Liên quan tới tình huống cụ thể khi kiểm tra nồng độ cồn qua hơi thở bằng thiết bị của lực lượng Cảnh sát giao thông, WHO nhấn mạnh một số điểm như: “Cảnh sát giao thông nên đeo khẩu trang y tế, và được trang bị dung dịch rửa tay khô có cồn. Bố trí để đảm bảo thiết bị kiểm tra nồng độ cồn được cầm và sử dụng bởi riêng 1 cảnh sát giao thông trong mỗi ca làm việc (để tránh lây chéo). Tiến hành sát khuẩn thiết bị trước, trong và sau ca làm việc bằng dung dịch có cồn. Chỉ sử dụng riêng 1 ống thổi mới, chưa qua sử dụng cho mỗi người được kiểm tra. Các ống thổi đã được sử dụng cần được thu gom và xử lý phù hợp”.
Trước đó, trong văn bản báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và văn bản phúc đáp gửi UBATGTQG, Bộ Y tế cũng đã đồng ý việc tiếp tục thực hiện kiểm tra, xử lý nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tuy nhiên việc thực hiện phải thực hiện theo đúng quy trình như:
Dùng riêng ống thổi cho từng người, sát khuẩn thiết bị đo, lực lượng làm nhiệm vụ tuân thủ đúng quy trình thao tác và người dân tuân thủ hướng dẫn của CSGT thì sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
CSGT khi làm nhiệm vụ cần áp dụng các biện pháp bảo hộ cá nhân và tuân thủ theo hướng dẫn khuyến cáo của ngành Y tế về phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm an toàn, giảm đến mức thấp nhất nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm nói chung và nCoV nói riêng cho bản thân và người dân.
Căn cứ vào tình hình thực tế của dịch, Bộ Công an cần báo cáo, xem xét, quyết định phương án thích hợp cho việc kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở với người tham gia giao thông để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật. Đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng, chống dịch bệnh. Người dân sử dụng ống thổi riêng đã được tiệt trùng.
Nguồn: Đài Truyền Hình Nhân Dân.