Quốc Khánh Việt Nam
Ngày 2/9/1945, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt quốc dân tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Hai giờ chiều, mít tinh bắt đầu khai mạc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời Tuyên ngôn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trước thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thực đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam kiên quyết đem tất cả tinh thần, lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!".
Ngày 2/9/1945 mãi mãi đi vào lịch sử như ngày độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam sau ngót một thế kỷ đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp. Cũng từ đó, ngày 2/9 trở thành Quốc khánh Việt Nam và tính năm nay, người dân trong nước đang vui mừng đón ngày lễ kỷ niệm thứ 77.
Kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ 2
Ngày 2/9/1945, Thế chiến 2 kết thúc khi Tướng Mỹ Douglas MacArthur chấp nhận tuyên bố chính thức đầu hàng của Nhật Bản trên chiến hạm Missouri thả neo trên Vịnh Tokyo cùng với một hạm đội hơn 250 tàu chiến của quân Đồng minh.
Tại lễ ký thỏa thuận chấm dứt 2.194 ngày chiến tranh trên toàn cầu, Tướng MacArthur tuyên bố với thế giới qua sóng radio rằng: “Ngày hôm nay đã im tiếng súng. Một thảm kịch lớn đã chấm dứt. Một chiến thắng lớn đã giành được”.
Toàn cảnh buổi lễ ký kết văn kiện đầu hàng của Nhật Bản trên tàu USS Missouri diễn ra ngày 2/9/1945 dưới sự chứng kiến của hàng quân Đồng Minh và đại diện ngoại giao các nước.
Đại diện của Đế quốc Nhật Bản trên thiết giáp hạm Mỹ USS Missouri trước khi ký văn kiện đầu hàng ngày 2/9/1945. Ảnh: Totally History. |
Bắt đầu từ ngày 1/9/1939 kéo trong suốt 6 năm và 1 ngày, cuối cùng Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã chính thức kết thúc vào lúc 9 giờ sáng, ngày 2/9/1945. Cuộc chiến vô nghĩa này cũng cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người vô tội, tàn phá toàn bộ các nước châu Âu, châu Á và cả châu Phi.
Hiện nay, một bản văn kiện đầu hàng được lưu giữ tại Tòa nhà Lưu trữ Quốc gia của Mỹ ở thủ đô Washington và một bản khác tại cơ quan lưu trữ của Bộ Ngoại giao Nhật Bản ở Tokyo. Một bản sao của văn kiện mà phía Nhật Bản giữ được trưng bày tại Bảo tàng Edo-Tokyo ở Tokyo.
Chính sách “cây gậy và củ cà rốt”
Ngày 2/9/1901, chính trị gia Mỹ Theodore Roosevelt, lúc đó là ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa, có bài phát biểu đầu tiên trước công chúng: “Nói nhẹ và mang theo cây gậy lớn, bạn sẽ đi được xa”. Sau này, khi Roosevelt trở thành Tổng thống nước Mỹ, chính sách “cây gậy lớn” trở thành một nét chính trong nhiệm kỳ của ông.
Theodore Roosevelt (1858-1919) là Tổng thống Mỹ thứ 26 tại nhiệm từ năm 1901 tới năm 1909 Ảnh: Getty Images. |
Roosevelt lần đầu tiên sử dụng cụm từ “cây gậy lớn” trước công chúng là khi ông nói trước Quốc hội Mỹ, bày tỏ ủng hộ việc tăng chuẩn bị về mặt hải quân để góp phần thực hiện các mục tiêu ngoại giao của nước này.
Trước đó, trong một bức thư gửi bạn, khi Roosevelt vẫn là thống đốc bang New York, ông thể hiện sự thích thú với một câu ngạn ngữ Tây Phi. Đó là “Nói nhẹ và mang theo cây gậy lớn, bạn sẽ đi được xa”. Sau này, Roosevelt cũng sử dụng cụm từ này để giải thích mối quan hệ của mình với một số nhà lãnh đạo chính trị của Mỹ và cách tiếp cận của ông đối với một số vấn đề như điều tiết các lĩnh vực độc quyền, yêu sách của công đoàn…
Cụm từ “cây gậy lớn” tự động được gắn với Roosevelt và thường được báo chí sử dụng, đặc biệt là trong biếm họa, khi đề cập chính sách đối ngoại của ông.
Thảm sát Tháng 9 ở Paris
Người ta gọi sự kiện giết hàng loạt tù nhân ở thủ đô Paris (Pháp) từ ngày 2/9-6/9/1792 là “Thảm sát tháng 9” hoặc “Những ngày tháng 9”.
Vụ thảm sát phản ánh tâm lý tập thể ở Paris những ngày đầu sau khi Cách mạng Pháp lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế (10/8/1792). Nhiều người tin rằng, các tù nhân chính trị đang lập kế hoạch nổi dậy trong tù để tham gia âm mưu phản cách mạng.
Sự kiện Tháng 9 đẫm máu bắt đầu ngày 2/9, khi một nhóm tù nhân đang trên đường chuyển tới nhà tù Abbaye bị một băng nhóm vũ trang tấn công. Bốn ngày sau đó, vụ việc lan tới các nhà tù khác trong thành phố; chính quyền dân sự bất lực, không thể ngăn chặn tình trạng giết người hàng loạt tại các trại giam.
Tổng cộng, khoảng 1.200 tù nhân bị giết, gồm hơn 220 thầy tu bị giam giữ vì từ chối việc tái tổ chức nhà thờ theo hướng cách mạng.
Mời độc giả xem video Kỉ niệm 76 năm Quốc khánh 2/9. Nguồn: VTV24.