Biến đổi bất ngờ, phố Cầu Gỗ - Hà Nội mất dần bộ mặt cũ

Từng được biết đến là con phố chuyên kinh doanh các mặt hàng phụ kiện cặp tóc, bấm lỗ tai, song hiện nay, những cửa hiệu cặp tóc trên phố Cầu Gỗ dần thưa thớt. Thay vào đó, rất nhiều hàng quán ăn uống xuất hiện tại đây.

Phố Cầu Gỗ dài 248m và rộng 8m nối từ phố Hàng Thùng đến đầu phố Hàng Gai, cắt ngang Phố Hàng Đào. Sở dĩ phố có tên Cầu Gỗ bởi xưa đây là một con cầu nhỏ bắc qua con mương nối hồ Thái Cực (hay hồ Hàng Đào, đã bị lấp đi xây thành phố) ra tới hồ Gươm.
Vào khoảng những năm 2000, phố Cầu Gỗ luôn tấp nập những cửa hàng bán các loại cặp tóc, bấm lỗ tai. Từ ngã ba Đinh Liệt - Cầu Gỗ tới chợ Hàng Bè, có rất nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng này.
Những cửa hàng còn kinh doanh cặp tóc, bấm lỗ tai trên phố Cầu Gỗ hiện nay.
Những cửa hàng còn kinh doanh cặp tóc, bấm lỗ tai trên phố Cầu Gỗ hiện nay. 
“Trước đây, cả dãy phố Cầu Gỗ hầu như nhà nào cũng kinh doanh mặt hàng dây buộc, cặp tóc và bấm lỗ tai. Dù nhiều hàng cùng kinh doanh một loại mặt hàng nhưng phố xá lúc nào cũng đông đức người qua lại mua sắm”, cô Thủy - một người kinh doanh cặp tóc trên phố Cầu Gỗ - cho hay.
Việc kinh doanh mặt hàng độc đáo này đã trở thành thương hiệu của con phố. Nhắc đến phố Cầu Gỗ, bất cứ ai cũng sẽ nhớ ngay đến những cửa hàng lấp lánh rực rỡ những loại cặp tóc với đủ các loại mặt hàng. Nhiều hộ kinh doanh không chỉ sống bằng nghề buôn bán này mà còn có thể làm giàu.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, việc buôn bán mặt hàng phụ kiện này không còn sôi nổi, tấp nập như trước đây vì nhu cầu dùng các loại mặt hàng này của phái nữ đã giảm. Thay vì mua các loại dây buộc, cặp tóc đính đá sặc sỡ thì nay, mọi người chuộng những đồ đơn giản với giá thành rẻ hơn nhiều.
“Trước đây, hoạt động mua bán các loại cặp tóc hay bấm lỗ tai của cửa hàng cô rất tốt. Không chỉ có các cô, các chị mua sắm phụ kiện mà cả phái nam cũng thường mua để tặng. Tuy nhiên, gần đây nhu cầu mua sắm cặp tóc không còn nhiều, có những hôm mở hàng mà chẳng bán được gì cả”, cô Thủy nói.
Các cửa hàng cặp tóc nay đã vắng khách mua hàng hơn xưa.
 Các cửa hàng cặp tóc nay đã vắng khách mua hàng hơn xưa.
Những quán ăn vỉa hè mở san sát nhau và luôn đông đúc khách hàng.
 Những quán ăn vỉa hè mở san sát nhau và luôn đông đúc khách hàng.
Sự thay đổi mặt hàng kinh doanh không chỉ vì nhu cầu của người mua giảm mà còn bởi sự xuất hiện của phố đi bộ. Từ khi phố đi bộ Hồ Gươm đi vào hoạt động, các tuyến phố xung quanh như Nguyễn Hữu Huân, Hàng Trống, Ngô Quyền,... và cả phố Cầu Gỗ đã mọc thêm nhiều cửa hàng, quán ăn để phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân.
Lượng người đến phố đi bộ vào mỗi cuối tuần thường rất lớn nên nhu cầu ăn uống cũng rất cao. Nhận thấy nhu cầu đó nên nhiều hộ kinh doanh đã nhanh nhạy chuyển sang buôn bán các mặt hàng đồ ăn vặt như bún, phở, chè,... thay vì mặt hàng phụ kiện làm đẹp như trước.
Hiện giờ, con phố Cầu Gỗ được biết đến là con đường của những hàng ăn. Bất kì quán ăn nào mở ra trên phố Cầu Gỗ đều có thể kinh doanh tốt.
“Trước đây, việc bán dây chun, cặp tóc giúp cô có đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, càng ngày việc bán hàng càng ế ẩm nên cô đành chuyển sang bán hàng hoa quả ăn vặt. Việc bán hàng đồ ăn tuy vất vả hơn nhiều nhưng cũng khá đông khách. Đặc biệt vào cuối tuần, nhiều người đi chơi phố đi bộ nên việc bán hàng những ngày này cũng tốt hơn nhiều so với ngày thường.”, cô Hương - một người kinh doanh trên phố Cầu Gỗ tiết lộ.
Có thể nói, sự xuất hiện của tuyến phố đi bộ Hồ Gươm đã góp phần thay đổi hình thái kinh doanh của các con phố cổ. Thay vì bán các mặt hàng đặc trưng lâu năm thì nay, những con phố như Cầu Gỗ đã chuyển sang kinh doanh các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân và khách tham quan.

Đọc nhiều nhất

Tin mới