả Trạc đồng ý ngay.

Nhưng cái điều tưởng như rất hợp lý ấy lại dẫn đến những hệ lụy mà anh em bác cả Trạc không lường hết được. Đó là gia đình bà Hoa và bà Nụ đang yên, đang lành, nay nghe giá đất quê lên chóng mặt lại thấy chú út Cường về ở được, nên họ cũng muốn được chia phần.

Trong cuộc họp gia đình nhân ngày giỗ cụ đồ lần trước, họ đưa ra “phương án”: Từ tổng diện tích 1.200m2, để lại nhà thờ và khuôn viên 300m2, nhà bác cả được phần hơn là 300m2 còn lại chia ba người em, mỗi người 200m2.

Dĩ nhiên là phương án này bị gia đình bác cả Trạc phủ nhận, vì trong tổng diện tích khu đất, có một phần đáng kể do gia đình bác tự “phát triển” mở rộng trong quá trình ở. Cụ thể là phía bắc có cái ngõ chung, năm nọ xã xây trường học nên bịt lại, thành ra ngõ cụt, bác đã “hợp thức hóa” nó vào khu đất nhà bác. Phía tây thì hàng ngày bác và các con đổ đất, đổ rác để lấn ra sông…

Nhưng điều quan trọng hơn, đây là đất hương hỏa, các cụ xưa truyền lại cho ông bà, rồi bố mẹ, và nay là vợ chồng bác cả, cứ ai là con trai trưởng của dòng họ Vũ thì ở trông nom, hương khói tổ tiên. Các cô nay về đây đòi chia đất, rồi sau đó bán đi lấy tiền, để người ngoài vào ở trên đất tổ tiên là không được.

Anh em nhà bác cả Trạc sau lần ấy không còn ngồi lại được với nhau nữa. Nghe đâu, mấy thằng con trai nhà bà Hoa còn tính đưa sự việc ra chính quyền và thuê luật sư làm việc với bác cả để “bảo vệ quyền lợi chính đáng” của mẹ chúng.

Ngày giỗ cụ đồ Tảo năm nay, bác cả Trạc nhắn tin gọi các em về, nhưng gia đình các cô ấy không về nữa mà tự cúng bố tại nhà riêng. Ở quê chỉ có nhà bác cả và nhà chú út Cường làm giỗ bố, trong không khí nặng nề, u ám…

Sòng phẳng với mẹ chồng

Chồng hiểu, vợ chẳng phải chê quà của mẹ nhưng tính vợ không thích nợ nần. Mỗi lần mẹ gửi đồ thì vợ cũng đáp lại ngay, nhưng vợ à...

Vợ chồng mình sống cách nhà nội chưa đến mười lăm cây số nhưng hiếm khi vợ chịu về chơi. Tuần nào, vợ cũng lấy cớ bận, nào họp hành, làm điểm, soạn bài…để chồng lủi thủi một mình về thăm nhà. Chồng biết, vợ chẳng bận đến mức ấy nhưng vợ không thoải mái khi về quê, vừa gò bó vừa mất ngày cuối tuần để xả hơi, thư giãn. Biết tính vợ thế nên chồng chẳng ép, nhưng nhìn cách vợ đối xử với những món quà từ quê, chồng thấy buồn trong lòng…

Lần nào cũng vậy, mẹ thấy chồng về một mình đều hỏi sao vợ không về. Câu trả lời của chồng lúc nào cũng giống nhau nên lâu dần mẹ chẳng hỏi nữa. Chỉ thấy mẹ lẳng lặng gói ghém một thứ một ít gửi lên cho vợ. Khi thì chục trứng gà ta, nải chuối nhà, con bồ câu non, lúc thì ít đậu phộng rang, chục cân gạo, trái bí, mớ rau trong vườn… Lần đầu, chồng hào hứng xách về, nhưng rồi ánh mắt ơ hờ, cái thở dài đánh sượt của vợ làm chồng mất hứng. Nhưng không thể từ chối món quà của mẹ, lúc nào cũng được gói cẩn thận treo sẵn ở giỏ xe nên chồng lẳng lặng mang về.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Đến lần thứ tư, vợ bắt đầu lên tiếng phản đối: “Lần sau anh đừng có lấy của mẹ nữa, có ai ăn đâu mà”. Chồng cự: “Mẹ cho, không lấy sao được. Vả lại, mẹ bảo, em đang có bầu, ăn rau nhà trồng và trứng gà ta tốt hơn mua ngoài chợ”. Vợ lên giọng: “Chỉ giỏi vẽ chuyện, “của biếu là của lo, của cho là của nợ”, tính em không thích lấy không của ai cái gì”. Chồng tiếp tục thanh minh: “Ơ kìa, có ai bắt em phải trả đâu, mẹ thương mẹ mới cho mà”. Vợ dấm dẳng: “Thôi, không nói nhiều nữa, lần sau anh đừng có đem về nữa. Giờ cần gì ra siêu thị là có ngay, đừng có đùm đề lắm thứ, phức tạp”. Có lần, vợ về quê chơi, khen gạo ở quê nấu cơm ngon. Vậy là, thu hoạch xong, mẹ sai chú út chở lên cho vợ chồng mình một tạ. Vợ nằng nặc gửi tiền trả mẹ, còn nói mát mẻ với chồng: “Mẹ định buôn gạo chắc” …

Chồng hiểu, vợ chẳng phải chê quà của mẹ nhưng tính vợ không thích nợ nần. Mỗi lần mẹ gửi đồ lên thì hôm sau, vợ cũng phải gửi đáp lại ngay. Nhưng vợ à, mẹ gửi quà cho vợ vì thương con và cách sống ở quê vốn như vậy chứ không phải muốn được trả lại đâu. Vợ có biết, giữa trưa nắng, mẹ đi khắp xóm, tìm mua cho đủ chục trứng gà để gửi lên. Nải chuối nào ngon, mẹ đều để dành cho vợ. Mẹ bảo: “Rau quả ngoài chợ bây giờ toàn phun thuốc, ăn hại người lắm. Chịu khó mang lên cho vợ con, đang bầu bì phải cẩn thận”. Chồng biết mẹ không phải người đưa đãi, có gì nói vậy nên vợ đừng suy nghĩ nhiều. Trong thâm tâm mẹ, nhà chồng không giàu có gì, không giúp đỡ được vợ chồng mình nhiều nên có gì mẹ cho nấy…

Chồng biết, sòng phẳng là tốt, rất cần thiết trong các mối quan hệ xã hội nhưng trong gia đình, nhiều lúc rạch ròi quá lại làm mất tình cảm vợ à. Có những thứ mình cho đi mà không nghĩ đến chuyện nhận lại, có những thứ mình nhận nhưng không thể nào cho đi…

Đọc nhiều nhất

Tin mới