Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc Toyota có tiếp tục lắp ráp xe hơi tại Việt Nam hay sẽ ngừng sản xuất và chuyển sang nhập khẩu khi thuế suất nhập khẩu xe cắt giảm về 0% vào năm 2018, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam (TMV) Yoshihisa Maruta cho biết, công ty đang cân nhắc ngưng sản xuất ôtô tại Việt Nam hay nhập khẩu hoàn toàn để hưởng lợi từ lộ trình giảm thuế từ ASEAN.
Toyota Việt Nam cũng như các nhà sản xuất khác đang hy vọng và trông chờ vào những chính sách cụ thể. |
Theo ông Maruta, ngành sản xuất xe hơi rất quan trọng với Việt Nam nhưng khó nhất là lịch sử ngành xe hơi của Việt Nam quá ngắn và hầu như chưa có sự phát triển gì đáng kể, trong đó đặc biệt là sản xuất linh kiện phụ tùng. Chỉ khi các nhà sản xuất tập hợp được các nhà sản xuất linh kiện nội địa thì mới giảm được giá xe. Bên cạnh đó, VAMA, TMV cũng như các nhà sản xuất khác cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự, sắp phải quyết định tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu.
Ông Maruta cũng cho biết, trung bình để sản xuất một mẫu xe thì cần thời gian chuẩn bị 3 năm nên quyết định đưa ra vào thời điểm này sẽ quyết định đến bức tranh chung của thị trường ôtô Việt Nam vào năm 2018. Vì thế, Toyota Việt Nam cũng như các nhà sản xuất khác đang hy vọng và trông chờ vào những chính sách cụ thể để chiến lược tổng thể về phát triển công nghiệp ôtô đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được được Chính phủ thông qua năm ngoái.
"Nếu Chính phủ không có chính sách hỗ trợ cụ thể, dựa trên chiến lược tổng thể về phát triển công nghiệp ôtô đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 được công bố trong năm nay, các doanh nghiệp sẽ chuyển sang nhập khẩu thay vì nhập khẩu linh kiện về lắp ráp. Còn về việc Toyota có tiếp tục sản xuất hay không chúng tôi cần đợi chính sách cụ thể được ban hành dựa trên chiến lược tổng thể đó. Nếu các cơ quan chức năng không có động thái cụ thể thì tất cả các nhà sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn", ông Maruta cho biết thêm.
Vào cuối năm 2014, Bộ Tài chính đã công bố Thông tư số 165/2014/TT-BTC ban hành ngày 14/11/2014 và có hiệu lực từ 1/1/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018.
Theo đó, khoảng hơn 90% trong tổng số gần 10.000 nhóm mặt hàng thuộc diện được áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% từ khu vực ASEAN ngay từ năm 2015. Còn lại 7% nhóm mặt hàng còn lại thuộc diện linh hoạt, được áp dụng mức thuế nhập khẩu giảm có lộ trình xuống 0% vào năm 2018, trong đó có thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc.