Đi làm về, vừa dắt xe vào trong nhà, anh Dưỡng đã nghe tiếng chị Loan the thé:
- Hai đứa có biết điều thì dọn ngay đồ chơi đi! Nhà cửa bừa bộn thế này à? Muốn ăn đòn hả?
Thấy chồng về, không để anh kịp thay bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi, chị sa sả:
- Còn anh này nữa. Người lớn mà không gương mẫu, làm cái gì cũng phải có người theo dọn. Quần áo thay ra cũng không cho vào máy. Tôi là osin của bố con anh à?
Biết tính vợ hay nói nhiều, anh Dưỡng phải nhận lỗi ngay bằng một câu pha trò:
- Báo cáo sếp, tôi xin nhận thiếu sót và hứa lần sau cứ thế!
- Giời ơi! Lại tha giầy vào nhà rồi! Thế này thì chỉ có sức trâu mới hầu được các người!
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Thấy vợ giẫy nẩy như cháy nhà, anh lặng lẽ đi lau nhà. Vậy mà chị vẫn lôi thêm vài chuyện khác nữa để chấn chỉnh chồng con rồi mới tắt "đài". Đến cơ quan, vừa vào phòng làm việc, chị đã huyên thuyên hết chuyện nọ đến chuyện kia. Có người nói mát:
- Công nhận chị khỏe thật, cứ như cái radio tự động ấy nhỉ!
Chị cười trừ, hôm sau lại đâu vào đấy. Hàng xóm bảo cứ thấy chị là thấy tiếng. Có lần anh mải vui, uống rượu say, về nôn thốc nôn tháo, chị phải dọn. Từ hôm ấy, cứ mỗi lần chồng dắt xe đi làm là chị lại nhắc nhở:
- Anh đi đâu thì đi, đừng say bét nhè như hôm trước, không ai hầu được đâu đấy.
- Biết rồi, khổ lắm nói mãi!
Rồi anh vù đi để thoát sự dạy dỗ của "nội tướng". Mấy cô em chồng ở Thanh Hóa ra chơi, ngồi chưa nóng chỗ, chị đã ta than:
- Đấy, các cô xem, anh các cô đi suốt ngày, không đỡ vợ được việc gì. Hàng tháng, chỉ đưa lương chứ tiền làm thêm chị cũng không biết đồng tiền tròn hay méo. Hôm nào cũng về muộn.
Rồi anh về, chị nói mát:
- Nhờ có các cô mà anh ấy mới về sớm đấy.
Bữa ăn, đang vui vẻ, câu trước câu sau, chị lại xoay quanh chủ đề kể tội chồng con. Anh cố nén để bữa cơm vui vẻ. Mấy đứa trẻ bị khiển trách thì mặt buồn thiu. Còn người lớn thì ăn cũng chẳng ngon. Nghĩ chị dâu không vui vì mình đến làm phiền, sáng sớm hôm sau, mấy cô em chỉ còn biết chọn nước chuồn là hơn. Giận quá, anh nói:
- Cô ăn phải củ ráy hay sao mà nói dai như chão! Nói ít thôi để mồm nó kịp lên da non chứ! Sợ quá!
- Mang thai tôi, mẹ tôi ăn dở củ ráy đấy! Sợ thì tìm con khác!
Thế là hôm nào vợ chồng cùng ở nhà là chị nói kháy, nói móc. Nói cả ngày không chán, lúc đi ngủ cũng lại bật "đài". Anh từng tâm sự với người bạn thân cùng cơ quan:
- Đi làm đã mệt, về nhà lại căng như dây đàn vì vợ luôn giảng thập điều. Cố nhịn cho yên ấm cửa nhà. Lên giường, định "vui vẻ" thì vợ lại cằn nhằn hết chuyện nọ đến chuyện kia. Thế là mất hứng!
Mới rồi, anh được lên lương trước một năm nên khao anh em cùng phòng. Hôm ấy, nửa đêm anh mới về. Vì say nên một đồng nghiệp lái xe chở anh về. Vào nhà, anh nằm vật ra giường nói lảm nhảm:
- Em hát hay lắm! Lại đẹp nữa!
- Đẹp bằng vợ anh không?
- Em là công, vợ anh là cú!
Thế là chị lên cơn điên, dựng cổ anh dậy tra hỏi. Anh say khướt rũ ra như bánh đa nhúng nước. Chị đành thức trắng đêm chờ. Sáng sớm, anh vừa tỉnh dậy, chị bật điện thoại để anh nghe cuộc đối thoại đêm trước. Anh ngơ ngác.
Hôm ấy, cả hai cùng nghỉ làm. Chị khóc mếu kể lể anh là kẻ bội bạc, bất nhân, là kẻ khốn nạn. Khuya, quá mệt mỏi, anh tai câm tai điếc đi nằm, chị lại vào phòng đay nghiến. Không kiềm chế được, anh đánh vợ. Chị khóc lu loa rồi bỏ về nhà bố mẹ đẻ.
Những năm gần đây có câu: "Ra đường sợ nhất công nông/Về nhà sợ nhất vợ không nói gì". Giờ một số ông chồng lại truyền nhau câu ca mới: "Ra đường sợ nhất xế "điên"/Về nhà sợ vợ liên miên dạy đời".
Dưới góc nhìn của phái mạnh, nói dai, nói nhiều ở phụ nữ là một thói xấu. Người nói nhiều thường mang tiếng là lắm điều, là nghiệt ngã nhiều khi dẫn đến những hậu quả khó lường. Nhẹ thì gia đình kém vui. Có anh chồng không chịu được sự nói nhiều của vợ mà tìm đến tình ngoài luồng, khiến gia đình bất hòa, thậm chí là tan đàn xẻ nghé.
Vì nói dai mà có những người vợ bị chồng đánh đập thương tích. Có bạn gái chỉ vì bạn trai đón chậm mà cứ gặp nhau là nhắc lại (mục đích để bạn chừa). Nào ngờ, vì sợ cưới phải cái "loa rè" mà anh người yêu đã xa chạy cao bay. Thế mới thấy thấm thía lời cổ nhân: "Nói dài, nói dai, nói dại". Hay: " Rượu lạt uống lắm cũng say/Người khôn nói lắm, dẫu hay cũng nhàm".