Sau khi UBND TP Hà Nội thông báo dừng việc chặt hạ, thay thế cây trên một số tuyến phố, nhiều câu hỏi đưa ra vẫn còn bỏ ngỏ. Một số chuyên gia cho rằng, thông báo này rất cần thiết, nhưng quan trọng là trong tương lai chúng ta sẽ tiếp tục ứng xử như thế nào với cây trên các đường phố.
Bên cạnh đó, một thông tin mà các chuyên gia đưa ra khiến nhiều người không khỏi sốc đó là loại cây sẽ thay thế 6.700 cây bị đốn hạ trong Đề án trước đó của Sở Xây dựng Hà Nội - cây vàng tâm lại là giống cây... không phù hợp với cây đô thị.
Dừng chặt, thay... mới là bước đầu
Ông Nguyễn Nguyên Cương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục & Truyền thông Môi trường cho biết: Việc dừng chặt, hạ, thay thế cây trên một số tuyến phố của Hà Nội là cần thiết, mặc dù đã có nhiều cây bị chặt hạ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu. Vẫn còn rất nhiều việc cần phải bàn tới, trong đó quan trọng là trong tương lai chúng ta sẽ tiếp tục ứng xử như thế nào với cây trên các đường phố.
Cây xanh bị chặt hạ trên phố Hà Nội. |
Theo ông Cương, cái cây cũng giống như con người, cây sâu mục thì cần phải chăm sóc, cây nghiêng đổ thì phải chống đỡ chứ không phải cứ sâu, nghiêng là chặt. Tất nhiên, đối với những cây sâu tàn phá đến mức không thể chữa trị được, cây nghiêng đổ đến mức đe dọa tính mạng người dân thì cũng nên thay thế. Nhưng thay cây cũng cần sự minh bạch và công khai, phải hỏi ý kiến người dân, bởi mỗi cái cây đều gắn bó trực tiếp với đời sống của người dân. Ở Hà Giang, đã có lần người ta muốn chặt 3 cái cây, nhưng khi đem ra hỏi ý kiến của hội đồng nhân dân thì không được thông qua, việc chặt cây đã được phá bỏ. Hà Nội cũng cần phải học tập cách làm này chứ không thể thích chặt là chặt, thích trồng là trồng.
Ngoài ra, khi thay thế, trồng mới cần phải được nghiên cứu một cách cụ thể, cần phải có sự tham vấn của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực này để tránh việc trồng không đúng cây. Ông Nguyễn Nguyên Cương khẳng định: “Không biết khi đưa cây vàng tâm vào trồng, người ta đã tính toán kỹ và có trồng thử nghiệm hay không, nhưng cây vàng tâm là một loại cây mọc chậm, kén đất sống, không phù hợp với cây đô thị”.
Cần quản lý cây đô thị có quy mô, khoa học
Cũng lấy ví dụ về trường hợp của cây vàng tâm để minh chứng cho việc cần phải tìm hiểu kỹ trồng cây gì, trồng như thế nào, KS Nguyễn Ngọc Anh, nguyên cán bộ Viện Điều tra Quy hoạch Rừng cho biết: Có một thực tế là hiện nay người ta hay nhầm lẫn giữa cây dổi, cây mỡ và cây vàng tâm. Nếu đúng là cây vàng tâm thật thì không khả thi. Vàng tâm là cây gỗ quý, có mùi thơm, nhưng mọc chậm, ít cây to và đòi hỏi điều kiện sống khắt khe như đất sâu, dày và đất phải màu mỡ. Vì vậy, dù là cây quý nhưng vàng tâm lại không thuộc nhóm cây đường phố, loại cây đòi hỏi phải có bóng mát, mọc nhanh, tán rộng.
UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp báo chính thức công bố, dừng việc chặt hạ, thay thế cây trên một số tuyến phố. |
Con theo GS.TS Hoàng Hòe, Hội Khoa học Lâm nghiệp, nên đánh giá và quản lý cây đô thị một cách quy mô và khoa học. Ví dụ như ở TP Washington (Mỹ) người ta đưa danh sách cây đô thị vào quản lý trên máy tính để theo dõi tình trạng sức khoẻ của từng cây. Cây nào ở đâu bị sâu bệnh, cần phương pháp xử lý thế nào; cây nào bị sâu đục rỗng; cây nào bị đổ ngã;... tất cả đều được theo dõi và xử lý kịp thời với phương án tối ưu nhất để bảo vệ cây. Nhờ cách yêu cây, chăm sóc coi trọng từng gốc cây như vậy nên cây cối mới có thể phát triển khoẻ mạnh, thậm chí ở trên những cây lớn, chồn, sóc có thể làm tổ và sinh sống.