Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN) vừa có giải trình biến động lợi nhuận sau thuế quý 1/2022, tức giảm lỗ so với quý 1/2021.
Cụ thể, trong quý 1/2022, tổng doanh thu của Vietnam Airlines tăng gần 66% nhờ doanh thu vận chuyển nội địa tăng vọt 96%; vận chuyển quốc tế tăng 71%; doanh thu thuê chuyến giảm 21%; thu nhập khác tăng mạnh từ hoạt động thanh lý tàu bay, bán và thuê lại động cơ tàu bay. Trong khi đó, tổng chi phí của Vietnam Airlines vẫn tăng 24% do giá nhiên liệu tăng cao.
Tốc độ tăng doanh thu và thu nhập khác của quý 1/2022 cao hơn so với tốc độ tăng chi phí dẫn đến công ty mẹ giảm lỗ được hơn 1.239,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Vietnam Airlines, mức lỗ quý 1/2022 giảm so với quý 1/2020 chủ yếu do giảm lỗ của công ty mẹ và một số công ty con có quy mô lớn kinh doanh có lãi như là Skypec, Vaeco, Viags...
Biến động lợi nhuận quý 1/2022 so cùng kỳ của HVN |
Vietnam Airlines cho biết, cùng với sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ và các Bộ ngành với quy mô lớn, đồng bộ, HVN đã chủ động triển khai các giải pháp quyết liệt trong điều hành hoạt động kinh doanh để ứng phó và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh; tận dụng sự chia sẻ và hỗ trợ của các đối tác, nhà cung cấp để duy trì hoạt động liên tục.
Việc triển khai hàng loạt các giải pháp như cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ... đã giúp Vietnam Airlines giảm lỗ đáng kể so cùng kỳ.
Vietnam Airlines cho biết tin tưởng hoạt động kinh doanh đã từng bước ổn định và đang chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển trong tương lai.
Dù vậy cũng không thể không lưu ý tới những con số tại thời điểm 31/3/2022 của Vietnam Airlines. Hiện Vietnam Airlines ghi nhận 12.8 ngàn tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó gần 4.7 ngàn tỷ là tiền mặt và khoản đầu tư ngắn hạn. Trong khi đó, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines lên tới 45.7 ngàn tỷ đồng, tức gấp hơn 3 lần tài sản ngắn hạn.
Đáng chú ý hơn, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines đã tới 2,160 tỷ đồng và lỗ lũy kế đã lên tới gần 24.6 ngàn tỷ đồng.
Nếu tình trạng âm vốn chủ sở hữu vẫn kéo dài tới cuối năm 2022, hãng hàng không quốc gia sẽ có nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc. Trước đó, Vietnam Airlines vừa thoát cảnh âm vốn chủ sở hữu nhờ được bơm gần 8,000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu.