Gửi kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ngày 26/9, Vietnam Airlines tiếp tục đề xuất hàng loạt ưu đãi có phần đặc biệt đối với doanh nghiệp này.
Cụ thể, Vietnam Airlines kiến nghị cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu.
Vietnam Airlines cũng kiến nghị Chính phủ cho chủ trương xây dựng gói giải pháp hỗ trợ tiếp theo cho doanh nghiệp này cùng với đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines.
Song song với đó là kiến nghị Chính phủ cho phép hãng hàng không này sớm mở lại đường bay quốc tế đi/đến các quốc gia được coi là an toàn với Covid-19.
Vietnam Airlines xin là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết khi bị âm vốn chủ sở hữu. |
Trước đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã công bố, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ lũy kế lên đến 17.772 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ và lần đầu tiên âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu thuần quý II vẫn tăng 9% lên gần 6.537 tỷ đồng, nhưng các chi phí cố định lớn khiến doanh nghiệp bị lỗ gộp hơn 3.497 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 2.865 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vietnam Airlines đạt gần 14.000 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2020. Lỗ ròng lũy kế 6 tháng đầu năm là hơn 8.421 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 5.143 tỷ đồng.
Theo giải trình của Vietnam Airlines, đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu. Tổng doanh thu và thu nhập khác quý II của công ty mẹ Vietnam Airlines giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu cung cấp dịch vụ giảm 11,3%, doanh thu hoạt động tài chính giảm 72,5% (chủ yếu giảm doanh thu từ đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và lãi chênh lệch tỷ giá).
Ngoài ra, nguyên nhân khác dẫn đến việc giảm lợi nhuận công ty mẹ là lợi nhuận của các công ty con có liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không cũng giảm mạnh như Vaeco, Nasco…
Theo quy định của Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Do đó, nếu không thể sớm tăng vốn điều lệ, cổ phiếu của Vietnam Airlines có thể đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Trong bảng tổng hợp các kiến nghị gửi Thủ tướng, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét, cho phép các hãng hàng không khác vay lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ đồng vay tối đa 3 năm).
Mục đích của việc này là nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng và giúp hãng hàng không giải quyết thanh khoản. Số vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu của từng hãng, căn cứ vào quy mô, thị phần, đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua và khả năng đáp ứng của ngân sách.
Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ phê duyệt gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không như đề xuất từ tháng 11/2020 của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không việt Nam.
Mục đích của kiến nghị này là nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì và duy trì hoạt động trong thời gian chưa đạt miễn dịch cộng đồng.
Hiệp hội này cũng kiến nghị xã hội hóa việc đầu tư xây dựng, khai thác hạ tầng hàng không, thu hút nguồn vốn để đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác cảng hàng không, ưu tiên vốn ngân sách cho các công trình, dự án quan trọng, nâng cao chất lượng phục vụ và giảm giá dịch vụ liên quan đến hạ tầng hàng không.
Bên cạnh đó, hiệp hội cũng kiến nghị nâng cao năng lực điều hành cất hạ cánh ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Nội Bài lên gấp 1,5 lần vào năm 2022 so với hiện nay.