Bên cạnh hoạt động khẳng định chủ quyền, khai thác, quản lý vùng biển và hải đảo trên biển Đông, các triều đại phong kiến Việt Nam còn thực hiện hoạt động nhân đạo quan việc cứu hộ tàu thuyền nước ngoài bị nạn.
Biển Đông hàng năm phải hứng chịu nhiều cơn bão lớn, chưa kể các hiểm họa khác luôn rình rập người đi biển, đặc biệt tại khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa xưa kia được coi như một bãi đá kéo dài, là nơi mà tàu thuyền qua lại rất sợ hãi bởi những dải đá ngầm có thể đe dọa đến sự an nguy của con thuyền và những đoàn người đi trên đó.
Thuyền bè của người Trung Quốc khi qua biển Đông, đã đúc kết câu cách ngôn hàng hải như sau:
Thượng phạ Thất Châu
Hạ phạ Côn Lôn
Châm mê đà nhất
Nhân thuyền mạc tồn.
Nghĩa là:
Trên thì sợ vũng Thất Châu,
Xuống đàng dưới nữa lại sầu Côn Lôn.
La bàn kim lạc lối mòn,
Thuyền chìm, người mất, có còn gì đâu?
Thất Châu là vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi được coi là có 7 hòn đảo chính nên gọi là Thất Châu, còn Côn Lôn tức vùng biển từ Trường Sa kéo dài đến quần đảo Côn Sơn, xưa được gọi là Côn Lôn dương.
Người phương Tây cũng có nhiều ghi chép về điều này, như trong “Nhật ký chuyến đi quần đảo Paracels” của các giáo sĩ Thiên chúa trên tàu L’Amphitrite đã thuật lại sự kinh hoàng của mình khi đi qua quần đảo Hoàng Sa vào năm 1701 như sau: “Paracels là một quần đảo thuộc vương quốc An Nam. Đó là bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần đã xảy ra các nạn đắm tàu ở đó, nó nằm trải dọc theo bờ biển xứ Cochinchina (Đàng Trong). Tàu L’Amphitrite trong chuyến đi đầu tiên đến Trung Quốc đã suýt nữa thì bị đắm ở đó…. Có chỗ lối đi chỉ có 4,5 sải nước, nếu thoát được nguy hiểm ở đây thì như có một phép lạ…. Bị đắm tàu trên những tảng đá khủng khiếp đó hoặc bị lạc mất không còn tý nguồn dự trữ nào thì hầu như cũng như nhau mà thôi!”.
Một người phương Tây khác tên là M.A.Dubois de Jancigny trong cuốn “Thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật, Đông Dương, Xây Lan” ấn hành năm 1850, có viết: “Quần đảo Paracels (người An Nam gọi là Cát Vàng) là một ma hồn trận thật sự của các đảo nhỏ, các đá và các bãi cát, rất đáng sợ cho các nhà hàng hải và có thể được coi là hoang dã và vô tích sự nhất trong số các điểm của quả địa cầu, đã được người Cochinchina chiếm hữu”…
Trên đây là một số ghi chép của người nước ngoài về sự nguy hiểm khi thực hiện các chuyến hải trình trên biển Đông, đặc biệt là nỗi e sợ những bãi đá ngầm thuộc vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Thế nhưng những trở ngại khó khăn này đã bị người Việt khuất phục và xác lập chủ quyền lâu đời tại vùng biển đảo đó; hơn nữa đối với các tàu thuyền của nước ngoài qua lại vùng biển Đông bị gặp nạn, các triều đại phong kiến Việt Nam còn tổ chức cứu hộ, giúp đỡ họ.
Tranh vẽ thuyền của vương quốc Ryukyu. Nguồn: http://www.japanfocus.org. |
Chính sử có ghi chép về một số trường hợp vào thời Hậu Lê, triều đình giúp đỡ tàu thuyền của người Trung Quốc bị trôi dạt trên biển, cung cấp thực phẩm, nước uống và đưa họ về nước. Một chuyện khá thú vị, tuy sử sách nước ta không ghi chép nhưng trong thư tịch cổ của Nhật Bản là bộ thông sử Reikidai hoan của vương quốc Ryukyu (phiên âm là Lưu Cầu), nay là tỉnh Okinawa có ghi lại sự kiện diễn ra vào tháng 10 năm Chính Đức thứ 4, tức tháng 11 năm 1509. Vua Trung Sơn của vương quốc Ryukyu cử một đoàn sứ giả đông tới 130 người dùng thuyền mang thư và nhiều lễ vật sang nước ta tạ ơn vua Lê đã từng “cứu vớt thuyền bị nạn” của Ryukyu và tạo điều kiện thuận lợi cho thủy thủ đoàn về nước.
