“Tôi sẽ bắn hạ máy bay Nga nếu các chiến đấu cơ này tấn công các chiến binh nổi dậy do Mỹ đào tạo”, AM 970 The Answer dẫn lời ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa - Thượng nghị sĩ bang Nam Carolina Lindsey Graham.
Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa - Thượng nghị sĩ bang Nam Carolina Lindsey Graham. |
Theo cách nói của Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey, một quốc gia không được phép hoạt động trong không phận Syria (Mỹ) lại có quyền bắn hạ các chiến đấu cơ của một nước (Nga) vốn được chính phủ Damascus chính thức đề nghị hỗ trợ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức thấp đến mức nhiều người gọi đây là thời kỳ “Chiến tranh lạnh II”. Một sự cố trên không phận Syria sẽ dẫn đến những hậu quả không thể lường trước và cực kỳ nghiêm trọng. Việc bắn hạ chiến đấu cơ Nga có thể dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự.
Tuy nhiên, kết quả thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ Thượng nghị sĩ Graham thấp đến nỗi ông ta hầu như không có cơ hội tham gia chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016. Thậm chí, Thượng nghị sĩ Graham đã không đủ điều kiện để tham cuộc tranh luận truyền hình của Đảng Cộng hòa tổ chức vào ngày 10/11.
Điều dư luận đang lo ngại là một số ứng viên Đảng Cộng hòa khác có chung quan điểm với Thượng nghị sĩ Graham về vấn đề này. Song, Marco Rubio, Chris Christie và các ứng viên khác không nhắc đến việc họ sẽ hành động cứng rắn khi phải đối đầu với (Tổng thống Nga) Putin.
Đáp lại tuyên bố của Gramham, nhà báo Daniel Larison viết trên tờ The American Conservative rằng tuyên bố bắn hạ chiến đấu cơ Nga là khá nguy hiểm đối với Mỹ và “hoàn toàn không cần thiết”.
Theo nhà báo Larison, Nhà Trắng không nên ủng hộ phe nào trong cuộc xung đột Syria. Nhiều người nghi ngờ về sự tồn tại của cái gọi là quân nổi dậy “ôn hòa” tại Syria.
“Mỹ mắc sai lầm khi ủng hộ (quân nổi dậy ôn hòa) tại Syria nhưng sẽ là một lỗi lầm lớn hơn, nếu mạo hiểm vào một cuộc chiến”, Larison viết.
Theo nhà báo Larison, việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy thay vì can thiệp trực tiếp nhằm hạn chế rủi ro và chi phí cho nước Mỹ sẽ là tốt hơn nhưng các nghị sĩ ở Washington muốn tìm cách thúc đẩy hai phương án này.
Một điều duy nhất có thể hy vọng rằng, bất cứ ai trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ cũng sẽ hành động thận trọng hợp lý hơn so với những tuyên bố mà người đó đưa ra trong quá trình vận động tranh cử.