Bốn cái ti vi

Bốn cái ti vi cùng mở một giờ trong một ngôi nhà, nỗi chia cắt đã sâu hơn nhiều so với người ta nghĩ.

Chị và chồng con đang sống chung dưới một mái nhà. Thỉnh thoảng những đám tiệc của họ hàng, vẫn thấy hai vợ chồng cùng nhau đi dự. Chị ca ngợi chồng, anh quan tâm chăm sóc vợ. Thế nhưng, về đến nhà là mỗi người một phòng riêng.

Những tưởng chuyện thỏa thuận ly thân là chuyện của riêng vợ chồng, nhưng dần dần cả nhà đều biết. Cơm nước đã có người giúp việc, chị không phải tất bật bếp núc, nhưng giờ ăn cơm chung cũng bị “vi phạm” thường xuyên. Có lúc anh về đúng giờ nhưng ngồi ăn một mình, chị về trước, đã ăn xong lên phòng đóng cửa. Cái ti vi chung của cả nhà ở phòng khách, khi anh cầm lấy cái remote là chị đứng dậy rời phòng. Tuần trước, anh mua cùng lúc ba cái ti vi, thợ đến nhà đục tường gắn dây ầm ĩ. Vậy là bây giờ bốn phòng bốn người có bốn cái ti vi, cha mẹ con cái mỗi người theo một chương trình riêng. Anh đùa một câu đắng nghét: “Mai mốt ly hôn nhớ ba cái ti vi này là của anh mua nha!”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chuyện cái ti vi là nhỏ, chuyện mấy cái nhà của chị mới thật khó khăn. Vợ chồng ly thân vì chồng bồ bịch liên miên, chị thề không bao giờ nhúng tay vào đời “thằng chả” lần nữa, nhưng vì con cái, chị đồng ý không ly hôn, chỉ ly thân. Sống chung dưới một mái nhà, nhưng một người làm một người phá. Chị chứng kiến “thằng chả” bán chiếc xe SH, rồi một ngày bộ salon gỗ quý trong nhà cũng lên đường. Giấy tờ nhà chị gửi ngân hàng, nhưng đồ đạc vật dụng trong nhà dần dần bay biến. Rồi chủ nợ đến vây nhà đòi chém; em út xanh đỏ õng ẹo tới nhà kiếm anh Hai xin tiền… Chị cắn răng chịu đựng. Trời cho chị làm ra tiền, chị cất riêng, mua nhà mua đất, nhờ em út họ hàng đứng tên. Gần mười mấy năm, mấy lần bỏ tiền chuộc nợ, đến khi con cái ra riêng, chị quyết định nộp đơn ly hôn thì mới choáng váng: tài sản chung thì phải chia, tài sản riêng thì có nguy cơ bị người ta giựt mất. Chị viết cho Hạnh Dung một lá thư dài đẫm nước mắt: biết vậy ngày xưa chặt một nhát cho đứt, đỡ mười mấy năm trời còng lưng làm cho “thằng chả” hưởng không…

Điều đáng sợ là ly thân đang dần trở thành một hình thức hôn nhân phổ biến. Giận dỗi, gây gổ: ly thân. Không còn tình cảm nhưng sợ con cái dị nghị, sợ ảnh hưởng vị trí xã hội, sợ đổ bể công việc làm ăn: ly thân. Phát hiện ngoại tình: ly thân. Và đôi khi, chỉ là mệt mỏi không hào hứng với đời sống vợ chồng, cũng ly thân… Người ta chỉ nghĩ đến việc miễn là vẫn còn chung một mái nhà, vẫn còn có trách nhiệm với con cái, họ hàng, vẫn đóng vai gia đình tròn vẹn trước mắt thiên hạ. Người ta quên đi những hệ lụy âm thầm sẽ đến, sẽ diễn tiến, sẽ biến cuộc sống chung thành một cuộc tồn tại vật vờ, lãng xẹt, trong đó hai cá thể của hôn nhân quen dần với những hờ hững, lạnh nhạt và dần trở nên vô cảm với nhau.

