Là vị quan đầu triều, Nguyễn Hiệu có nhiều thời gian làm công tác tổ chức, tuyển chọn quan lại của triều đình Lê - Trịnh. Ông là người ngay thẳng, công bằng nên trong công tác tổ chức đội ngũ quan lại, ông không chỉ góp phần lựa chọn cho triều đình nhiều vị quan có đức có tài, mà có lúc ông còn minh oan cho một số người bị oan khiên.
Con đường học vấn hanh thông
Con đường học vấn hanh thông
Nguyễn Hiệu sinh năm Giáp Dần (1674) đời vua Lê Gia Tông, quê ở làng Lan Khê, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Nguyễn Hiệu là một người rất hiếu học, 13 tuổi ông đã tham dự kỳ thi Ứng khoa ở Nông Cống năm 1687. Năm 16 tuổi, Nguyễn Hiệu tham dự kỳ thi Hương, khoa Canh Ngọ (1697), Nguyễn Hiệu được bổ chức Huấn đạo phủ Kiến Xương lúc ông mới 23 tuổi. Sau 3 năm làm Huấn đạo phủ Kiến Xương, ông ra tham dự kỳ thi Hội vào tháng 2/1700 và đỗ Hội nguyên. Vào thi Đình đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Sau khi đỗ tiến sĩ, Nguyễn Hiệu được triều đình Lê - Trịnh cử làm Giám sát ngự sử đạo Kinh Bắc hàm chánh thất phẩm. Hai năm sau, Nguyễn Hiệu được Trịnh Cương (lúc này còn là Thế tử) vời vào phủ chúa và năm sau 1703 được trao chức Nội tán để chăm lo công việc nội phủ của Thế tử. Công việc đang tiến triển tốt đẹp thì ông phải về quê chịu tang cha nuôi. Năm 1706, Nguyễn Hiệu trở ra kinh sư và được bổ nhiệm chức Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam. Năm 1709, sau khi Trịnh Cương lên ngôi chúa, Nguyễn Hiệu lại được mời về Kinh thành giữ chức Đô cấp sự trung hình khoa và cấp cho ông xã Đỗ Xá, huyện Kim Động làm ngụ lộc.
Tranh minh họa. |
Làm quan liêm chính
Đến năm 1714, Nguyễn Hiệu được phong Hồng Lô tự khanh và năm sau ông được chúa Trịnh Cương phong lên chức Thiêm sai bồi tụng do có công hiến kế sách "Trị bình" và cùng năm đó ông lại được nâng lên chức Bồi tụng. Từ đây cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Hiệu liên quan nhiều đến công tác tổ chức, tuyển chọn quan lại của triều đình Lê - Trịnh. Ông là người ngay thẳng, công bằng nên trong công tác tổ chức đội ngũ quan lại, ông không chỉ góp phần lựa chọn cho triều đình nhiều vị quan có đức có tài, mà có lúc ông còn minh oan cho một số người bị oan khiên sau khi đã điều tra xác minh cụ thể.
Trong 10 năm Nguyễn Hiệu giữ chức Bồi tụng coi việc tuyển dụng quan lại nhưng không hề xin, nhận, gửi của ai, chỉ tuỳ theo đức hạnh, tài năng, công lao và thâm niên của người ta để cắt đặt vị trí quan chức, lại miễn lệ nạp tiền, nạp gạo tạ đường. Sĩ phu ai ai đều kính phục.
Năm 1717, con chúa là Trịnh Giang được mở phủ riêng, Nguyễn Hiệu được Trịnh Cương mời sang làm Tả tư giảng và Nguyễn Quý Ân làm Hữu tư giảng. Sau khi Nguyễn Quý Ân mất thì chỉ còn một mình Nguyễn Hiệu hầu hạ nơi màn trướng, tuỳ việc hướng dẫn, chỉ bảo thấm nhuần đến nơi đến chốn. Được con cháu rất kính trọng và chúa Trịnh lại càng tin yêu.
Do có nhiều công lao đóng góp cho triều đình, đất nước, năm 1720, trong đợt xét thưởng cho các quan văn võ, Nguyễn Hiệu được chúa Trịnh thăng lên chức Tả thị Lang bộ Lại và ban tước Nông Quận công và so với quần thần ông còn được đứng ở hạng thượng khảo. Năm 1726, Thanh Hoá bị nạn đói hoành hành, Nguyễn Hiệu được triều đình giao cho 14 vạn quan tiền đưa vào chẩn cấp cho dân, kịp thời cứu dân thoát đói đồng thời bảo đảm số tiền bạc trao tận tay từng người dân không bị thất thoát.
(còn nữa)
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU TIN BÀI LIÊN QUAN