Anh ạ, về thôi! Đừng để em một mình

Em sắp bước qua cái tuổi mà nhiều người cảnh báo bằng một câu hỏi thật khó trả lời: “Sao còn chưa chịu sinh con?”.

Cưới hơn bốn năm nhưng hai đứa sống bên nhau chưa quá một tháng. Em sắp bước qua cái tuổi mà nhiều người cảnh báo bằng một câu hỏi thật khó trả lời: “Sao còn chưa chịu sinh con?”.

Mới hôm nào tiễn anh đi du học, hẹn hai năm sau sum họp. Hai năm trôi qua, lấy được bằng thạc sĩ, anh nán lại xứ người vì không thể từ chối một cơ hội lập nghiệp vô cùng lý tưởng. Em cũng tất bật với việc ở công ty cùng trăm việc không tên khác. Thời gian trôi nhanh. Mình chỉ có thể gặp nhau qua điện thoại vào những buổi chiều, là lúc gần nửa đêm nơi anh sống.

Trong những câu chuyện phiếm xen lẫn nỗi nhớ thương, anh bảo thích nghe em kể về buổi chiều nơi em đang đứng. Đơn giản vì anh vẫn chưa lần nào được đặt bước chân lên những bậc đá, lối cỏ xanh trong khuôn viên nhà mình.

Ngôi nhà mới này mình đã quyết định mua bằng tiền tích lũy anh gửi về cho em. Tất cả thời gian rảnh rỗi em đều dành để làm đẹp nhà cửa. Em nâng niu từng giàn hoa, chậu cây cảnh. Khắp các ngóc ngách của khu vườn đều in dấu đôi bàn tay em. Em chịu khó một phần vì yêu cái đẹp, thích có được không gian riêng hoàn hảo; một phần khác, lớn hơn rất nhiều, là vì em trông đợi anh, mong sao ngày về anh sẽ yêu thích nơi này. Khi đó, chúng mình sẽ cùng bắt đầu một cuộc sống hạnh phúc thật sự.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chiều tan sở, vội vàng trốn khói bụi và sự đông đúc phố thị, em lặng lẽ rẽ vào lối nhỏ, men theo hàng cây rợp bóng xanh để tìm về chốn bình yên của mình. Ở đó, anh đang đợi em bằng một cuộc gọi quốc tế, đều đặn mỗi ngày. Đó cũng là cách để anh nhắc nhở vợ phải đi bộ 30 phút mỗi chiều nhằm giữ sức khỏe. Hai đứa nói chuyện phiếm linh tinh trong lúc em đi bộ. Rồi thế nào anh cũng thắc mắc em đã trồng thêm được những cây gì trong vườn, cách chăm sóc chúng ra sao, cây xanh trong hòn non bộ đã bám đá chắc chắn chưa, cây lộc vừng mùa này có trổ hoa không…

Huyên thuyên như đứa trẻ thích kể công, em hồn nhiên nói với anh tất cả những chuyện em có thể nghĩ đến. Nhưng, có một điều em không bao giờ hé lộ, là nỗi cô đơn. Dẫu mỗi cuối ngày anh vẫn đều đặn gọi thăm thì buổi chiều của em ở đây vẫn cô đơn đến xao lòng.

Em chưa kể anh nghe về ngõ sau nhà mình. Cánh đồng rộng mênh mông, bạt ngàn gió. Sau khi chia tay anh, em vẫn thường lang thang ở đó. Nếu anh ngày ngày tháng tháng một mình đứng trước những vệt nắng yếu ớt cuối cùng trong không gian bao la như thế, biết thời gian trôi rất nhanh trong khi em đang bước qua tuổi sinh nở muộn, anh mới cảm nhận được nỗi mong chờ héo hắt của em. Em có anh mà cứ như chỉ một mình.

Gia đình hai bên đều nhắc nhở, bảo vợ chồng mình sao ham làm giàu quá. Mấy đứa bạn phòng xa: “Coi chừng ổng có thêm vợ con bên đó nên bị níu kéo, không muốn về” khiến em có lúc cũng lung lay ý chí. Dù hết lời bênh vực anh, trong em thỉnh thoảng vẫn cộm lên một chút hoài nghi. Chỉ một chút thôi, rồi tan nhanh, vì đã có anh kịp trấn an. Ông sếp người bản xứ biết hoàn cảnh gia đình mình, hứa chi nhánh của công ty ở Việt Nam sẽ sớm được thành lập. Khi đó, anh sẽ trở về và ở lại dài lâu. Ông sếp nhắn nhủ em hãy cho anh thêm ít thời gian nữa.

