Trong những ngày gần đây, liên lục xảy ra những vụ tai nạn thảm khốc mà số người thương vong vô cùng lớn. Gần đây nhất là vụ tai nạn làm 8 người chết, 8 người khác bị thương tại xã Kim Lương (huyện Kim Thành, Hải Dương) vào chiều chiều 21/1.
Cách đó chưa lâu, vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Long An khi xe container đâm vào hàng loạt người đi xe máy chờ đèn đỏ cũng cướp đi sinh mạng của 4 người và làm 18 người khác bị thương. Cả hai vụ tai nạn này đều do những “con nghiện” cầm vô lăng khi tham gia giao thông.
Tai nạn giao thông luôn là nỗi ám ảnh của mọi người, để lại nhiều hệ lụy đau lòng cho nhiều gia đình và cả xã hội. Nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông sẽ ngày càng lớn nếu không có các giải pháp mạnh để ngăn chặn việc “con nghiện” cầm vô lăng.
Hai vụ tai nạn ở Long An và Hải Dương cướp đi sinh mạng của hơn chục người đều do những “con nghiện” cầm lái khi tham gia giao thông. |
Sau những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, mới đây, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) bước đầu cũng đã có những động thái tích cực để hạn chế tài xế uống bia rượu và sử dụng ma túy khi tham gia giao thông. Cụ thể, từ 14/1 đến 20/2, lực lượng CSGT sẽ mở 3 đợt tổng kiểm tra ôtô khách và xe tải các loại để kiểm tra, cảnh sát sử dụng nghiệp vụ để phát hiện, xử lý tài xế có nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chở quá số người, vận chuyển hàng cấm...
Chúng ta cũng đã có rất nhiều các quy định và có cả Luật Giao thông đường bộ quy định cụ thể về từng trường hợp vi phạm và có chế tài xử lý. Nhưng hàng ngày, hàng giờ chúng ta lại phải chứng kiến những cái chết bất ngờ, đau lòng do những người vi phạm giao thông gây ra.
Theo Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2018, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 18.232 vụ tai nạn giao thông làm 8.125 người chết, 5.124 người bị thương và 9.070 người bị thương nhẹ.
Như vậy, tính trung bình mỗi ngày có 22 người ra khỏi nhà và không bao giờ trở về. Điều đó cũng có nghĩa từng ấy gia đình mất người thân hoặc trụ cột gia đình, cũng như hàng chục ngàn, thậm chí đến hàng trăm ngàn đứa trẻ mồ côi cha, mẹ.
Vì sao Luật, Nghị định, Thông tư đều đã có, nhưng tai nạn giao thông vẫn không giảm và ngày càng nghiêm trọng? Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do chủ thể là con người. Đó là ý thức của người tham gia giao thông và của cả những người thực thi pháp luật về xử lý vi phạm gia thông.
Người tham gia giao thông cơ bản ý thức vẫn còn hạn chế, nhiều người không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông. Chuyện phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường, lấn làn, chở quá quy định, sử dụng rượu bia, thậm chí ma túy… là chuyện thường xuyên xảy ra, có khi diễn ra ngay trước mặt Cảnh sát giao thông.
Việc xử lý vi phạm giao thông nhiều chỗ, nhiều nơi còn theo kiểu “ra quân”, làm lấy lệ, theo phong trào mà không thường xuyên, liên tục cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người tham gia giao thông “nhờn” luật. Cùng với đó, việc xử phạt còn theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, “quen biết cho qua” hay “làm luật” cũng làm cho tình trạng vi phạm giao thông ngày càng trầm trọng…
Để hạn chế các bất cập này, cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định và luật Giao thông đường bộ, những quy định nào chưa đủ mạnh, không còn phù hợp với tình hình hiện nay có thể sửa đổi để đủ sức răn đe với người vi phạm cũng như tất cả những người tham gia giao thông. Những việc này cần phải làm kịp thời mới mong hạn chế những cái chết oan uổng, đau lòng do vi phạm giao thông gây ra.
Cùng với việc đào tạo về đạo đức, pháp luật cho tài xế, cần phải coi việc khám sức khỏe định kỳ cho họ theo tuần, tháng, năm là bắt buộc, để hạn chế những người không đủ những tiêu chuẩn tham gia giao thông, gây ra hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng.
Đối với những lái xe trong cơ thể có chất ma túy, phải có chế tài mạnh, tịch thu bằng lái hoặc cấm họ lái xe vĩnh viễn. Và đây cũng chỉ là giải pháp “phần ngọn” nếu như không đồng thời thực hiện việc xử lý chủ xe, chủ doanh nghiệp. Vì chính chủ xe, chủ doanh nghiệp là người tuyển chọn, sử dụng tài xế, phải có trách nhiệm chính trong việc vi phạm của lái xe.
Nếu ngay từ đầu, các doanh nghiệp vận tải làm tốt khâu tuyển dụng và thực hiện tốt việc giám sát, thường xuyên kiểm tra sức khỏe, đạo đức, kỹ năng của tài xế thì chắc chắn sẽ không có những vụ tai nạn đau lòng do tài xế uống rượu bia, nghiện ma túy gây ra như vừa qua.
Vì thế, để ngăn chặn ngay từ đầu hậu quả đau lòng, khi phát hiện tài xế trong cơ thể có chất ma túy, ngoài việc xử lý tài xế, cần xử phạt nặng doanh nghiệp vận tải về việc sử dụng lái xe nghiện ma túy, thậm chí có thể truy tố trước pháp luật hoặc rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi mà việc này được làm nghiêm túc thì các doanh nghiệp vận tải khác sẽ “không dám” và “dám cũng không được” khi sử dụng tài xế là những “con nghiện”.
Đừng để sự nỗi ám ảnh về những cái chết oan ức ngày càng trở nên nặng nề. Đừng để nỗi đau tang tóc, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng xuống đôi vai nhỏ bé của những đứa trẻ mất cha, mất mẹ vì tai nạn giao thông.
Chúng ta hãy chung tay hành động. Từ việc sửa đổi, bổ sung các quy định đã không còn phù hợp, chưa đủ sức răn đe đến việc hãy là những người có ý thức khi tham gia giao thông.
Suy cho cùng, mọi quy định, hành động cũng do con người và phục vụ con người.