Cụ thể, doanh thu thuần 6 tháng ở báo cáo soát xét ghi nhận 7.556 tỷ đồng, giảm nhẹ so mức 7.590 tỷ của báo cáo tự lập.
Ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính lại điều chỉnh tăng gần 20% lên 3.776 tỷ đồng. Đồng nghĩa với chi phí tài chính cũng tăng gần 10% lên 203 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay biến động mạnh.
Đặc biệt, ở báo cáo tự lập, Vietjet ghi nhận lỗ hơn 3 tỷ đồng từ công ty liên kết, song ở báo cáo soát xét chỉ tiêu này không phát sinh.
Cuối cùng, Vietjet báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty đạt 124 tỷ đồng, giảm 4,6% so báo cáo tự lập, nhưng gấp 2,6 lần cùng kỳ 2020.
Kỳ này, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietjet tiếp tục âm nặng 3.698 tỷ đồng chủ yếu do tăng các khoản phải thu (5.445 tỷ). Mặc dù, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương hơn 7 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 2.295 tỷ đồng song cuối cùng doanh nghiệp hàng không này cũng phải ghi nhận lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tiếp tục âm 1.396 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau soát xét của Vietjet suy giảm |
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của Vietjet tăng thêm 4.659 tỷ lên 49.856 tỷ đồng. Trong đó, chiếm nhiều nhất là các khoản phải thu ngắn hạn tới 21.973 tỷ đồng, tiền và đầu tư tài chính 2.281 tỷ đồng...
Chưa kể, ngày 3/8/2021 và 6/9/2021, Vietjet đã huy động 3.000 tỷ đồng thông qua phát hành 30 triệu trái phiếu doanh nghiệp với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.
Tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh về các diễn biến của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của Vietjet.
Theo đó, Tập đoàn đã báo cáo khoản lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh hàng không là 2.882 tỷ đồng cho kỳ 6 tháng kết thúc 30/6/2021 (kỳ 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2020 là 1.455 tỷ dồng).
Giả định về hoạt động liên tục của Vietjet cơ bản phụ thuộc vào khả năng Tập đoàn tạo ra đủ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vận tải hàng không và các giải pháp khác để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.
Những điều kiện này cùng với sự ảnh hưởng của các quy định hạn chế đi lại của các quốc gia và khả năng phục hồi của nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giữa các quốc gia cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng trọng yếu đến khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Dù vậy, Vietjet dự kiến các đường bay quốc nội và quốc tế sẽ được vận hành dần trở lại lần lượt vào quý 4 năm 2021 và cuối quý 1 năm 2022, và thị trường hàng không dự kiến sẽ dần hồi phục vào cuối năm 2022 và đạt tăng trưởng từ năm 2023.
Vietjet cho biết đã và đang tích cực thực hiện một số giải pháp nhằm ứng phó và giảm thiểu tối đa các tác động từ bên ngoài.
Tập đoàn đã thành công trong việc đàm phán với các ngân hàng và một số bên cho thuê tàu bay về nguồn tài chính để cơ cấu lại khoản chi phí thuê và thời gian thanh toán tiền thuê hoạt động tàu bay. Hiện tại Tập đoàn đang tiếp tục thương lượng với các bên cho thuê tàu bay còn lại về các điều khoản trả một phần tiền thuê cũng như gia hạn thời hạn thanh toán trong một khoản thời gian dài hạn hơn cho đến khi ngành hàng không phục hồi.