Theo Tổng cục Thống kê, trong tám tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,6 triệu, tăng 51,4%. Con số này chiếm hơn 30% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.
Khách Trung Quốc đến Việt Nam nhiều, tuy nhiên nhiều công ty lữ hành và chuyên gia cho rằng không nên tập trung thu hút khách du lịch đại trà, có chi tiêu thấp mà nên nhắm đến khách cao cấp có khả năng chi trả cao.
“Quân ta hại quân mình”
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, dẫn số liệu thống kê của ngành du lịch Trung Quốc cho thấy có trên 40 triệu nhà giàu mới ở Trung Quốc có nhu cầu đi du lịch nước ngoài rất lớn. Đáng chú ý, khách nhà giàu Trung Quốc luôn ưu tiên thăm những điểm đến bằng các phương tiện du lịch sang trọng như du thuyền cao cấp, máy bay bao chuyến, bay hạng thương gia. “Việt Nam có cơ hội đón tiếp khách nhà giàu Trung Quốc” - ông Anh nhận định.
Cũng theo ông Anh, không khó để tìm hiểu về mức chi tiêu của khách cao cấp Trung Quốc khi đi du lịch. Chẳng hạn, có thể dễ dàng chứng kiến mỗi bữa ăn hải sản của một gia đình khách giàu Trung Quốc khi đến Việt Nam hết 100-800 USD. Tuy nhiên, khách du lịch cao cấp Trung Quốc chưa đến Việt Nam nhiều vì đối tác Việt chưa phân biệt rõ cách phục vụ khách cao cấp khác với khách trung bình đi theo đoàn lớn, khách đi xe qua biên giới, cửa khẩu đường bộ hằng ngày.
“Người giàu Trung Quốc thích xem văn hóa lạ, thích mua những sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của người Việt; mua sắm hàng hóa cao cấp như nước hoa, đồng hồ, rượu, áo quần hàng hiệu… mang về. Họ cũng thích ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là hải sản và khi mua thì thường không để ý lắm đến giá cả mà quan tâm nhiều đến chất lượng cao. Trong khi chúng ta lại chưa đáp ứng được nhu cầu này và do vậy Việt Nam chưa phải là điểm đến ưu tiên của người Trung Quốc có tiền” - ông Anh phân tích.
Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt, cho rằng không riêng khách cao cấp Trung Quốc mà khách từ các thị trường khác khi đến Việt Nam cũng không chi tiêu cao. Nguyên nhân chính là ngành du lịch chưa có sản phẩm phục vụ cho phân khúc này. Thế nên du khách không biết mua gì, chơi gì.
“Hàng lưu niệm không đặc sắc, hàng tiêu dùng có khi gặp phải hàng dỏm. Đó là chưa kể có người còn tiếp tay cho nạn “chặt chém” và lại không bị xử lý quyết liệt thành ra… quân ta hại quân mình” - ông Mỹ dẫn chứng.
Khách Trung Quốc dạo chơi, mua sắm ở Hội An, Quảng Nam. Ảnh: HTD |
Thu hút có chọn lọc
Làm sao để thu hút khách hạng sang Trung Quốc? Một số doanh nghiệp gợi ý nên phát triển các dịch vụ mua sắm, nhất là mua sắm các loại đặc sản trong nước; kết nối tốt giữa các địa điểm du lịch, địa phương lân cận với nhau để làm phong phú chương trình tour... Nói thêm về vấn đề này, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam Hoàng Nhân Chính chia sẻ để thu hút khách Trung Quốc chi trả cao, cơ quan quản lý cần tổ chức những cuộc hội thảo để lắng nghe ý kiến của những người trong cuộc. Từ đó mới rút ra được bài học kinh nghiệm và xây dựng chiến lược thu hút phân khúc này.
“Khách Trung Quốc đến Thụy Sĩ thường mua đồng hồ hàng hiệu, đến Pháp mua túi xách Louis Vuitton với giá hàng chục ngàn USD. Vậy nếu khách Trung Quốc đến Việt Nam mua hàng hiệu có khả thi không? Khách Trung Quốc đến Malaysia thường đổ tiền vào casino, vậy chúng ta có thể làm như vậy không?” - ông Chính đặt vấn đề.
Hiện Trung Quốc là một trong năm quốc gia gồm Đức, Anh và Mỹ, Pháp có người dân tiêu nhiều tiền nhất khi đi du lịch nước ngoài.
Ông Chính cũng gợi ý vừa qua Việt Nam đã miễn visa cho năm quốc gia Tây Âu là có định hướng đến thị trường khách du lịch cao cấp. Vậy nếu ngành du lịch muốn thu hút khách có chi tiêu cao từ thị trường nào thì cần tập trung vào các thị trường đó.
Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, ông Phan Xuân Anh, nhìn nhận để khai thác được thị phần khách cao cấp Trung Quốc, ngành du lịch cần thay đổi quan niệm về phục vụ thị phần này từ lãnh đạo ngành cho đến người phục vụ trực tiếp. Tuy nhiên, phải có sự chọn lọc, có phương pháp tiếp thị và sàng lọc qua giá cả…
“Hướng về thị phần khách cao cấp, giàu sang giống như lựa món ngon mà ăn. Phát triển thị phần khách theo hướng như vậy, ngành du lịch vừa có doanh thu cao, vừa giảm bớt những tác động xấu đến môi trường và không gây áp lực lớn cho hạ tầng dịch vụ. Có như vậy mới phát triển bền vững” - ông Anh chia sẻ.
Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ cũng cho rằng ngành du lịch không nên “chê” khách du lịch Trung Quốc, nhất là du khách có chi trả cao. Bởi các quốc gia khác vẫn tìm cách thu hút khách Trung Quốc. Tuy vậy, ông Mỹ lưu ý: “Khi thu hút khách Trung Quốc, các nước đều có cách quản lý phù hợp và không tập trung vào một thị trường nào cả. Nghĩa là phải có giải pháp dự phòng, làm kinh doanh chạy theo phong trào là… chết. Việt Nam hãy học tập cách họ làm”.
Tại Việt Nam, Chính phủ đặt ra mục tiêu trong ba năm tới ngành du lịch Việt Nam thu hút được 20 triệu lượt khách quốc tế, giá trị xuất khẩu du lịch trên 20 tỉ USD. Tính ra trung bình mỗi khách khi đến Việt Nam phải đạt mức chi tiêu trên 1.000 USD.
Vì vậy, việc thu hút khách có chi tiêu cao từ thị trường khác cũng như Trung Quốc là định hướng mà ngành du lịch cần tập trung mới đạt như mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, một số công ty lữ hành nêu thực tế, Việt Nam chưa có nhiều đơn vị du lịch có kinh nghiệm và am hiểu về thị trường khách Trung Quốc. Trong khi đó nếu thiếu kinh nghiệm thì các công ty trong nước rất khó làm ăn hoặc có thể gặp rủi ro trong hợp tác làm ăn, nhất là ở khâu thanh toán (đối tác Trung Quốc thường thanh toán chậm, trả tiền sau tour). Thực tế đã có một số công ty Việt bị đối tác Trung Quốc nợ hàng tỉ đồng tiền tour và không biết phải làm sao để đòi nợ.