Năm 2016, ông Đắng thuê tổng cộng 43.000 m2 ở xã Quốc Thái, huyện An Phú để trồng bắp (ngô) lai và hoa màu. Nhưng sâu bệnh tàn phá và giá bắp xuống thấp (chỉ còn 3.200 đồng/kg) khiến ông phải ôm 1 đống nợ.
Ông Huỳnh Văn Đắng chuyển sang trồng bắp BĐG từ đầu năm 2018. Ảnh: Nguyên Vỹ. |
Đầu năm 2018, ông bắt đầu chuyển sang trồng bắp biến đổi gen (BĐG) trên diện tích 6.000m2. Sau 2 vụ đầu tiên (3 tháng/1 vụ), hiệu quả từ mô hình đã thể hiện rõ khi công lao động giảm xuống rõ rệt.
Bắp BĐG có đặc tính kháng sâu bệnh cao. Ảnh: Nguyên Vỹ. |
So với giống bắp thường, giống biến đổi gen ông Đắng đang trồng có năng suất ngang bằng nhau, khoảng 1,2 – 1,4 tấn/1.000m2. Nhưng với đặc tính kháng sâu bệnh, mỗi vụ ông chỉ phun xịt thuốc diệt cỏ, thuốc BVTV 1 lần thay vì 2 lần như trước.
Bắp BĐG tốn ít công chăm sóc... Ảnh: Nguyên Vỹ. |
Ông Đắng cho biết giá thành 4.000 đồng/kg là nông dân có thể sống được từ cây bắp. Giá thu mua hiện tại cho các loại bắp đều nhau, khoảng 4.200 đồng/kg. Với tổng chi phí khoảng 5 triệu/1.000m2; trừ hết chi phí, mỗi vụ ông lời 3 triệu/1.000 m2.
... nên nông dân tận dụng tốt hơn quỹ thời gian nông nhàn để nâng cao thêm thu nhập. Ảnh: Nguyên Vỹ. |
“Hiệu quả lớn nhất là không phải thuê nhân công, không tốn nhiều công chăm sóc. Vợ chồng tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi đi làm thợ hồ để kiếm thêm thu nhập và lo cho các con”, ông Đắng kể.
Ngày càng nhiều nông dân quan tâm đến bắp BĐG. Ảnh: Nguyên Vỹ. |
Tại địa phương, chuyện BĐG trong thực phẩm cũng khiến không ít người hoài nghi. Ông Đắng nhớ lại, lúc mới trồng giống bắp này, người ta cũng nhìn ngó dữ lắm vì lạ. Tuy nhiên hiệu quả từ những vụ trồng đầu tiên đã kích thích nhiều người quan tâm tìm hiểu.
Nhiều giống bắp BĐG đã được Việt Nam công nhận và cho thương mại hóa. Ảnh: Nguyên Vỹ |
Theo GS. Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, sản phẩm BĐG muốn được xem xét cho phép sử dụng ở Việt Nam phải được ít nhất 5 nước phát triển cho phép sử dụng. Bắp BĐG đã được khảo nghiệm kỹ lưỡng trước khi cho thương mại hóa.
Diện tích ruộng bắp BĐG tiếp tục gia tăng tại Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ. |
Áp dụng cây trồng BĐG là một lựa chọn cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. “Công nghệ này không chỉ giúp tạo ra các bước tiến mới về năng suất, sản lượng mà quan trọng hơn đây là giải pháp giúp chúng ta phát triển ngành bắp theo hướng bền vững khi tính đến mức thu nhập cho nông dân và các tác động tích cực về môi trường, an sinh xã hội mà công nghệ này tạo ra”, GS. Hàm khẳng định.
Theo công ty Syngenta Việt Nam, đơn vị hiện đang cung cấp giống bắp BĐG, Việt Nam đang có khoảng 100.000 nông dân áp dụng mô hình này. Biên độ lợi nhuận giao động ở mức 2 triệu đồng/1.000m2. Vùng ĐBSCL (tập trung ở An Giang, Đồng Tháp) có tỷ lệ ứng dụng nhiều và nhanh nhất, sau đó là tỉnh Vĩnh Phúc.
Trên thế giới, đã có 24 quốc gia cho phép canh tác cây trồng BĐG. Ảnh: Nguyên Vỹ |
Tháng 3.2018, Bộ NNPTNT đã công nhận tổng số 16 giống bắp BĐG của các công ty Syngenta, Dekalb và công ty THHH hạt giống C.P. Việt Nam.
Theo tổ chức CropLife Việt Nam, tính đến năm 2017, có 24 quốc gia cho phép canh tác cây trồng BĐG với tổng diện tích canh tác gần 190 triệu ha (tăng 3% so với năm 2016); lợi nhuận tăng thêm trên mỗi ha là 102 USD (tương đương với khoảng 2,3 triệu đồng). Ngoài ra, có 43 quốc gia khác đang sử dụng cây trồng BĐG làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thực phẩm.