Cà chua quắt queo vì bệnh
Xuất phát từ việc tự trồng cây cà chua trên sân thượng nhà mình, bà Nguyễn Thị Mơ (đường Hoàng Mai, Hà Nội) nêu quan điểm: Nếu không sử dụng thuốc cà chua sẽ xấu, quắt queo. Khi được phun thuốc chỉ thời gian sau quả trở nên to, đỏ mọng, không bị sâu... Cũng vì quan điểm này nên khi đi chợ, bà Mơ chỉ nên chọn mua những loại quả có hình dáng xấu, quắt queo. Đặc biệt, các loại rau quả trái mùa càng xấu càng tốt. Bởi theo bà, rau quả trái mùa sẽ khó phát triển nên càng cần nhiều thuốc kích thích, trừ sâu, bảo vệ để phát triển. Điều này đồng nghĩa rau quả luôn mướt đẹp, căng mọng.
Trước quan niệm này, ThS Vũ Thị Phương Thanh, phụ trách kỹ thuật thuộc Dự án rau trái vụ Mộc Châu, Công ty Fresh Studio cho hay, với sự phát triển về giống, cách trồng theo quan niệm này hoàn toàn chưa chính xác.
Lấy ví dụ cụ thể, ThS Vũ Thị Phương Thanh dẫn chứng, quả cà chua quắt queo không hẳn an toàn mà chính xác là do quá trình chăm bón không đúng cách gây nên các bệnh rối loạn sinh lý. Các điển hình về quả cà chua như dị dạng do thụ phấn kém khi trời khô hạn, nhiệt độ cao. Quả có hình dáng xấu, phía trong sần sùi, khô do rễ bị ngẹt, đất ẩm, thừa N thiếu K. Hay quả bị hỏng một phần do thiếu canxi. Thậm chí, do phun nhiều thuốc không phù hợp nên quả cà chua bị hỏng, không phát triển đều.
Ảnh minh họa. |
Cách chọn cà chua an toàn
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Vũ Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển bền vững (Hội Khoa học Kỹ thuật và Bảo vệ thực vật Việt Nam) cũng cho rằng, khi khoa học chưa phát triển nên cây trồng trái mùa thường phải sử dụng nhiều hóa chất, phân bón mới phát triển tốt. Tuy nhiên, giống hiện nay hoàn toàn khác. Chính như cây cà chua, quan niệm quả vặn vẹo chứng tỏ không dùng thuốc là chưa khoa học.
"Ngày xưa vụ hè thu có nhiệt độ cao nên cây không ra hoa kết quả. Để khắc phục người trồng phải cho thuốc kích thích. Hiện nay, giống mới khắc phục được thời tiết nên không còn sử dụng thuốc là đương nhiên", TS Nguyễn Vũ Thị Thanh nhấn mạnh.
Đối với cà chua trái vụ của Trung Quốc và Việt Nam, ThS Phương Thanh cho rằng có thể đều an toàn. Nhưng những ai muốn phân biệt cụ thể có thể thông qua hình dáng. Cà chua Trung Quốc đa phần có hình tròn. Để cạnh tranh thị trường, Việt Nam sử dụng quả có hình oval. Cà chua nước ta có màu đẹp và an toàn vì thu hái chín thay vì thu xanh rồi dấm như cà chua Trung Quốc. Khi ăn, cà chua cho vị thơm, ngon, ăn bột và đỏ.
Cà chua chính vụ không phân biệt bằng hình dáng mà phải thông qua chất lượng quả. Cà chua dấm chín bằng hóa chất thường có vỏ đỏ nhưng ruột và hạt xanh, khi nấu không bở. Riêng lớp bột trắng trên quả cà chua, thực chất là thành phần bám dính trong thuốc bảo vệ thực vật. Về nguyên lý, chất này không ảnh hưởng sức khoẻ nếu có thời gian cách ly tốt.
Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, ngoài cà chua hiện nay, các loại rau quả khác rất khó phát hiện của Trung Quốc hay Đà Lạt... Vì thế, để kiểm tra cần có tem mác của sản phẩm đó. Hiện nay, tại các siêu thị hoặc các cửa hàng rau an toàn đều có nguồn gốc sản phẩm cụ thể để người tiêu dùng lựa chọn.
"Trước nhu cầu, thói quen rau trái vụ cao nên nguồn giống, cách thức trồng... cũng được cải tiến. Ví dụ, để trồng rau trái vụ cần chọn giống mới, phù hợp với vùng đất, nhiệt độ, thời tiết. Khi trồng cần trồng trong nhà kính, nhà lưới để giảm thiểu nguy hại. Vì thế, người dân vẫn có thể an tâm sử dụng".
ThS Vũ Thị Phương Thanh