Ngày 22/7, tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2023 diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội, một phụ huynh tại Hà Nội đã bày tỏ băn khoăn về việc con chị đã trúng tuyển 15 trường Đại học bằng các phương thức xét tuyển khác nhau nhưng chị vẫn lo con trượt Đại học khi đăng ký lên hệ thống xét tuyển chung và lọc áo.
“Con tôi đã trúng tuyển 15 trường đại học, nhưng tôi vẫn cảm thấy lo sợ", vị phụ huynh chia sẻ. Ảnh: Thanh Hùng. |
“Con tôi đã trúng tuyển 15 trường đại học, nhưng tôi vẫn cảm thấy lo sợ”, phụ huynh này bày tỏ và cho rằng, việc lọc ảo “giống như quay xổ số”.
Giải đáp thắc mắc của phụ huynh, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa cho biết, phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm. “Nguyện vọng trúng tuyển sớm đặt ở đâu cũng sẽ đỗ nếu tất cả các nguyện vọng phía trên trượt, quý phụ huynh hãy yên tâm”, ông Khánh khẳng định.
Cũng theo ông Khánh, trong trường hợp thí sinh chưa thực sự yêu thích với những nguyện vọng trúng tuyển sớm thì có thể đặt những nguyện vọng này xuống dưới và đặt những nguyện vọng yêu thích (chưa trúng tuyển) lên trên.
Giải đáp thêm cho phụ huynh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, chắc chắn thí sinh sẽ trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển sớm nếu đủ điều kiện và đăng ký đúng quy định, cho dù trượt nguyện vọng trước đó.
Trong trường hợp đăng ký đúng quy định nhưng vẫn trượt, thí sinh có thể kiện lên Bộ GD&ĐT.
Bà Thủy cũng lưu ý, dù thí sinh được các trường xác nhận trúng tuyển có điều kiện thì thí sinh vẫn phải làm thao tác cuối cùng là đăng ký các nguyện vọng xét tuyển, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm và nguyện vọng xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT.
Nếu không đăng ký, các em sẽ lỡ cơ hội vì chưa được công nhận trúng tuyển chính thức.
Một số phụ huynh thắc mắc, thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm, tuy nhiên trường yêu cầu phải xác nhận trúng tuyển thì trường mới đưa lên hệ thống xét tuyển của Bộ, như vậy gây thêm bước rắc rối cho thí sinh và cần bỏ việc xác nhận này.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay, mỗi trường sẽ có những yêu cầu về quy trình hồ sơ, tăng thêm sự chắc chắn của trường, hoặc có thể hạn chế "ảo". Tuy nhiên, bà Thủy nhấn mạnh lại, bước cuối cùng thí sinh vẫn phải đăng ký lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Đó mới là bước quan trọng nhất.
Cũng theo bà Thủy, năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu thí sinh đăng ký tất cả nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển, cho dù thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng vẫn chỉ được xác định trúng tuyển một nguyện vọng đặt ưu tiên cao nhất. Điều này nhằm làm giảm tình trạng trúng tuyển ảo.
Thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT sẽ đóng lại sau 17h00 ngày 30/7. Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, đến thời điểm này, mới có gần 390.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống, chiếm khoảng 1/3. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, các thí sinh không nên chờ đến sát thời điểm cuối cùng mới đăng ký nguyện vọng, bởi lúc này có thể nhiều người đăng ký, gây nghẽn mạng.