“Ít thời gian nữa”, ừ, chỉ một chút thôi. Em vò võ chờ đợi mấy năm rồi, nay ráng thêm xíu nữa có đáng là bao. Nhủ lòng như thế cho vững tinh thần, nhưng sao trốn vào đâu em cũng không tránh khỏi nỗi buồn. Nỗi buồn đã biến thành nỗi lo khi sáng nay, bác sĩ bảo em không nên trì hoãn thêm nữa việc mang thai, cơ thể em có dấu hiệu sẽ mãn kinh sớm.

Anh ạ, về thôi. Đừng để em một mình với những buổi chiều chỉ được nghe giọng người thương từ miền đất xa xôi, nắng đã cuối ngày.

Ngàn chiêu giữ mẹ già ở phố

Không muốn mẹ một mình sống thui thủi ở quê, chị Huyền tìm mọi cách để mẹ ra Hà Nội. Nhưng mẹ chị vẫn không chịu rời khỏi quê hương.

Mẹ chị Huyền năm nay 70 tuổi. Bố chị mất đã 10 năm. Anh chị em chị Huyền đều sinh sống lập nghiệp ở xa, không ai muốn để mẹ sống một mình nhưng không hiểu thế nào cụ cứ ra thành phố được ít ngày với con rồi lại quay về quê. Con cái hay ai đó đề cập đến chuyện này, cụ đều gạt đi và nói: “Mẹ thích sống ở quê hơn”.

Đàn ông có lúc thích một mình

Tiếc là không phải người vợ nào cũng hiểu điều đó, cứ tưởng chồng muốn xa lánh mình hoặc không yêu, không quan tâm đến mình nữa.

Khi chúng ta quyết định kết hôn là đồng nghĩa với việc tự nguyện chung sống với ai đó suốt phần đời còn lại của mình. Nhưng, như thế không có nghĩa là lúc nào cũng phải bên nhau.

Nếu cả hai vợ chồng đều hiểu được nhu cầu cần có những giây phút ở một mình, chắc chắn họ sẽ không có cảm giác bị tổn thương khi người kia từ chối tiếp xúc. Một người đàn ông tâm sự: “Có khi về đến nhà sau những cuộc họp tranh luận căng thẳng ở cơ quan, tôi khao khát có được một khoảng thời gian và không gian riêng cho mình. Chỉ một chút thôi cũng đủ làm tiêu tan những căng thẳng trong ngày, sau đó chắc chắn tôi sẽ cư xử dịu dàng hơn với vợ”.

Các nhà tâm lý cho rằng, nhu cầu được có một khoảng thời gian cho riêng mình là nhu cầu có thật của đàn ông nói riêng và con người nói chung; nhất là khi họ trở về nhà sau một ngày vật lộn với bao nhiêu vụ việc đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nếu vừa về đến nhà, đàn ông đã phải làm ngay một việc gì đó hoặc phải nói chuyện ngay, họ sẽ mang cả tâm trạng bực dọc đó vào lời nói của mình, vô tình làm cho quan hệ vợ chồng xấu đi.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Đàn ông có gia đình luôn chuyển động trong khát vọng chung sống với nhau và cả ý thích được tách ra một mình. Trong những khoảnh khắc nghỉ ngơi một mình đó, người ta thường cảm thấy tinh thần sung mãn, sức mạnh tràn trề, giống như được hồi sinh từ những mệt mỏi để có thể tiếp tục cuộc chiến đấu mới. Nhà tâm lý học người Đức, Spielberg cho rằng: “Kết hôn là chúng ta đã lựa chọn cuộc sống chung với một người khác, nhưng nếu hiến dâng tất cả cho cái chung đó thì vô tình phủ định chính mình. Cho nên, nếu người vợ yêu cầu chồng lúc nào cũng phải cặp kè bên nhau thì chẳng những đã xâm hại đến quyền tự do của họ mà còn ngăn cản sự hoàn thiện cá nhân họ nữa”.

Có hai con đường hoàn thiện bản thân:

Một là, sống chung và chịu ảnh hưởng của người khác.

Hai là, tách ra và tự hoàn thiện chính mình.

Spielberg khuyên: “Trong một số thời khắc nào đó của cuộc đời, bạn nên có những giây phút tĩnh lặng, cắt hết mọi quan hệ với người khác. Ngay trong cuộc sống gia đình hàng ngày, nếu lúc nào vợ chồng cũng cặp kè bên nhau sẽ làm cho hai bên phủ nhận nhu cầu tâm lý của nhau. Tách rời nhau ra, họ có cơ hội thăm dò chính mình, phát hiện giá trị bản thân. Nếu bạn không có thời gian đó, bạn sẽ không bao giờ hiểu được chính bạn”.

