Sau nhiều lần xin trì hoãn, đến nay CTCP Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 với doanh thu thuần suy giảm 37% xuống còn 2.788 tỷ đồng.
Giá vốn chiếm 2.419 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp ở mức gần 370 tỷ đồng, giảm 25% so cùng kỳ. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên ở mức 13,2%, vẫn cao hơn con số 11% của cùng kỳ.
Tuy nhiên do chi phí tài chính kỳ này dội lên tới gần 300 tỷ đồng mà chủ yếu là chi phí lãi vay (cùng kỳ được hoàn nhập 29 tỷ), nên sau khi trừ các loại chi phí, Vietjet lỗ thuần 82 tỷ đồng, còn cùng kỳ vẫn có lãi 262 tỷ đồng.
Sau cùng, Vietjet lỗ ròng gần 102 tỷ đồng quý 4/2021, trong khi cùng kỳ lãi ròng tới 995 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ vẫn lỗ 77 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 4 và năm 2021 của Vietjet |
Lũy kế cả năm 2021, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần còn 12.998 tỷ đồng, giảm gần 29% so năm 2020. Tuy nhiên do kinh doanh dưới giá vốn nên Vietjet lỗ gộp nặng nề tới 1.953 tỷ đồng, nặng hơn cả năm trước đó ở mức 1.412 tỷ đồng.
Nhờ ghi nhận doanh thu tài chính đột biến 3.920 tỷ đồng, gấp 4 lần năm trước. Cộng thêm hoạt động khác ghi lãi gần 9 tỷ nên sau cùng hãng hàng không giá rẻ Vietjet thoát lỗ ngoạn mục năm 2021 khi có lãi 95 tỷ đồng, vẫn tăng 40% so năm 2020. Nhờ đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt mức 11.302 tỷ đồng.
Điều đáng quan ngại là 2021 là năm thứ 3 liên tiếp Vietjet tiếp tục ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm nặng 3.548 tỷ đồng, cao hơn cả năm trước do ảnh hưởng của các khoản phải thu và lãi vay; cộng thêm lưu chuyển từ hoạt động đầu tư âm 3.717 tỷ đồng.
Trong khi đó, Vietjet tăng tiền từ đi vay, giảm trả nợ gốc nên kỳ này lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính ghi dương 6.408 tỷ đồng. Dù vậy, cuối cùng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ vẫn âm 856 tỷ đồng, thấp hơn mức âm 2.434 tỷ của năm trước.
Kinh doanh dưới giá vốn khiến Vietjet lỗ gộp gần 2.000 tỷ đồng năm 2021 |
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của Vietjet tăng thêm 6.588 tỷ lên 51.785 tỷ đồng. Trong đó phải thu ngắn hạn chiếm lớn nhất 46% với 23.770 tỷ đồng. Tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn 2.727 tỷ đồng, giảm 23% so đầu kỳ.
Về phần nguồn vốn, Vietjet có tổng nợ phải trả lên tới 34.910 tỷ đồng, tăng 15% so đầu kỳ. Trong đó vay nợ tài chính ngắn và dài hạn chiếm lần lượt là 7.254 tỷ đồng và 8.206 tỷ đồng.
Theo Vietjet, trong năm 2021, về hoạt động vận chuyển hành khách, Vietjet đã thực hiện gần 42.000 chuyến bay và vận chuyển 5.4 triệu lượt khách. Đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa đạt 2.954 tỷ đồng trong đó doanh thu vận chuyển hàng hóa theo chuyến đạt 2.654 tỷ đồng, Vietjet tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng nhanh, với doanh thu tăng trưởng về hàng hóa tăng mạnh trên 200% so với cùng kỳ.
Trong năm, Vietjet tiếp tục tối ưu chi phí hoạt động theo giờ bay, giảm phí thuê tàu, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ giảm 50% chi phí hạ cất cánh, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay đến hết năm 2022, giảm chi phí cảng và phục vụ mặt đất theo mức tối thiểu theo quy định của Nhà nước hỗ trợ ngành hàng không.
Vietjet tiếp tục thực hiện dự án chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, thúc đẩy sự phát triển của các mảng kinh doanh mới bao gồm dịch vụ vận chuyển hàng hóa và dịch vụ phục vụ mặt đất nhằm đa dạng nguồn doanh thu và tối ưu chi phí, đồng thời triển khai các sản phẩm vé và chương trình khách hàng mới giúp gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, Vietjet cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo huấn luyện phi công, tiếp viên và chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu đi lại gia tăng sau khi các đường bay nội địa và quốc tế hoạt động trở lại trong năm 2022.