Bị cáo Nguyễn Cao Trí thừa nhận hành vi phạm tội
Tại tòa, bị cáo Trí thừa nhận hành vi phạm tội của mình và cho rằng gia đình đã nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án hơn 1.000 tỷ đồng (hơn 730 tỷ đồng đã nộp và khoảng 300 tỷ đồng trong các tài khoản đang bị Cơ quan điều tra phong tỏa).
Theo đó, tháng 12/2017, Nguyễn Cao Trí chuyển nhượng 5.464.300 cổ phần, tương ứng 31,22% vốn điều lệ) của Công ty Cổ phần (CTCP) Cao su Công nghiệp Đồng Nai (Công ty này Trí sở hữu) cho Trương Mỹ Lan với giá 45 triệu USD. Lan chuyển cho Trí 21,25 triệu USD, tương ứng hơn 476,8 tỷ đồng. Bị cáo Trí chỉ đạo các cá nhân đứng tên giúp Trí ký hợp đồng ủy thác đầu tư với Hồ Quốc Minh (người môi giới được Trương Mỹ Lan nhờ đứng tên) số cổ phần nêu trên.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa ngày 11/3. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM |
Trong giao dịch mua bán cổ phần của CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (tỉnh Lâm Đồng), do bà Phan Thị Hoa làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Vào ngày 2/12/2020, bà Hoa và Trí thỏa thuận CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh ký hợp đồng bán 100% vốn điều lệ cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Bến Thành Holdings (Công ty con của Tập đoàn Capella). Vào các ngày 28/12/2020, 5/2/2021 và 30/9/2022, Trí sử dụng Công ty Capella Hospitality và Nguyễn Cao Đức (em trai của Trí) trả 2.230 tỷ đồng cho bà Hoa để mua và đứng tên 58% vốn điều lệ CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh. Sau đó, Tríchuyển nhượng cho Trương Mỹ Lan 100% vốn điều lệ CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh giá 3.000 tỷ đồng, Lan đặt cọc cho Trí 1 triệu USD và 127 tỷ đồng.
Ở giao dịch thứ ba, vào giữa năm 2020, CTCP Tập đoàn Bến Thành Holdings được tỉnh Quảng Ninh chấp thuận cho đầu tư dự án tại huyện Hải Hà, Trương Mỹ Lan cũng tham gia mua cổ phần và chuyển cho Trí tổng cộng 9,5 triệu USD, tương ứng hơn 220 tỷ đồng.
Dù giữa 2 bên giao, nhận tiền nhiều lần, nhưng không có giấy tờ biên nhận. Tháng 1/2021, Trí gặp Lan ở TP HCM để chốt các khoản tiền mà Lan đã chuyển cho Trí 1.000 tỷ đồng. Sau đó, Trí chỉ đạo những người đứng tên cổ phần giúp Trí, ký giấy đề nghị chuyển nhượng cổ phần và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho Minh (được Trương Mỹ Lan nhờ đứng tên giúp), tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.
Ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan bị bắt tạm giam, thì ngày 21 và 22/10/2022, Trí chỉ đạo trợ lý soạn hồ sơ điều chỉnh giá và thanh lý hợp đồng chuyển nhượng vốn điều lệ; thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư (các văn bản đều ghi lùi ngày)… đã chuyển nhượng cho Trương Mỹ Lan. Sau đó 1 ngày, Trí gặp Minh tại quán cà phê trong sân bay Tân Sơn Nhất (trước khi Minh đi nước ngoài chữa bệnh) để yêu cầu Minh ký hồ sơ thanh lý hợp đồng đã soạn trước (dù không được Trương Mỹ Lan đồng ý), rồi Trí đưa cho các cá nhân đứng tên giúp ký hoàn thiện thủ tục thanh lý.
Cáo trạng xác định, Nguyễn Cao Trí lợi dụng việc Trương Mỹ Lan đã bắt, nên đã có thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng đã nhận của Trương Mỹ Lan.
Các đồng phạm bị cáo Trương Mỹ Lan khai gì
Trong phần xét hỏi các bị cáo là đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Bị cáo Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB) khai làm việc tại Ngân hàng TMCP Tín Nghĩa từ tháng 5/2009. Sau khi Trương Mỹ Lan thâu tóm 3 ngân hàng và hợp nhất thành SCB, Dũng tiếp tục làm việc tại đây với nhiều vị trí. Sau khi Đinh Văn Thành nghỉ việc và giới thiệu Dũng là người “hiền lành”, “không quậy phá” thì Dũng được Trương Mỹ Lan cho giữ chức Chủ tịch HĐQT SCB từ tháng 12/2020.
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) |
Mặc dù Bùi Anh Dũng biết rõ các khoản vay của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không có thẩm định khách hàng, không thẩm định tài sản bảo đảm, nhưng Dũng vẫn ký hàng trăm tờ trình thẩm định, biên bản họp và được Trương Mỹ Lan cho 500.000 cổ phiếu SCB (tương đương 5 tỷ đồng).
Cụ thể, từ ngày 4/10/2013 - 4/12/2020, theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Dũng ký 254 trình thẩm định, 129 biên bản họp Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư Hội sở, 14 Biên bản họp/Phiếu biểu quyết của HĐQT đồng ý cho 322 khách hàng vay 404 khoản để Trương Mỹ Lan sử dụng sai mục đích. Tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 209.101.052.887.248 đồng (nợ gốc và lãi). Hành vi của Bùi Anh Dũng giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại cho SCB 187.607.411.985.964 đồng.
Từ ngày 12/9/2020 - 22/9/2022, theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Dũng ký 158 biên bản họp/phiếu biểu quyết của HĐQT; 144 quyết định đồng ý cho 143 khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 207 khoản, dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 203.203.552.460.543 đồng (nợ gốc và lãi). Hành vi của Dũng đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 104.259.251.533.389 đồng của SCB, gây thiệt hại cho SCB số nợ lãi phát sinh 26.331.115.549.969 đồng.
Đối với bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng Giám đốc SCB) từ ngày 9/11/2019 - 15/8/2022, đã ký 395 tờ trình tái thẩm định, 395 biên bản họp Hội đồng kinh doanh và đầu tư Hội sở, 144 tờ trình của Tổng giám đốc (thừa ủy quyền tổng giám đốc) trình HĐQT đồng ý cho 394 khách hàng là cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, với 617 khoản vay tại SCB trái quy định.
Dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 356.873.553.430.862 đồng (nợ gốc và lãi), cáo trạng xác định Trần Thị Mỹ Dung đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 200.690.614.418.211 đồng, gây thiệt hại cho SCB số nợ lãi phát sinh 69.023.359.900.940 đồng.
Tại tòa, bị cáo Dung nói: "đã thờ sai chủ, khi bị cáo Trương Mỹ Lan đổ tội cho dàn lãnh đạo chủ chốt tại SCB".