Đây là thông tin được báo Quân đội Nhân dân đăng tải trong bài viết “Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh làm việc với Tổng công ty Ba Son”.
“…Tổng công ty (Ba Son) đã làm chủ công nghệ đóng mới, sửa chữa các tàu quân sự hiện đại. Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của Tổng công ty là đóng loạt 6 tàu tên lửa tấn công nhanh Project Molniya, dự kiến hoàn thành trong năm 2017”, trích dẫn thông tin trong bài viết.
Tàu tên lửa Molniya thứ 3 trong 6 chiếc tàu đang được Ba Son chế tạo. |
Bài viết cũng cho biết, “từ năm 2007 đến nay, Tổng công ty Ba Son đã cử gần 30 đoàn với hơn 200 cán bộ, công nhân viên đi công tác Liên bang Nga để học tập, tiếp thu công nghệ đóng tàu quân sự. Cán bộ, công nhân viên quan hệ, tiếp xúc, làm việc với đối tác, chuyên gia nước ngoài luôn chấp hành nghiêm các quy chế, quy định về công tác đối ngoại quân sự. Theo Đại tá Phạm Ngọc Thiện – Tổng Giám đốc công ty Ba Son, thông qua hợp tác với đối tác Nga, đội ngũ cán bộ, công nhân viên có điều kiện học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, từng bước làm chủ công nghệ đóng và sửa chữa tàu hiện đại”.
Theo các thông tin đã được công bố, trong số 6 tàu này, nhà máy Ba Son đã chuyển giao cho Hải quân Nhân dân Việt Nam 2 tàu chiến Molniya đầu tiên, mang phiên hiệu HQ-377 và HQ-378 vào ngày 28/6/2014.
Hai tàu tiếp theo được đặt số hiệu tạm thời là M3, M4 đã được hạ thủy hôm 24/6/2014, cùng với đó chiếc thứ 5 trong cặp tàu thứ 3 (2 chiếc cuối trong 6 chiếc) đã được đấu giáp thành công. Dự kiến, Tổng công ty Ba Son sẽ bàn giao 2 tàu tên lửa M3, M4 cho Hải quân Việt Nam vào quý I năm 2015.
Project 12418 Molniya được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại tàu chiến, tàu vận tải, cũng như tàu đổ bộ của đối phương. Molniya có lượng giãn nước toàn tải 510 tấn, dài 56,9m, rộng 10,20m, mới nước (toàn tải) 2,5m. Thủy thủ đoàn vận hành tàu khoảng 40 người.
Tàu được trang bị hỏa lực mạnh mẽ gồm: 16 tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran-E (theo lý thuyết thì một quả có thể đánh chìm tàu cỡ 5.000 tấn); một bệ pháo lớn 76,2mm; 2 bệ pháo phòng không AK-630 và tên lửa phòng không tầm thấp Igla.