Vợ chồng giáo sư tâm lý học Richars White đã thử dùng phương pháp tạo ra những khoảng thời gian ở một mình một cách độc đáo. Vì công việc của giáo sư phần lớn làm ở nhà và liên quan đến những lý luận trừu tượng nên ông có nhu cầu tư duy một mình. Ông quy định khi nào đang suy nghĩ một vấn đề không muốn bị vợ làm gián đoạn, ông sẽ đội lên đầu một chiếc mũ nồi đen. Đó là tín hiệu: “Tôi đang suy nghĩ, lúc này hãy để tôi yên”. Vợ giáo sư cũng phát tín hiệu muốn ở một mình bằng cách quàng cái khăn màu tím. Nhờ cách đó, hai ông bà không bao giờ làm phiền nhau, luôn tôn trọng nhau và đã sống với nhau rất dễ chịu.

Vợ chồng anh Hưng, sống ở khu bờ hồ Tây Hà Nội. Cả hai đều thích tập thể dục vào buổi sáng nhưng anh Hưng thích đạp xe quanh hồ, trong khi chị Quyên - vợ anh, lại thích đi bộ. Lúc đầu chị phản đối việc chồng đạp xe, để chị đi bộ một mình. Sau anh phải nói thật là đạp xe một mình có cái thú của nó. Có lúc anh dừng xe bên ghế đá, ngồi ngắm mặt trời lên. Có lúc thả hồn phiêu du cho xe từ từ lăn bánh. Cuộc thể dục trở thành liệu pháp thư giãn tâm hồn. Chị Quyên cũng tìm được mấy người bạn gái đi cùng, vừa thể dục vừa trò chuyện vui vẻ. Hai người trở về ăn sáng cùng nhau, có bao nhiêu chuyện để nói. Thế mới biết, tách nhau ra một lúc không thiệt hại gì mà còn khiến cho cả hai cùng hài lòng.

Theo các nghiên cứu tâm lý hôn nhân, khi người đàn ông cần khoảng thời gian tách rời vợ, ngay cả sự quan tâm săn sóc chân tình cũng không có tác dụng gì mà trái lại, có thể làm cho nhau khó chịu. Nếu bạn ngại nói: “Xin đừng quấy rầy tôi” vì sợ làm tổn thương người bạn đời thì có thể quy định một tín hiệu phi ngôn ngữ. Người vợ nhạy cảm là người chỉ cần lướt qua ánh mắt chồng đã biết lúc nào anh ta không muốn nói chuyện, lúc nào có nhu cầu chia sẻ, gần gũi. Đến mức ấy mới là vợ chồng thực sự hiểu nhau và rất dễ sống bên nhau. Ở một mình không nhất thiết là phải mỗi người một phòng. Thực ra, vợ chồng cùng trong căn phòng nhưng nếu tôn trọng nhau vẫn có thể không làm phiền nhau. Có những người đàn ông hay bỏ đi ra khỏi nhà, đến một nơi nào đó, chẳng phải họ giận vợ hay muốn đi tìm “của lạ” mà có khi chỉ vì nhu cầu muốn ở một mình một lúc. Nếu chúng ta hiểu đó là nhu cầu cần thiết và chính đáng của mỗi người, chúng ta sẽ không cảm thấy bị xúc phạm khi người kia từ chối thân mật. Sự “xa cách” trong khoảnh khắc như vậy không bao giờ làm tình yêu suy giảm mà giống như những liều thuốc “tăng lực” làm cho tình cảm mặn nồng hơn.

Tôi biết có những anh, vợ đi đâu một ngày là tranh thủ gọi điện rủ bạn đến nhà chơi. Họ thích ngồi uống cà phê, nghe nhạc, xem phim cùng bạn bè hoặc đọc cho nhau nghe bài thơ mới làm, những thứ mà vợ chưa chắc đã thích, nhất là thơ tình thì thế nào chẳng có “em - anh”, vợ nghe thấy lại khó chịu hoặc làm cụt hứng. Tiếc là không phải người vợ nào cũng hiểu điều đó, cứ tưởng chồng muốn xa lánh mình hoặc không yêu, không quan tâm đến mình nữa, nên giận dỗi, nghi ngờ, ghen tuông vô cớ.

Điều trớ trêu là, đôi khi vào thời điểm mà sự thân mật giữa hai người đạt đến đỉnh cao thì trong người đàn ông, tiếng gọi độc lập lại vang lên. Điều này có khi làm chị em bối rối, chẳng hiểu mình đã làm gì khiến người-đàn-ông-của-mình lảng tránh. Họ đâu biết rằng chính anh ta cũng không chủ ý làm vậy. Nếu người vợ hiểu điều đó và chủ động tạo ra khoảng cách cần thiết, đồng thời dành thời gian cho riêng mình để đi mua sắm, đi làm đẹp, trò chuyện với bạn gái mà không cần có chồng đi kèm. Thế là sợi dây tình cảm của chồng được co vào, dãn ra nhịp nhàng. Tự nhiên, họ thấy chồng tươi tỉnh hơn, gắn bó với vợ hơn và nói chung là anh ta trở nên đáng yêu hơn nhiều.

Đọc nhiều nhất

Tin mới