CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 2 với doanh thu xuất khẩu giảm 29% so với cùng kỳ xuống 758 tỷ đồng, nhưng tăng 64% so với tháng 1/2023.
Trong tháng 2, mảng cá tra tiếp tục ghi nhận doanh thu giảm sút 47% so với cùng kỳ về 417 tỷ đồng. Doanh thu các sản phẩm hỗn hợp khác và bánh phồng tôm lần lượt giảm 24% và 19%. Bù lại, các sản phẩm phụ, chăm sóc sức khỏe tăng tương ứng 46% và 96%.
Doanh thu tháng 2 của VHC so với cùng kỳ. |
Xét về thị trường xuất khẩu, Mỹ - thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất giảm tới 69% so với mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái còn 197 tỷ đồng, Trung Quốc chỉ giảm nhẹ 3% về 70 tỷ. Trong khi đó, thị trường châu Âu lại ghi nhận tăng trưởng 116% lên 194 tỷ đồng.
Nếu so với tháng 1/2023, tất cả các thị trường xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sang Mỹ, Trung Quốc đến các nước châu Âu hay thị trường nội địa đều đã phục hồi, với mức tăng hai đến ba chữ số.
Doanh thu tháng 2 của VHC so tháng trước. |
Vẫn còn đó khó khăn?
Mặc dù Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại vào đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường này cho đến nay vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Vấn đề cơ bản dường như vẫn là nhu cầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và điều này có thể là do tác động của việc giảm thu nhập của người Trung Quốc và sự phục hồi chậm của dịch vụ nhà hàng.
Đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy rằng có thể có một phần chậm trễ trong khoảng 3-6 tháng để người dân Trung Quốc thích nghi với trạng thái bình thường mới và để các dịch vụ thực phẩm mở cửa trở lại hoàn toàn.
Dựa trên thông tin từ các doanh nghiệp chế biến cá tra, VDSC được biết đơn hàng từ Trung Quốc dự kiến sẽ tăng dần từ Q2/2023. Tuy nhiên, bất chấp sự phục hồi này, dự đoán rằng giá bán sẽ vẫn ở mức thấp trong tương lai gần.
Bất chấp tác động tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, VDSC vẫn duy trì quan điểm lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp cá tra sẽ tăng trưởng âm trong năm 2023.