Hạnh Dung ấn tượng sâu sắc với một lá thư, trong đó người phụ nữ hỏi mình có nên chọn giải pháp “ly thân mãi mãi”, vì chị không muốn mang tiếng bị chồng bỏ, nhưng cũng không còn yêu thương gì chồng. Chẳng biết đến giờ người phụ nữ ấy có còn nghĩ “mãi mãi” chính là cả cuộc đời mình hay không.

Bốn cái ti vi cùng mở một giờ trong một ngôi nhà, nỗi chia cắt đã sâu hơn nhiều so với người ta nghĩ. Chỉ vì cảm giác còn chung một lối vào nhà, nên người ta không cảm thấy lo lắng lắm khi thời gian trôi qua. Không lo lắng nên mặc kệ, không ai nỗ lực để hàn gắn lại mọi chuyện, để mở lòng ra với nhau, để chăm sóc và được chăm sóc, để yêu thương và được yêu thương. Cứ thế, những chương trình khác nhau nối tiếp giết hết thời gian của họ, mà không ai buồn tìm kiếm một mối quan tâm chung, để có thể mở một cái ti vi cho cả bốn người cùng chia sẻ một chương trình…

Những cuộc ly biệt xưa nay đều có lúc kết thúc, hoặc là trùng phùng, hội ngộ, hoặc mất hẳn đời nhau. Xin đừng để mình trong tâm thế đợi mãi một cuộc chia ly, để rồi người đứng cứ đứng, người đi không đi mà cả đôi đều bạc tóc. Mọi thứ đều cần có “deadline”. Cuộc đời là hữu hạn, xin đừng lãng phí mình và lãng phí cả đời nhau…

Mọi người khuyên tôi ngoại tình

Những người thân với tôi đều khuyên tôi hãy ngoại tình. Vì họ quá thương cảm cho hoàn cảnh của tôi. 

47 tuổi, tôi vẫn là một người đàn bà đẹp, đằm thắm, sắc sảo, giỏi giang trong mắt mọi người. Nhưng suốt 25 năm hôn nhân, tôi chưa một lần biết đến hạnh phúc vì có một người chồng bất bình thường.

22 tuổi, mẹ bắt tôi cưới một người con trai cùng làng cho gần nhà. Bố tôi mất sớm lúc chúng tôi còn nhỏ dại, mẹ mới 32 tuổi. Mẹ là người chỉ biết hy sinh cuộc đời cho con, làm đủ việc để nuôi hai chị em tôi khôn lớn mà không mảy may nghĩ tới hạnh phúc cho bản thân. Tôi không thể làm trái ý mẹ, nhất là khi mẹ bảo: “Nếu con không cưới nó mẹ sẽ chết cho mà xem”.

Nỗi nhọc sắm vai hạnh phúc

Dù không phải là diễn viên nhưng họ đã gồng mình diễn vai những người hạnh phúc.

Đang đi ngoài đường, tôi phải dừng lại vì tiếng điện thoại reo liên tục. Giọng Hằng, em họ tôi, hét toáng lên trong điện thoại: “Em vừa thấy ông Thanh, chồng chị Loan, vào khách sạn với cô nào đó. Nhìn ông ấy hiền lành thế mà...”. Hằng định nói thêm nữa nhưng tôi tắt máy và gọi ngay cho chị Loan. Tưởng đâu Loan sẽ gào khóc, hỏi ngay địa chỉ khách sạn để đến bắt tận tay, day tận mặt nhưng giọng chị yếu xìu: “Chị biết rồi”.

Vì con?

Chị Loan làm phó giám đốc chi nhánh ngân hàng tại quận 1, TP HCM; còn anh Thanh, chồng chị, làm trưởng phòng của một công ty chứng khoán. Họ có nhà lầu, xe hơi và 2 cô con gái đang du học ở Singapore. Nhìn họ, ai cũng ngưỡng mộ vì sự thành đạt, hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, học giỏi. Khi biết anh Thanh có người khác, không chỉ Hằng mà tôi cũng sốc nặng. Chị Loan xinh đẹp, giỏi giang thế kia thì anh Thanh còn đòi hỏi gì nữa?

