Tiếng kêu thất thanh, ám ảnh
Sau 3 ngày xảy ra vụ lở đất kinh hoàng, vùi lấp cả gia đình anh Sa Văn Ánh (36 tuổi), thôn Bảo Tân (xã Minh Bảo, TP Yên Bái) vẫn bao trùm cảnh tang thương. Cán bộ thôn, người dân nơi đây vẫn ghé qua ngôi nhà hương khói, cầu mong cho cả gia đình anh Ánh được siêu thoát.
Ngôi nhà của anh Sa Văn Ánh vẫn có hàng xóm qua lại hương khói. |
Khó ai có thể tưởng tượng được ngôi nhà của anh Ánh nằm cách chân đồi cả trăm mét, mà mưa lớn đã làm sạt nửa quả đồi vùi lấp ngôi nhà tràn lấp đường thôn. Ngôi nhà cấp 4 của anh Ánh bị vùi một nửa, phần còn lại vẫn chỏng chơ chăn đệm, áo quần, đồ dùng sinh hoạt, xen lẫn cây cối. Nơi chính quyền địa phương tổ chức hương khói cho 4 nạn nhân vẫn còn sót lại đồ chơi trẻ em… Nhìn cảnh này ai nấy đều đau buồn, xót xa.
Bà Phạm Thị Thời đau buồn kể lại, ngày 9/9, TP Yên Bái mưa trắng trời. “Rạng sáng 10/9, tôi nghe tiếng rầm rầm phía sau nhà, khi mở cửa ra xem, thấy nhà hàng xóm bị đất đá vùi lấp, cùng với đó là những tiếng kêu thất thanh của mọi người hô hoán “sạt đất vùi lấp cả nhà thằng Ánh rồi!”.
“Lúc đó, chân tôi quỵ xuống. Tôi xem vợ chồng nó như con cháu trong nhà. Hai vợ chồng Ánh một người quê Sơn La, một người quê huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) về đây lập nghiệp. Chồng làm công nhân cho một doanh nghiệp viễn thông, vợ là giáo viên dạy mầm non. Hai đứa sống chan hòa với hàng xóm, gặp mọi người đều lễ phép chào hỏi, nên cả xóm ai cũng thương yêu”, bà Thời chia sẻ.
Bà Thời cho biết, các con của bà đều lập gia đình ra ở riêng, một mình bà sống ở đây, nên bà cháu lúc nào cũng sum vầy, sớm tối có nhau. Cả gia đình anh Ánh ra đi đột ngột, bà Thời rất đau xót, hằng ngày bà vẫn nấu mỳ hoặc bát cơm trắng, quả trứng sang hương khói.
Khi xảy ra chuyện, người dân cả thôn đã đến đây để cứu nạn. Mọi người phá cửa, đào đất vào giải cứu. Một hồi lâu mới tìm thấy cả nhà anh Ánh đang nằm trong đống đổ nát. Ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng thôn Bảo Tân kể, ông đã không thể cầm được nước mắt khi nhìn cảnh tượng cả nhà Ánh nằm dưới lớp bùn, hai đứa trẻ vẫn nằm trong vòng tay bố mẹ. “Khi tôi vào bế các cháu ra, Ánh vẫn đang ôm đứa con đầu, còn vợ nó ôm đứa sau mới 3 tháng tuổi. Thật đau đớn, tôi thấy chúng như đang ngon giấc, chứ không phải ra đi mãi mãi. Hình ảnh này làm cho tôi ám ảnh và không biết đến bao giờ mới phai mờ”, ông Chiến chia sẻ.
Theo UBND tỉnh Yên Bái, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ ngày 5 - 11/9, các khu vực trong tỉnh Yên Bái có mưa rất to. Trên sông Hồng đoạn qua Yên Bái, mực nước cao nhất 35,7m (trên mức lũ lịch sử năm 1968 là 34,4m), đã làm cho 15/15 phường, xã bị ngập, trong đó có 8 xã, phường bị ngập hoàn toàn. Toàn tỉnh có 2.700 điểm sạt lở đất. Đặc biệt, đã xảy ra sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng tại xã Tân Phượng, huyện Lục Yên gây chết 9 người. Đến nay, 50 người ở Yên Bái đã chết và mất tích, 30 người bị thương do mưa lũ.
Bới bùn đất
Trời ngớt mưa, nhiều người dân thôn Trực Bình (xã Minh Bảo, TP. Yên Bái) lại lội bùn trở lại ngôi nhà bị đất vùi lấp, cố nhặt nhạnh những gì sót trong đống bùn đặc quánh. Anh Phạm Minh Vượng (40 tuổi) cùng vợ đang tìm kiếm bát đũa, quần áo bị vùi lấp dưới đống đất dày vài mét. Anh Vượng cho biết, sau trận mưa lớn, tối 10/9, khi đang ngồi xem tivi, anh nghe những tiếng nổ lớn phía sau nhà. Biết chuyện chẳng lành, anh kéo vợ và 2 con chạy thục mạng ra khỏi nhà.
Khi chạy ra khỏi cổng nhà thì phía sau lưng là một vạt đồi ập xuống vùi lấp phần lớn căn nhà. Bùn đất phun ra từ cửa chính lấp 200m2 sân, làm đổ cả cổng chính được xây chắc chắn. “Tôi đã 3 lần bị núi sạt lở vùi lấp nhà ở, nên khi có tiếng nổ lớn, tôi biết sắp sạt lở lớn, nên vội kéo vợ con chạy càng nhanh, càng xa ngôi nhà càng tốt”, anh Vượng cho hay.
Đồ chơi của các cháu còn sót lại. |
Vừa bới bùn nhặt chiếc nồi cơm điện trong bùn đất, chị Nguyễn Thị Chinh, vợ anh Vượng, chia sẻ, đất đã vùi lấp tất cả, vợ chồng, con cái phải về nhà bà ngoại tá túc. Hằng ngày, hai vợ chồng quay lại ngôi nhà nhặt nhạnh xem có thứ gì còn lành lặn để tận dụng. “Nhặt được thứ đồ nào quý thứ đó, tất cả tiền bạc, tài sản đều bị vùi lấp. Không biết cuộc sống của gia đình tôi ngày mai sẽ ra sao”, chị Chinh buồn rầu nói.
Tại con phố Hồng Hà, TP. Yên Bái, một lớp bùn dày quá đầu gối đỏ ngầu trộn lẫn với rác và vật dụng của người dân. Sau khi nước rút, người dân ở đây đào bới lớp bùn mong tìm kiếm những tài sản còn sót lại để duy trì cuộc sống.
Đang loay hoay bới đất tìm vật dụng trước nhà, nghe tiếng thông báo đi lấy cơm từ thiện, bà Hoàng Thị Nhung vội lau đôi tay bám đầy bùn đất lên tà áo, nói: “Tôi đi xin suất cơm từ thiện ăn cho đỡ đói, rồi về tìm tiếp”.