Liên quan đến trường hợp bệnh nhân Đào Thị Loan tử vong sau khi gây tê tủy sống ở Bệnh viện Việt Tiệp, trong báo cáo gửi Bộ Y tế hôm 25/5, Sở Y tế Hải Phòng cho biết, Hội đồng chuyên môn ngành y tế Hải Phòng kết luận không có sai sót chuyên môn kỹ thuật dẫn đến tử vong của bệnh nhân Loan. Nguyên nhân tử vong có thể là hiện tượng sốc phản vệ mức độ nặng.
Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng |
Sốc phản vệ là một phản ứng nặng của cơ thể thường xuyên xảy ra trong y học. Đây là một tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất, có thể gây tử vong một cách nhanh chóng. Một người bệnh có thể bị sốc phản vệ với chất cản quang khi chụp XQ, sốc phản vệ sau khi tiêm phòng vắc-xin, khi truyền dịch, tiêm kháng sinh, tiêm thuốc gây mê...
Theo ThS. BS. Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, sốc phản vệ xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất ra kháng thể đặc hiệu để chống lại chất gây dị ứng...
Kháng thể sẽ phản ứng chống lại chất đó, kích thích cơ thể sản xuất và giải phóng một lượng lớn histamine, chất có thể gây ra các triệu chứng phản vệ hoặc sốc phản vệ ở cơ thể.
Ai cũng có thể bị sốc phản vệ |
Còn theo GS Nguyễn Năng An Hội dị ứng, miễn dịch lâm sàng: "Bất cứ loại thuốc nào cũng có thể gây dị ứng nghiêm trọng hơn là sốc phản vệ. Từ các loại kháng sinh, giảm đau hạ nhiệt, chống viêm, vitamin, dịch truyền, vắc-xin, thuốc gây tê, tới các loại thuốc gây mê... Ngay cả những thuốc được coi là "hiền lành" như thuốc chống nhiễm khuẩn sau phẫu thuật, thuốc chống dị ứng cũng có thể gây nên sốc phản vệ".
GS. Năng An phân tích: Trong quá trình điều trị bệnh, việc bạn dùng bất cứ loại thuốc nào cùng đều là đang đưa những chất lạ vào cơ thể. Cơ thể bạn có thể chấp nhận những chất lạ đó với phản ứng bình thường, không ảnh hưởng đến hoạt động sống. Nhưng đôi khi, những hóa chất trong các thuốc điều trị lại gây ra các phản ứng quá mẫn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khác của cơ thể. Đó là tình trạng dị ứng thuốc.
Y học đã ghi nhận trong số hàng trăm ca bị dị ứng thuốc hằng năm thì có 10% bị sốc phản vệ dẫn đến tử vong trong vài phút.
Khi bị sốc phản vệ, bệnh nhân sẽ có biểu hiện khó thở do tắc nghẽn các đường hô hấp. Có thể xảy ra sưng phù mặt và miệng, và đôi khi nổi sẩn đỏ ngoài da. Tim và các mạch máu bị ảnh hưởng nặng, biểu hiện chủ yếu bằng nhịp tim nhanh và huyết áp tụt đến mức độ nguy hiểm.
Phản ứng phản vệ có thể đe dọa tính mạng khi xảy ra sốc phản vệ nặng, nó có thể ngừng thở hoặc ngừng nhịp tim. Trong trường hợp này, cần phải hồi sức tim phổi (CPR) và điều trị khẩn cấp khác ngay lập tức".