Có một sự kiện xảy ra dưới triều Tây Sơn không thể không nhắc đến, đó là vào tháng 4 năm Quý Sửu (1793) đoàn sứ giả nước Hồng Mao Anh Cát Lợi (tức nước Anh) trên đường tới Trung Quốc, khi đi qua biển Đông thì gặp bão, phải ghé thuyền vào cửa biển Đà Nẵng để tìm nước ngọt, mua lương thực, thực phẩm và sửa chữa thuyền.
Vua Cảnh Thịnh nghe tin bèn gửi hai tờ chiếu dụ để an ủi, bày tỏ sự cảm thông cảnh ngộ của những người gặp nạn, thông báo cho họ biết đã ra lệnh cho quần thần cấp lương thực, gạo muối, lại còn gửi quà tặng cho người đứng đầu triều đình Anh Cát Lợi “để tỏ lòng quý mến, thông cảm với khách đường xa”. Đặc biệt hơn, vua Cảnh Thịnh cũng tận dụng cơ hội tuyên bố cho những vị khách đến từ phương Tây xa xôi biết về chủ quyền rộng lớn của nước Việt trên biển Đông, tờ chiếu có đoạn: “Vả lại, bản triều bao trùm cả Nam Hải. Phàm tàu viễn dương các nước muốn đến náu nơi chợ búa vùng này để buôn bán, hoặc vì sóng to mà trôi dạt tới đây, mong được yên ổn, no đủ, trẫm đều lấy lòng nhân mà đối xử, cùng sinh cùng nuôi, con người trong bốn bể như anh em một nhà”.
Thuyền tuần tiễu trên biển của thủy quân nhà Nguyễn. Nguồn: www.vietthuc.org. |
Đến đời vua Minh Mạng triều Nguyễn, đối với các tàu thuyền của nước ngoài qua lại vùng biển Đông bị gặp nạn, nhà vua đã ra lệnh cho thủy quân làm nhiệm vụ cứu hộ, giúp đỡ họ. Vào tháng 6 năm Canh Dần (1830), quan Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng tâu rằng có một thuyền của Pháp bị nạn ở Hoàng Sa, một số thủy thủ dùng bè bơi vào bờ xin cứu giúp. Biết tin, vua Minh Mạng điều động thuyền tuần tiễu mang nước ngọt, lương thực ra biển tìm kiếm những người còn lại và đưa họ vào đất liền.
Theo sách Minh Mạng chính yếu, vào năm Bính Thân (1836) vua Minh Mạng còn ra lệnh cứu giúp một thuyền buôn của nước Anh Cát Lợi (tức nước Anh) gặp bão tại Hoàng Sa, sách chép rằng: “Thuyền buôn nước Anh Cát Lợi gặp gió bão ở vùng đảo Hoàng Sa, tạm ghé vào hải phận tỉnh Bình Định. Trên thuyền có khoảng hơn 90 người. Nhà vua sai quan tỉnh tuyên cáo chỉ dụ của triều đình cho họ nghe, đồng thời mở cuộc phát chẩn. Tất cả số người đó cúi đầu lạy tạ ân, biểu lộ nhiều lời nói và cử chỉ rất cảm kích. Quan tỉnh tâu trình việc đó về triều. Nhà vua nói rằng: “Người Tây Dương vốn có tính cứng đầu, kiêu ngạo. Phải chăng bây giờ họ vừa được mong ơn cứu tuất của ta, cho nên đã hóa được cái tục xấu đó của họ chăng?”. Sau đó vua hạ lệnh cho họ về nước”.
Trên đây chỉ là một vài sự kiện tiêu biểu, nhưng qua đó đã cho thấy từ xa xưa người Việt đã làm chủ trên biển Đông, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc chủ quyền của nước ta, và các triều đại phong kiến luôn quan tâm, chú trọng đến việc kiểm soát, bảo vệ và thực thi các quyền của mình ở những hải đảo đó nói riêng và biển Đông nói chung, mặt khác còn thể hiện tính nhân đạo sâu sắc. Nó là minh chứng hùng hồn, là dữ kiện lịch sử, pháp lý hợp pháp, có sức mạnh to lớn phủ nhận những yêu sách, những hành động sai trái trong mưu đồ xâm chiếm biển Đông, chiếm đoạt các hải đảo của Việt Nam trên vùng biển đó.