Dù đã mấy ngày trôi qua kể từ khi lái xe container điên loạn tông vào hàng loạt xe máy đang dừng đèn đỏ ở Bến Lức, Long An, dư luận vẫn không khỏi bàng hoàng, rùng mình xót xa. Chỉ trong 1 tích tắc và chỉ vì sự tắc trách của 1 người mà hàng loạt người gánh nạn: 4 người ra đi mãi mãi, 18 người quằn quại trong đớn đau.
Dẫu vậy, điều khiến dư luận bức xúc hơn là kết quả xét nghiệm cho thấy tài xế điều khiển xe container dương tính với ma túy, đồng thời có nồng độ cồn cao.
Hiện trường vụ tai nạn ở Bến Lức, Long An. |
Nhưng xót xa hơn nữa, khi có thông tin cho rằng không chỉ có tài xế Hiếu dương tính với ma túy, rất nhiều lái xe cũng trong tình trạng tương tự. Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), cho hay: "Theo khảo sát khoảng 6 năm trước thì có hơn 30% tài xế xe container (bằng lái FC) dương tính với ma túy, đây là con số nhức nhối nhưng nhiều năm qua ngành giao thông dường như bất lực. Có người cho rằng lái xe siêu trường siêu trọng đi đường dài, tài xế phải sử dụng ma túy mới đủ sức "cày", có tài xế lên cơn nghiện phóng bạt mạng đến chỗ mua ma túy".
Sống chung với một người nghiện đã đáng sợ, để cho một người nghiện lái xe thì thật là không thể tưởng tượng nổi.
Câu hỏi đặt ra là tại sao những người nghiện như vậy vẫn ung dung được hành nghề lái xe, đánh cược tính mạng của biết bao con người khi mà ngành giao thông vận tải đã có quy định về việc giám sát sức khỏe tài xế?
Theo quy định, cứ 6 tháng một lần tài xế xe vận tải hàng hóa phải kiểm tra sức khỏe và đảm bảo yêu cầu không được dương tính với ma túy, không được sử dụng các thuốc điều trị làm ảnh hưởng tới khả năng thức tỉnh, chất gây ảo giác...
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng bị xử phạt nếu không kiểm tra sức khỏe tài xế theo quy định.
Quy định là vậy mà tại sao người nghiện vẫn nhởn nhơ hành nghề lái xe?
Chia sẻ về vấn đề này trên báo Thanh Niên, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Đà Nẵng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Bình Vinh cho hay, đối với quy định pháp luật về nghề nghiệp, tài xế phải kiểm tra sức khỏe 6 tháng/lần. Tuy nhiên, giới tài xế đối phó bằng cách nộp mẫu nước tiểu của người khác nên chủ doanh nghiệp cần chú ý, quan tâm đến tài xế, có phương án chống tráo mẫu.
Đúng là có bao nhiêu luật, quy định thì cũng có bấy nhiêu cách lách luật, né quy định. Để không lọt các tài xế nghiện vào đội ngũ lái xe của các công ty vận tải, ngoài việc áp chế tài chặt chẽ nhằm đảm bảo các công ty sử dụng lái xe không dung túng cho những kẻ nghiện cầm vô lăng, nên có nhiều biện pháp để giám sát chặt chẽ việc khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe.
Việc khám sức khỏe cho lái xe cũng không nên để riêng các công ty vận tải triển khai mà cần có sự thẩm định chặt chẽ cũng như chịu trách nhiệm của các đơn vị độc lập như công an hay 1 tổ chức riêng rẽ. Có như vậy mới mong không làm lọt những người dương tính với ma túy vào đội ngũ lái xe, để không chỉ đến khi xảy ra những vụ việc với hậu quả khủng khiếp rồi cơ quan chức năng mới phát hiện tài xế “có vấn đề”.
Sau vụ tai nạn thảm khốc ở Bến Lức, rồi có thể sẽ có những đợt ra quân tổ chức khám, kiểm tra ma túy trong nước tiểu của tất cả các tài xế. Kịch bản này hoàn toàn có thể đoán được vì điều này đã từng lặp lại rất nhiều lần. Bao vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, người dân thiệt mạng rồi, lúc đó các lực lượng chức năng mới tăng cường tuần tra, xử phạt những sai phạm.
Tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” là thực tế đang diễn ra với ngành giao thông vận tải, một ngành gắn liền với sinh mạng của hàng triệu người dân hàng ngày, hàng giờ.
Giờ, hẳn nhiều người bất bình gọi hành vi của Phạm Thành Hiếu là tội ác. Còn với tôi, không chỉ người tài xế này mà việc để lọt người nghiện ma túy vào đội ngũ tài xế của những người, những đơn vị thẩm định sức khỏe tài xế, cũng là tội ác. Một tội ác không thể lý giải.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả