Ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trả lời phỏng vấn của đài ABC trong chương trình This Week rằng cần phải phát động một "chiến dịch không kích mạnh mẽ hơn nhiều" nhắm vào những mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria. Bà nói rằng Mỹ cần "sự giúp đỡ tốt hơn" những nhóm người Hồi giáo Sunni và người Kurd trên bộ để chiến đấu với quân nổi dậy, nhưng loại trừ việc đem bộ binh Mỹ tới chiến đấu, giống như Tổng thống Barack Obama.
"Tôi nghĩ việc đó sẽ làm cho mọi việc tồi tệ hơn," bà Clinton nói.
Ứng viên tổng thống Hillary Clinton loại trừ việc đem bộ binh Mỹ tới chiến đấu ở Iraq và Syria. |
Ngoài ra, bà Clinton cũng kêu gọi những trang mạng xã hội như Facebook, Twitter và YouTube cấm những kẻ thánh chiến cực đoan giao tiếp trên website của họ, nói rằng họ "không thể cho phép việc tuyển mộ và chỉ đạo thực tế những vụ tấn công hoặc ăn mừng bạo lực”. Một trong những kẻ tấn công ở California, tên là Tashfeen Malik đã thề trung thành với thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi trên Facebook.
Bà Clinton không nói gì đến lệnh cấm bán những phần mềm mã hóa mà một số nghi can khủng bố được cho là đã sử dụng để ngăn cơ quan chấp pháp theo dõi hoạt động của họ. Bà nói bà tin rằng những người giỏi nhất của những công ty công nghệ và chính phủ có thể làm việc với nhau để tìm cách theo dõi thành công những kế hoạch thực hiện thêm những vụ tấn công khủng bố.
Ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng hòa, tỷ phú bất động sản Donald Trump, nói trong chương trình Face the Nation của đài CBS rằng ông sẽ cho phép việc trình báo những đối tượng đáng ngờ dựa trên yếu tố chủng tộc và điều tra những gia đình bị tình nghi dính líu tới khủng bố.
Ứng viên tổng thống Trump nói rằng ông sẽ "rất cứng rắn với những gia đình” và sẽ "truy bắt những người vợ" của những kẻ tấn công. |
Donald Trump, một nhân vật mới bước chân vào chính trị, đã vọt lên dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ trong số những ứng viên Cộng hòa bao gồm các thượng nghị sĩ và thống đốc đương nhiệm và tiền nhiệm. Ông ta nói sẽ là sai trái nếu ai đó nghi ngờ một vụ tấn công khủng bố có thể đang được hoạch địch nhưng lại không cảnh báo cơ quan chấp pháp vì sợ bị mang tiếng là thành kiến chủng tộc. Ông ta nói việc tố giác này chuyện thường tình.
Nhưng một ứng cử viên Đảng Cộng hòa khác, Thống đốc bang New Jersey Chris Christie, phản bác đề nghị của ông Trump, nói trong chương trình Face the Nation của đài CBS rằng: "Thực tế là chúng ta không cần phải nhắm vào chủng tộc để có thể hoàn thành được công việc. Những gì mà bạn cần là một tổng thống có kinh nghiệm và hiểu biết để làm việc này chứ không phải người cứ nói bừa không suy nghĩ”.
Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Jeb Bush, cựu thống đốc bang Florida, con trai và em trai của hai cựu tổng thống Mỹ, nói với đài ABC rằng những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) "đang lâm chiến với chúng ta và chúng ta phải tiêu diệt chúng”. Ông kêu gọi trực tiếp vũ trang cho chiến binh người Kurd và lập ra một vùng cấm bay ở Syria, một kế hoạch tương tự mà bà Clinton đang kêu gọi.
Nhưng ông nói rằng sẽ là sai trái nếu bác bỏ ý tưởng rằng Mỹ đang chiến đấu chống lại "chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan” và “đây là cuộc đấu tranh vì nền văn minh phương Tây”.
Bà Clinton cho rằng việc sử dụng cụm từ "Hồi giáo cực đoan" nghe như "chúng ta đang nhắm vào tôn giáo”. Bà giải thích: “Nó không cho thấy một số lượng lớn những người Hồi giáo ôn hòa ở đây và khắp thế giới”.
Theo VOA, bà Clinton, từng là nhà ngoại giao cao nhất của Mỹ từ năm 2009 đến năm 2013 trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama, đã chỉ trích việc phe Cộng hòa trong Thượng viện Mỹ vào tuần trước đã bác bỏ một dự luật cấm bán súng ngắn cho những người có tên trong danh sách cấm bay của Mỹ.
Nhưng ông Bush cho biết danh sách cấm bay đã cho thấy là nó không chính xác, thỉnh thoảng nhầm lẫn tên của những người Mỹ không có liên hệ gì tới khủng bố. Ông nói những người có liên hệ trực tiếp tới những cuộc điều tra khủng bố nên bị cấm mua súng.