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
“Anh chị tuy sống chung nhà nhưng đã ly thân mấy năm nay rồi. Vợ chồng chị giao ước với nhau việc ai người đó làm, có người mới thì người kia không được ghen tuông nhưng phải khéo để mọi người không biết, kể cả 2 đứa con” - giọng chị Loan nghèn nghẹn. “Sống như vậy mà chị chịu được sao? Chia tay là điều không ai muốn nhưng em tin 2 con chị sẽ hiểu, thông cảm” - tôi phản đối. Chị cười buồn: “Chia tay vào lúc này không được đâu, nhất là khi bé Thi còn nhỏ quá. Nếu anh chị chia tay, con bé sẽ bỏ học về nước ngay. Rồi việc vợ chồng gãy đổ sẽ ảnh hưởng đến gia đình hai bên, công việc làm ăn của anh chị...”. Chị còn nói thêm nhiều lý do nữa nhưng tôi chẳng nhớ hết.

Vậy mà mới hôm qua, tôi lại thấy vợ chồng chị tay trong tay đến tham dự đám cưới của một người bà con. Trong mắt mọi người, họ vẫn là cặp đôi rất hạnh phúc.

Sợ bị cười chê

Nhiều cặp vợ chồng cố gắng diễn cảnh hạnh phúc dù gia đình họ đã đứng bên bờ vực tan vỡ. Chỉ có người trong cuộc mới biết mình “gồng” được bao lâu nữa, như trường hợp của Hoa - ngụ đường Dương Bá Trạc, quận 8, TP HCM.

Ngày Hoa lên xe hoa, bà con và bạn bè ai cũng mừng vì cô lấy được chồng giàu có. Nhưng về nhà chồng, Hoa mới té ngửa khi tất cả những gì cô và mọi người nghĩ đều không thật. Ngay trong đêm tân hôn, mẹ chồng Hoa ngọt nhạt: “Bên ngoài bây giờ đầy cướp giật, đeo trang sức nguy hiểm lắm, con đưa đây mẹ giữ cho”.

Điều đó không làm Hoa buồn bằng việc chồng cô hằng ngày phát tiền đi chợ và bắt kê khai mua món gì, bao nhiêu tiền và còn dư bao nhiêu phải trả lại. Thuộc loại người “đo lọ muối, đếm củ hành” nhưng chồng Hoa ra ngoài lại khoe khoang tặng vợ quần áo đẹp, xe xịn, son phấn đắt tiền... “Sao em không vạch mặt anh ta cho mọi người biết?” - tôi thắc mắc. Hoa giải thích: “Xấu chàng hổ thiếp chị ạ. Quan trọng hơn, em sợ ba má ở quê biết được, lo nghĩ thì tội lắm. Cứ để mọi người nghĩ em đang rất hạnh phúc”.

Cũng như Hoa, Bích - bạn tôi - cố gắng tạo một vỏ bọc hạnh phúc hoàn hảo cho mình dù cuộc hôn nhân của cô chỉ tồn tại trên giấy tờ. Mỗi khi có ai hỏi đến Bích, bà Năm - mẹ cô- lại khoe: “Vợ chồng nó hạnh phúc lắm. Mới tháng trước, vợ chồng nó còn gửi tiền về cho thím sửa lại nhà”.

Bà Năm hay khoe con gái lấy chồng giàu, đi xuất ngoại, thường xuyên gửi tiền về... Song, chỉ ai thân thiết mới biết được Bích đang phải cày ngày cày đêm ở xứ người để trả nợ cho hợp đồng kết hôn giả, thỏa mãn ước mơ được ra nước ngoài của cô và gia đình.

Đọc nhiều nhất

Tin mới