"Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là đường 9 đoạn, cũng như các yêu sách biển trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong buổi họp báo thường kỳ chiều 25/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trang Tổ chức Khí tượng Thế giới dùng bản đồ có đường lưỡi bò.
Theo bà Hằng, Việt Nam cho rằng mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá và đăng tải những nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông đã được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 là vô giá trị.
Tấm bản đồ in hình đường lưỡi bò phi pháp do Tổ chức Khí tượng Thế giới đăng tải trên Facebook. Ảnh: WMO. |
"Việt Nam yêu cầu các quốc gia, các tổ chức tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển liên quan ở Biển Đông, gỡ bỏ và sửa đổi những nội dung không phù hợp đó", người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói thêm.
Bà Hằng cho biết thêm đại diện phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã trao đổi với đại diện Tổ chức Khí tượng Thế giới về vụ việc này.
Hôm 22/8, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã đăng tải bài viết về khí hậu Trung Quốc, trong đó sử dụng bản đồ đường lưỡi bò gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
WMO là tổ chức liên chính phủ với 193 quốc gia thành viên và vùng lãnh thổ. Được thành lập sau phê chuẩn công ước WMO vào ngày 23/3/1950, WMO trở thành cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc về khí tượng (khí hậu và thời tiết), hoạt động thủy văn và khoa học địa vật lý liên quan một năm sau đó.
Trụ sở chính của WMO là tại Geneva (Thụy Sĩ).