Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người một trong số 3 nhà lãnh đạo hàng đầu (bao gồm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng) của cuộc cách mạng giải phóng đất nước, đã cùng Đảng, lực lượng Việt Minh… chiến đấu chống lại thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ để giành lấy độc lập, tự do, hòa bình cho dân tộc Việt Nam. Với các học giả quân sự trên toàn thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những chỉ huy chiến tranh du kích cách mạng hiện đại hàng đầu trong thế kỷ XX.
Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và thực dân Pháp của dân tộc. Đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ, ghi một trang vàng chói lọi trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là người trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng trong đó nổi bật là: Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, Chiến dịch Mậu Thân 1968, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau khi đất nước thống nhất, non sơn thu về một mối, tướng Giáp được giao trọng trách làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng (đến năm 1980), Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981 - 1991).
Nhà báo ảnh Mỹ Catherine Karnow không thể nào quên những câu chuyện được Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể. |
Đặc biệt, Huffington Post còn đăng tải bài viết xúc động, ý nghĩa của nhà báo ảnh Mỹ Catherine Karnow khi cô có dịp gặp gỡ và trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Khi có dịp “diện kiến” vị tướng tài ba của Việt Nam, cô Karnow đã hiểu thêm về con người mà Pháp từng gọi là “núi lửa phủ tuyết”. Ấn tượng ban đầu của cô về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hình ảnh người anh hùng trung kiên có mái tóc bạc phơ.
Cha của nhà báo Karnow là nhà lịch sử về chiến tranh Việt Nam Stanley Karnow cũng từng có dịp phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho tờ New York Times năm 1990. Vài tháng sau, cô Karnow cũng đến Việt Nam để thăm gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau đó, năm 1994, Karnow lại sang Việt Nam để thăm nhà Đại tướng lần thứ hai. Cô đã chụp ảnh và ăn cơm cùng với gia đình. Khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghé vào tai Karnow và mời cô đến chiến trường Điện Biên Phủ, thăm chiến trường hào hùng của Việt Nam. Vị đại tướng cũng dặn cô là không được nói điều đó với ai và chuyến đi sẽ bắt đầu vào ngày 1/5.
Vào thời điểm đó, phóng viên các cơ quan báo chí trong nước tác nghiệp ở Hà Nội vô cùng quân tâm, tìm hiểu thông tin liệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thăm lại chiến trường xưa nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ hay không.
Đến ngày 1/5/1994, cô Karnow đến Điện Biên Phủ theo lời mời của đại tướng. Khi đến nơi, cô vô cùng ngac nhiên khi nhìn thấy một nhà khách lớn trên đỉnh đồi và các trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng bên hiên nhà. Đoàn của Đại tướng sẽ đến thăm chiến trường Điện Biên Phủ - một trong những chiến thắng lịch sử lẫy lừng năm châu của Việt Nam vào ngày hôm sau.
Đông đảo người dân đến đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về thăm chiến trường ác liệt năm xưa. Ảnh Catherine Karnow. |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới chiến trường năm xưa bằng một chiếc trực thăng. Trong khi đó, cô Karnow đến địa điểm gặp mặt với Đại tướng để ôn lại chiến thắng hào hùng bằng xe jeep. Chiếc xe jeep chở cô băng qua những đoạn đường ổ gà, đá gập ghềnh trong nhiều tiếng đồng hồ. Khi đó, cô chỉ biết tướng Giáp sẽ đến địa điểm đó vào buổi chiều, khá trùng với thời gian đến địa điểm.
Khi đó, hàng trăm người tập trung tại chiến trường Điện Biên Phủ chờ đợi giây phút Đại tướng xuất hiện tại nơi đó. Khi trực thăng chở Đại tướng đến, tất cả đám đông dân chúng Điện Biên chạy ùa về phía vị chỉ huy quân sự tài ba để thể hiện niềm phấn khởi khi ông đến đây. Sau khi máy bay hạ cánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước xuống và vẫy tay chào đám đông.
Kế đến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mọi người bắt đầu chuyến thăm nơi ẩn náu bí mật năm xưa trong rừng của chiến sĩ cách mạng. Mọi người đều đi trên những tấm gỗ hẹp bắc qua suối để đến địa điểm đó. Mặc dù đã ở tuổi 83 nhưng sức khỏe của đại tướng rất tốt. Vị chỉ huy quân sự tài ba trong hai cuộc chiến ở Việt Nam di chuyển nhanh nhẹn đến nơi mà quân dân cả nước đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp rạng rỡ, phấn khởi khi trở về chiến trường Điện Biên Phủ. |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn mọi người vào trong căn lều nhỏ. Đây là nơi Đại tướng đã lập kế hoạch tác chiến trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, đem lại chiến thắng vẻ vang trong lịch sử đấu tranh dân tộc. Trong khoảnh khắc xúc động, thiêng liêng đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ: “Điều đáng tiếc duy nhất với tôi lúc này là các tướng đồng hành với tôi ngày ấy không còn nữa hoặc không ở đây”.
Chuyến thăm chiến trường Điện Biên Phủ và khoảng thời gian ở trong lều nhỏ giữa rừng miền bắc Việt Nam đã để lại những trải nghiệm thú vị, ký ức không thể nào quên đối với Karnow.
"Tôi vinh dự chứng kiến một huyền thoại sống chia sẻ những kỷ niệm góp phần làm nên lịch sử dân tộc. Tôi hiểu thêm về con người mà Pháp từng gọi là “núi lửa phủ tuyết”: Đó là người anh hùng trung kiên có mái tóc bạc phơ", Karnow cho hay.